Khách sạn hạng sang nuôi hi vọng với khách quốc tế
Trong nhiều tháng qua, công suất thuê phòng khách sạn tại Hà Nội chỉ đạt từ 58 – 62%, nhưng giới kinh doanh khách sạn hy vọng sẽ có sự đột phá khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trở lại.
Thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy, sau 13 tháng suy giảm liên tiếp, trong quý III/2015 vừa qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng trở lại, đạt mức xấp xỉ 1,9 triệu lượt khách, tức tăng 6% so với quý III năm ngoái. Trong đó, những thị trường khách du lịch mới được miễn visa là Belarus và Tây Âu có sự tăng trưởng tốt. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, ngành du lịch Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi mới.
Nhưng thực tế từ đầu năm đến tháng 9/2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái (với khoảng 5,7 triệu lượt khách). Cùng với đó, công suất thuê phòng khách sạn tại những thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM tính đến quý III/2015 tiếp tục ở mức thấp.
Cụ thể, công suất thuê phòng trung bình tại Hà Nội chỉ đạt 58%, tức tăng 1% so với quý II/2015 và tăng 4% theo năm. So với quý II/2015, giá thuê phòng trung bình giảm 1% nhưng lại tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu phòng trung bình không thay đổi theo quý, song tăng 9% so với năm 2014 nhờ công suất và giá thuê phòng trung bình tăng. Thống kê cho thấy, tại Hà Nội hiện có khoảng 9.100 phòng từ 66 khách sạn 3 đến 5 sao. Từ quý IV/2015 trở đi, dự kiến Hà Nội sẽ có thêm 35 dự án mới, với 14 dự án chắc chắn đi vào hoạt động và sẽ cung cấp hơn 5.000 phòng nghỉ; còn 21 dự án hiện vẫn chưa được xác định chính xác. Nguồn cung mới này sẽ tiếp tục tạo sức ép với các chủ đầu tư nếu như lượng khách quốc tế đến Việt Nam không có sự gia tăng đột biến trong thời gian tới.
Từ đầu năm đến nay, công suất thuê phòng khách sạn tại những
thành phố lớn vẫn ở mức thấp. Ảnh : Đ.T
Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 thì lượng khách quốc tế, nhất là khách du lịch từ các nước châu Âu đến Việt Nam giảm mạnh, từ đó, thị trường khách sạn tại các thành phố lớn bắt đầu đối mặt với tình trạng dư cung. Tính từ đó đến nay, TP. Hà Nội đón thêm hàng loạt khách sạn mới như: Grand Plaza Hanoi (Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy), Intercontinental Hà Nội Landmark (Phạm Hùng, huyện Từ Liêm), Crown Plaza (Lê Đức Thọ, huyện Từ Liêm), JW Marriott (Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm), Candle Hotel (Đội Cấn, quận Ba Đình),… Phần lớn các khách sạn đã phải điều chỉnh giảm giá phòng để duy trì công suất cho thuê. Hiện nay, giá phòng trung bình chỉ còn ở mức khoảng 70 USD/phòng/đêm so với mức 90 – 120 USD/phòng/đêm trong giai đoạn 2007 – 2009.
Song, về triển vọng dài hạn của phân khúc thị trường khách sạn, Giám đốc điều hành Công ty TNHH CBRE Việt Nam, ông Richard Leech nhìn nhận, với nỗ lực cải thiện hình ảnh của mình, Việt Nam đã nâng cấp các sân bay và xây dựng các điểm trung chuyển quốc tế mới, để đáp ứng lượng cầu tăng cao của hành khách quốc tế; tiếp tục miễn thị thực cho nhiều quốc gia bao gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Na uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan. Nhà ga T2 Sân bay quốc tế Nội Bài và cầu Nhật Tân hoàn thành đã phần nào cải thiện khả năng phục vụ ngành du lịch của TP. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Phía ngành du lịch cũng có nhiều biện pháp để hút thêm khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Du lịch đã đề xuất mở rộng chính sách miễn visa cho 19 thị trường du lịch trọng điểm. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng tiếp tục triển khai các hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch tại nước ngoài như IBT Asia (Singapore), Hội chợ du lịch quốc tế WTM (Anh), Thành Đô (Trung Quốc); đồng thời tổ chức chương trình phát động thị trường để thu hút khách từ 6 nước mới được miễn visa…
Với những nỗ lực trên, ông Richard Leech khẳng định, những bước đi này sẽ tạo điều kiện để thu hút một lượng lớn hơn du khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng – thành phố được Tạp chí Forbes Life bình chọn là một trong những nơi đáng đến nhất trong năm 2015.
(Theo Đầu tư Online)
Leave a Reply