BĐS Tp.HCM và cuộc đua thiết lập mặt bằng giá mới
Trong 10 tháng qua, thị trường bất động sản (BĐS) khu Đông – Nam Tp.HCM lần lượt xuất hiện khung giá bán cao hơn so với mặt bằng cũ, điều này đánh dấu chu kỳ tăng giá nhiều quý liền sau giai đoạn khủng hoảng.
Theo khảo sát của phóng viên tại quận 8, dự án City Gate Towers, nằm trên trục đại lộ Võ Văn Kiệt, được tung ra thị trường cuối quý II đầu quý III/2015 với giá bán 16,5 triệu đồng/m2, nhưng đến tháng 10 đã nhích lên 17,5 triệu đồng/m2. So với dự án Carina Plaza cạnh đó của cùng chủ đầu tư được mở bán 4 năm trước với giá 15,7 triệu đồng/m2, thì mặt bằng mới tại khu vực này đã tăng thêm 1,8 triệu đồng, khoảng hơn 10%.
Còn tại quận 7, khu vực rìa Phú Mỹ Hưng, cũng đã xuất hiện mặt bằng giá nhà ở mới. Sau khi mua lại một phần dự án Lacasa của Vạn Phát Hưng, Công ty An Gia đã điều chỉnh dự án. Công ty tung ra 2 sản phẩm An Gia Skyline và An Gia Riverside có giá bán cao hơn dự án cũ 3-5 triệu đồng/m2, vào khoảng 15-20%. Trong khi Lacasa có giá 22 triệu đồng/m2, thì 2 dự án mới liền kề đó chào giá khoảng 25-27 triệu đồng/m2. Doanh nghiệp này đầu tư mạnh cho thiết kế và nhà thầu có thương hiệu để đẩy mặt bằng giá lên cao hơn.
Hồi giữa tháng 9 vừa qua, Công ty cổ phần đầu tư BĐS Hưng Lộc Phát công bố bán 447 căn hộ dự án Silver Star tại đường Nguyễn Hữu Thọ, với giá bán từ 20 triệu đồng/m2, như vậy là cao hơn dự án đầu tay 2 triệu đồng/m2, tương đương mức điều chỉnh tăng 10%.
Dự án The Park Residence, tên gọi cũ là Phú Hoàng Anh giai đoạn 2 cũng nằm trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ, do Tập đoàn M.I.K phát triển có giá bán giai đoạn đầu là 17 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến quý III giá bán trung bình nhích lên 22-23 triệu đồng/m2. Trong tháng 10 này, dự án này xuất hiện mức giá 25-27 triệu đồng/m2, như vậy là cao hơn ban đầu mở bán khoảng 10 triệu đồng/m2 và tăng khoảng 35% so với Phú Hoàng Anh ngay gần đó. Được biết, M.I.K đã đầu tư mạnh vào tiện ích và nâng cấp dự án nhằm thuyết phục khách hàng chấp nhận mặt bằng giá mới.
Các chuyên gia cho rằng, giá nhà đất khó có thể rẻ hơn và xu hướng
tăng giá đang mạnh dần. Ảnh: Lucas Nguyễn
Tương tự, tại khu Đông Tp.HCM thì quận 9 là địa bàn có sự hình thành mặt bằng giá mới rõ rệt nhất. Trong 2 năm qua, Công ty Khang Điền đã lần lượt chào hàng các sản phẩm nhà phố Mega: Residence, Ruby, Sapphire và Village nhích dần từ cột mốc 1,9 tỷ đồng/căn lên 2,75 tỷ đồng/căn, gần đường cao tốc và vành đai. Tháng 10 năm nay, doanh nghiệp này tiếp tục đổ bộ sang phân khúc cao hơn là biệt thự Lucasta với giá thấp nhất 8 tỷ đồng/căn.
