BĐS tăng giá, nhiều người chọn giải pháp mua lại chung cư cũ
Không thể bắt kịp xu hướng tăng giá của BĐS thời gian qua, nhiều người có nhu cầu mua nhà chuyển hướng lùng mua căn hộ tại các khu tập thể, chung cư cũ để an cư và phù hợp với tài chính hạn hẹp.
Thay vì tìm kiếm căn hộ thuộc các dự án mới mở, gần đây nhiều gia đình trẻ đang chuộng tìm mua căn hộ tại các khu chung cư cũ đã được xây dựng từ 10 – 15 năm. Những khu cung cư này tuy hình thức không còn đẹp mắt nhưng bù lại chất lượng có thể chấp nhận được, lại thêm lợi thế vị trí gần trung tâm, thuận tiện đi lại, học tập, làm việc và sinh hoạt.
Chị Ngô Minh Hạnh – một người mua nhà tại quận Tân Bình cho biết, tích lũy một thời gian chị định sẽ mua một căn hộ tầm 1,4 tỷ đồng tại Tân Phú nhưng đến nay, khi tài chính gần đủ thì giá căn nhà mà chị nhắm lại dội lên đến 1,8 tỷ, cao hơn so với tính toán ban đầu. Một số dự án khác cùng khu vực cũng đều tăng giá lên đến 20%. Do đó, chị quyết định mua lại một căn hộ chung cư cũ trên đường Hoa Mai ( Quận 11), với giá 1,1 tỷ/căn 80m2. Theo chị Hạnh, tuy chung cư này đã xây dựng được 10 năm nhưng chất lượng vẫn còn tốt, bỏ ra tầm 50 triệu sửa sang sẽ rất bắt mắt. Hiện thời để mua được căn hộ có diện tích rộng rãi với mức giá trên là rất khó khăn. Thậm chí, chị còn cho rằng, chất lượng các dự án cũ vẫn đảm bảo hơn một số dự án bình dân thời gian gần đây.
Những khu chung cư cũ, tuổi đời từ 10-15 năm, chưa xuống cấp đang rất được người mua nhà ưa chuộng. Ảnh: landtoday
Không chỉ chị Hạnh mà rất nhiều khách mua nhà tìm kiếm các căn hộ từ 64 – 80m2 tại các chung cư cũ. Theo môi giới, mức giá các căn tại chung cư khoảng 10 năm tuổi thường dao động từ 800 -1,5 tỷ/căn. Dù không hề rẻ hơn giá bán tại các dự án mới nhưng chung cư cũ lại được khách hàng lựa chọn nhiều hơn là vì chất lượng dịch vụ và xây dựng đã được kiểm chứng qua thời gian. Mặt khác, với mức giá này rất khó mua được căn hộ cùng diện tích, thuộc khu trung tâm tại các dự án mới.
Theo chia sẻ của anh Ngô Văn Thắng – một môi giới nhà tại khu trung tâm, giới đầu tư tất nhiên không mặn mà gì với mặt hàng nhà cũ này nhưng người có nhu cầu mua để ở lại rất thích. “Nhà cũ thường có diện tích rộng rãi, nằm ở các vị trí tốt, thêm vào đó mức giá bán thường hợp với tài chính của nhiều gia đình trẻ. Bề ngoài cũ nhưng bên trong tốt vẫn hơn mấy căn hộ đẹp mã mà chật chội. Một điểm cộng của chung cư cũ là thấp tầng, phù hợp với tiêu chí an toàn của nhiều hộ gia đình. Trong mấy tháng qua, khách mua nhà đều ưng ý những chung cư cũ tầm 4-6 tầng, những căn này thường là chung cư có chất lượng xây dựng tốt, diện tích rộng, hành lang, cầu thang thoáng đãng”.
