Đà Nẵng : Mặc kệ cảnh báo, khách sạn vẫn mọc lên như nấm
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã cảnh báo về thực trạng thừa khách sạn (chủ yếu từ 1-3 sao) tại địa bàn thành phố nhưng bất chấp cảnh báo này, các khách sạn vẫn cứ đua nhau mọc lên. Trong khi đó, TP. Đà Nẵng vẫn chưa có một quy hoạch nào về việc xây dựng khách sạn.
Tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, hàng loạt khách sạn đua nhau mọc lên. Ảnh: Nhiệt Băng
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, số lượng cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố hiện đang tăng trưởng nhanh, nhất là đối với phân khúc khách sạn từ 1-3 sao thì cung đã vượt cầu trong mùa thấp điểm khách du lịch.
Vì thế, Sở này khuyến cáo các cá nhân, tổ chức cần chuyển hướng đầu tư kinh doanh vào những mùa phục vụ du lịch khác nhau như nhà hàng đặc sản (chuyên phục vụ một đặc sản đặc trưng), dịch vụ ẩm thực Việt, trung tâm mua sắm, bảo tàng tư nhân, tụ điểm văn hóa (âm nhạc, cà phê), quán bar, khu vui chơi giải trí…
Mặc dù cảnh báo nhưng vậy nhưng khảo sát của phóng viên tại nhiều khu vực, đặc biệt là tại phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), hàng loạt khách sạn cũ mới vẫn đua nhau mọc lên.
Trên những tuyến đường An Thượng 30, Phan Tôn, Đỗ Bá, Hoàng Kế Viêm, Lê Quang Đạo… có ít nhất 10 khách sạn từ 4-12 tầng đang xây dựng dang dở. Đó là chưa kể tại những tuyến đường như Dương Đình Nghệ, Hà Bổng (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà)… đã trở thành “phố khách sạn” từ bao giờ.
thị trường khách sạn
Bên đường biển Võ Nguyên Giáp, các khách sạn từ 4-12 tầng xây dựng san sát nhau. Ảnh: Nhiệt Băng
Thực trạng TP. Đà Nẵng chưa có một quy hoạch nào về việc xây dựng khách sạn đã bộc lộ điểm yếu trong hoạt động đầu tư hạ tầng du lịch. Tổng Thư ký Hiệp hội khách sạn Đà Nẵng Phạm Minh Tuấn đánh giá, việc đầu tư ồ ạt cá khách sạn vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố xuất phát từ hiệu ứng đám đông.
Ông Tuấn nêu thực trạng, thực tế nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng “miếng bánh” lĩnh vực kinh doanh khách sạn này dễ sinh lợi nhuận mà bỏ ít công sức, trong khi trước đó, họ chưa có một chiến lượt xây dựng khách sạn bền vững từ đào tạo nguồn nhân lực cho tới quản lý một cách hiệu quả.
Cũng theo ông Tuấn, các cơ quan quản lý Nhà nước thay vì cấp phép đăng ký xây dựng khách sạn mới ồ ạt thì nên tư vấn, hướng nhà đầu tư tới những hạng mục khác nhưng cũng nằm trong ngành du lịch như: các dịch vụ vui chơi giải trí, nhà hàng…
Ông Tuấn cho biết, TP. Đà Nẵng nên quy hoạch, phân loại lại khách sạn. Ngoài ra, các nhà trường đào tạo nghề cần nhìn nhận một thực tế từ những yêu cầu của doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Có như vậy, ngành du lịch của thành phố mới được bền vững và phát triển được.
(Theo Lao động)
Leave a Reply