Ở thị phần căn hộ, sau dòng sản phẩm Ehome có giá 11,5-12 triệu đồng/m2 tại quận 9 nhiều năm trước, trong quý II/2015, Công ty Nam Long trở lại thị trường quận 9. Doanh nghiệp này mở bán dự án Flora Anh Đào với giá 18,7-19,9 triệu đồng/m2 và thiết lập mặt bằng giá chung cư mới trên tuyến đường Đỗ Xuân Hợp. Cũng nằm trên trục đường này, dự án The Art được Công ty Gia Hòa công bố giá bán là 16-18,7 triệu đồng/m2 (bao gồm VAT).
Cùng với đó, các tuyến đường Lã Xuân Oai, Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt, Tây Hòa, Nguyễn Duy Trinh,… tại quận 9 cũng từng bước trình làng mặt bằng giá nhà mới cao hơn so với trước đây. Đơn cử, hàng loạt các dự án cao cấp tại quận 2 như: Sala, Vinhomes, Estela giai đoạn 2,… đều có sự điều chỉnh giá bán tịnh tiến (đợt sau giá cao hơn đợt trước). Cụ thể, Estela giai đoạn một định vị 36-39 triệu đồng/m2 thì bước sang năm 2015 doanh nghiệp đã bán giai đoạn 2 với giá 40-50 triệu đồng/m2.
Theo báo cáo của Jones Lang LaSalle, giá nhà ở bán tại Tp.HCM trong quý III/2015 tiếp tục tăng trên thị trường sơ cấp. Trong đó, căn hộ có giá bán tăng trên diện rộng và tăng cao đáng kể ở các dự án mở bán theo đợt, có tiến độ xây dựng tốt. Còn trên thị trường thứ cấp, biệt thự, nhà liền kề và căn hộ đều ghi nhận tăng giá nhiều quý liên tiếp kể từ đầu 2014.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành cho hay, gần một thập niên qua giá nhà chỉ giảm và đi ngang chứ không tăng cho đến khi thị trường có dấu hiệu ấm lại từ giữa cuối năm 2014. Lạm phát, trượt giá, chi phí tài chính bị đội lên, cùng với đó vật liệu xây dựng hiện nay tăng giá… chính là những áp lực khiến giá nhà có xu hướng đi lên trong năm 2015. Theo nhận định của ông Nghĩa, hiện nay đầu tư dự án mới và tái khởi động dự án cũ cần phải áp dụng mặt bằng giá mới thì doanh nghiệp mới có lãi để tiếp tục đầu tư.
Vị chuyên gia này cho rằng, thị trường đang chấp nhận mặt bằng giá mới sau một khoảng thời gian dài khủng hoảng là điều hết sức bình thường. Xu hướng tăng giá đã hình thành nên khó có thể kéo giá nhà đất xuống mà chỉ có giải pháp nâng mức thu nhập lên nhằm cải thiện khả năng mua nhà. Điều này phụ thuộc vào nền kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long nhìn nhận, giá nhà không thể rẻ hơn được nữa vì giá đền bù giải phóng mặt bằng, giá nhân công, xây dựng ngày càng tăng.
Ông Quang phân tích, chi phí xây dựng tại Việt Nam hiện nay thấp so với khu vực và không thể giảm hơn nữa. Công nghệ xây dựng của Việt Nam hiện nay rẻ nhất và không có công nghệ nào có thể rẻ hơn. Tổ chức tư vấn xây dựng David Langdon and Seal cũng cho biết, giá xây dựng trên mỗi m2 các chung cư tại Tp.HCM năm 2015 bằng 0,5-0,8 lần giá xây dựng trên mỗi m2 của các nước trong khu vực. Trong khi biên lợi nhuận của các chủ đầu tư Việt Nam hiện nay chỉ từ 5 đến 15%, thì tại các nhà phát triển khu vực như Thái Lan, Phillipines, Australia, Singapore, … là 15-25%.
Cũng theo ông Quang, lợi nhuận thấp ẩn chứa nhiều rủi ro cho nhà phát triển BĐS nên xu hướng giá nhà đi lên trong năm 2015 và trong thời gian tới gần như chắc chắn.
(Theo Vnexpress)
Leave a Reply