Một nguyên nhân khác khiến khách mua nhà chuyển hướng lựa chọn chung cư cũ là vì nhiều dự án căn hộ chung cư mới liên tục tăng giá. Ngay từ đầu năm 2015, các doanh nghiệp BĐS liên tục có sự điều chỉnh giá bán. Mỗi đợt mở bán đều có sự nhích lên ít nhiều. Tính đến thời điểm hiện tại, mức tăng giá bất động sản (BĐS) đã lên tới 15% so với cùng kỳ năm 2014 và về bằng mức giá bán của thời kỳ “sốt” đất năm 2010. Một số dự án đã có mức tăng từ 30-40% so với mặt bằng giá thời điểm đầu 2015. Tp.HCM có đến 20% là nhà đầu cơ và đầu tư ngắn hạn. Dù thị trường phục hồi tốt từ cuối năm 2014 đến nay, nhưng đã bắt đầu xuất hiện nghịch lý đáng lo ngại là giá nhà đang tăng tỷ lệ thuận với nguồn cung. Thị trường BĐS Tp.HCM lại kém minh bạch về chỉ số giá, giá bán nhà ở hiện nay không được kiểm soát dẫn tới tình trạng chủ đầu tư và môi giới thường “bắt tay” đẩy giá lên cao. Trong khi đó, do thủ tục pháp lý thực hiện một dự án BĐS khá dài từ 2-3 năm nên chủ đầu tư luôn tìm cách đẩy chi phí về phía khách hàng.
Giá nhà tăng chóng mặt khiến nhiều khu vực vốn là ngoại thành cũng tiệm cận mặt bằng giá tại khu trung tâm, giá bán bình dân thành nhà trung cấp và trung cấp hiển nhiên leo lên hàng cao cấp. Đơn cử, nếu trong năm 2014, chỉ tầm 1,2 – 1,5 tỷ là mua được căn nhà vừa khang trang, rộng rãi, vừa không xa trung tâm, nhưng hiện nay, với số tiền này, khách hàng chỉ có thể mua được những căn hộ có diện tích nhỏ và xa khu trung tâm hơn.. Theo anh Huỳnh Lâm, một chuyên viên môi giới lâu năm thì với mức tài chính tầm 1,5 tỷ đổ lại, rất khó có thể mua được một căn hộ mới có chất lượng xây dựng tốt, diện tích rộng, chứ chưa nói đến các căn hộ thuộc phân khúc cao cấp với giá thành cao. Loại căn hộ tầm trung ở trung tâm khá khan hiếm, giá cả cũng chẳng rẻ gì mà diện tích chật chội. Các dự án căn hộ có giá trung bình ở khu ngoại thành cũng phải 900 triệu đến 1,8 tỷ/cho căn 60 – 80m2.
Chất lượng căn hộ và chất lượng dịch vụ đáng lo ngại của một số dự án nhà mới mở bán thời gian qua cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ gia đình e ngại bỏ ra một khoảng tài chính lớn để đầu tư vào mua chung cư. Sự cố thang máy, thấm dột, hỏa hoạn khiến người mua nhà chùn tay với căn hộ tầm cao. Trong khi đó, các chung cư cũ thường chỉ cao tầm 4 – 8 tầng đổ lại ít gặp phải vấn đề này.
Theo bà Ngô Hương Lan, Giám đốc SGD KimLan, nhu cầu nhà ở của người trẻ đang còn rất lớn, đặc biệt tại những thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM. Tuy nhiên, hiện trên 95% người trẻ vẫn gặp nhiều khó khăn, không có nhiều cơ hội để sở hữu nhà ở. Đối với những hộ gia đình có thu nhập trung bình hay các cặp đôi mới cưới, để gánh chi phí mua một căn hộ mới tại trung tâm sẽ phải tích lũy khá lâu và áp lực tài chính không nhỏ. Vì vậy, những căn hộ tại các khu chung cư cũ với mức giá thành mềm hơn là lựa chọn của nhiều người. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là gói hỗ trợ 30.000 tỷ lại không thành công như mong đợi. Gói tín dụng ra đời để giúp người thu nhập thấp có thể mua nhà nhưng hiện tại, nguồn cung không có, thủ tục vay gói nhiều bất cập, chất lượng nhà giá rẽ lại bị nghi ngờ thành thử mua đồ cũ lại khiến nhiều người an tâm hơn hàng mới.
(Theo Tuổi trẻ online)
Leave a Reply