Theo Bộ Xây dựng, tính đến ngày 15/3, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà dành cho người thu nhập thấp đã giải ngân 6.285 tỷ đồng và cam kết cho vay 10.967 tỷ đồng. Trong đó, đối với các cá nhân, tổ chức, gói tín dụng hỗ trợ đã giải ngân 4.525 tỷ đồng. Còn đối với các tổ chức, gói tín dụng này đã giải ngân cho 31 dự án với dư nợ 1.760 tỷ đồng.
Ông Trần Du Lịch, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM |
Có thể thấy, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng mới chỉ mới giải ngân được khoảng 20%, mức giải ngân này quá chậm, quá thấp và không đạt được như kỳ vọng để hỗ trợ cán bộ lực lượng vũ trang, cán bộ, viên chức, công chức Nhà nước và người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở xã hội. Trong khi theo quy định của Nghị quyết 02/NQ-CP do Chính phủ ban hành, chỉ còn 1 năm nữa (tới ngày 1/6/2016), gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ hết thời hạn giải ngân.
Xoay quanh vấn đề này, Đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM) cho rằng, tiến độ giải ngân chậm như hiện tại không thể đổ hết trách nhiệm cho ngân hàng hoặc bất kỳ ai. Gói tín dụng ưu đãi này có mục đích hỗ trợ cho những người dân có thu nhập thấp vay tiền mua nhà ở. Vì thế, chính sách nhà ở cần phải thống nhất là cố gắng để mọi người dân có nhà ở chứ không nên nghĩ sẽ cố gắng cho mọi người dân được sở hữu được nhà ở. Thực tế, hai mục đích đó sẽ khác nhau.
Đại biểu Trần Du Lịch đưa ra ví dụ, tại những nước phát triển, không phải người dân ai cũng sở hữu nhà ở, những người nghèo sẽ có nhà ở của Nhà nước cho thuê với giá rẻ. Vì thế, tại Việt Nam, phát triển quỹ nhà xã hội cho những đối tượng có thu nhập thấp mới là việc quan trọng. Nếu chỉ tập trung phát triển việc bán nhà (nhà thương mại) thì người nghèo ở các đô thị, thậm chí là cận nghèo đô thị cũng không thể có thu nhập mua nhà.
Đại biểu Trần Du Lịch phân tích, thời hạn thanh toán nợ ngân hàng rất quan trọng. Trong điều kiện của nước ta hiện nay, nếu cứ kéo dài thời gian cho vay thì không một ngân hàng thương mại nào có thể cho vay nổi. Trong khi đó, không hình thành quỹ phát triển nhà ở nên việc xác định đối tượng hỗ trợ ngay từ đầu đã không hiện thực.
Theo Đại biểu Trần Du Lịch, các ngân hàng cũng phải tính tới rủi ro khi Chính phủ giao các ngân hàng thương mại cho vay gói hỗ trợ. Rủi ro nằm ngay ở cách thức tính thu nhập của đối tượng vay. Cụ thể, nếu thu nhập trung bình trên 9 triệu đồng thì không thuộc đối tượng được vay nhưng thu nhập trung bình dưới 9 triệu đồng thì người vay sẽ không có tiền để trả nợ ngân hàng để mua nhà. Quy định này tự nhiên trở nên mâu thuẫn, làm khó cả đối tượng có như cầu vay lẫn ngân hàng.
Để đẩy mạnh giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, cần xác định lại đối tượng vay. Ảnh: Vietnamnet |
Đại biểu Trần Du Lịch nêu quan điểm, gói tín dụng này chỉ nên hỗ trợ cho những người có thu nhập trung bình nhưng chưa có nhà ở, nghĩa là khả năng chứng minh thu nhập hàng tháng có thể trả nợ được cho ngân hàng. Xác định như thế nhằm ưu tiên kích cầu tại phân khúc thị trường nhà ở này. Đồng thời, những nhà đầu tư kinh doanh bất động sản sẽ có hướng xây dựng phân khúc nhà ở cho phù hợp.
Để chứng minh nhận định này là hợp lý, Đại biểu Trần Du Lịch cho hay, thị trường bất động sản tại Tp.HCM, Bình Dương và nhiều nơi khác hiện đang hướng đến nhà ở cho người có thu nhập trung bình vì phân khúc này bán rất chạy. Cách làm đó đã xử lý được sự méo mó trước kia của thị trường, khi nhà đầu tư trong suốt một thời gian dài chỉ tập trung xây dựng căn hộ chung cư cao cấp, làm thoát ly tất cả sức mua của thị trường.
Đại biểu Trần Du Lịch bày tỏ, phát triển nhà ở tại các đô thị lớn của nước ta như chiếc máy bay chỉ làm ghế hạng thương gia và ghế hạng C mà không có hạng phổ thông. Thành ra ghế hạng C chẳng có ai đi mà ghế hạng thương gia cũng chẳng có ai ngồi. Nếu chính sách nhà ở này được điều chỉnh lại thì thị trường nhà đất của Việt Nam sẽ không bị đóng băng và phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp cũng có cơ hội tan băng.
Khẳng định tầm quan trọng của việc điều chỉnh đối tượng hưởng ưu đãi của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh, nếu tại Hà Nội có các căn hộ có giá khoảng 1 tỷ hay hơn 1 tỷ đồng, còn tại các tỉnh có những căn hộ có giá bán từ 500-600 triệu đồng, phân khúc nhà ở này sẽ không bao giờ bị đóng băng.
Bởi vì, không phải tất cả người dân đều có thể mua nhà ở với giá này nhưng với thu nhập của họ trong 10 năm hoặc 15 năm thì có thể trang trải được. Vì thế, gói hỗ trợ nên hướng đến đúng đối tượng, còn nếu như hiện tại xảy ra tắc nghẽn cũng không thể trách được ai.
Đại biểu Trần Du Lịch chỉ rõ, đối với diện chuẩn cận nghèo, nghèo, thu nhập chỉ đủ sống thì không thể tính tới chuyện mua nhà. Ví dụ với quy định chuẩn nghèo tại Tp.HCM là có thu nhập trung bình 16 triệu đồng/năm thì làm sao có thể mua được nhà ở xã hội? Những người này chỉ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội. Chúng ta cần xác định rõ đối tượng theo chuẩn như thế để các ngân hàng tự cân đối và tính toán. Người có người làm thuê, làm mướn thu nhập bấp bênh, không ổn định, lương vài triệu/tháng nếu cứ đòi ngân hàng cho vay mua nhà ở thì sẽ không có ngân hàng nào dám cho vay.
Leave a Reply