Săn nhà nát bán kiếm lời : Vốn ít lời to
Chẳng bận tâm tới những biến động về giá đất nền, cũng không để ý lắm tới sự sôi động lên xuống của thị trường căn hộ, anh Trần Văn Tâm ngụ quận 12, Tp.HCM lại có hướng đi nghe có vẻ rất cũ kỹ: Săn nhà nát!
Vốn tự có được khoảng 5 tỷ đồng, anh Tâm bắt đầu công cuộc săn nhà nát được hơn một năm nay qua một dịp khá tình cờ. Anh kể, hơn một năm trước, ngồi cafe vỉa hè ở quận 12, anh thấy một bác lớn tuổi than thở muốn bán căn nhà cho con mua căn chung cư ở một quận gần trung tâm hơn để tiện đi làm mà bán hoài không nổi.
“Hỏi chuyện, bác nói căn nhà 85m2, có nhà cấp 4 cũ, bán với giá bằng với giá đất thôi, khoảng 1,1 tỷ là bán. Ở quận này lâu nên tôi biết đó là mức giá hấp dẫn, liền quyết định tới xem và đồng ý mua nhanh chóng”, anh Tâm kể lại.
Lãi ngay hàng trăm triệu
Mua xong ngôi nhà, anh Tâm nhận thấy cốt nhà cấp 4 này vẫn còn dùng được một thời gian đáng kể nữa, chỉ có phần bên ngoài trông hơi nhếch nhác, cũ kỹ, không gian lại tối tăm tạo cảm giác âm u và không thuận tiện cho sinh hoạt. Anh Tâm đầu tư thêm số tiền 30 triệu đồng để vá lại một vài chỗ tường bong tróc, sơn lại toàn bộ, sửa lại nhà vệ sinh. “Vì là nhà cấp 4 lại xác định chỉ để ở thêm một thời gian nữa thôi nên tôi không muốn đầu tư nhiều. Chỉ có vậy mà căn nhà sáng bừng hẳn lên, giúp tôi bán lại dễ dàng cho một cặp vợ chồng trẻ với giá 1,3 tỷ đồng sau đó khoảng vài tháng. Đương nhiên, buôn bán cũng phải gặp duyên may nữa nhưng tôi nhận thấy quyết định của mình khá ổn nên hiện giờ vẫn đang tiếp tục việc này”, anh Tâm cho biết.
Với số vốn không quá lớn, buôn nhà nát và bán lại sau khi đã cải tạo để kiếm chênh lệch khi thì vài chục, lúc may cả trăm triệu như anh Tâm hiện giờ đang là một kênh kinh doanh khá phổ biến đối với nhiều nhà đầu tư nhỏ trong lĩnh vực bất động sản ở Tp.HCM.
Mua nhà cũ nát, giá rẻ sau đó tân trang, sửa chữa rồi bán lại kiếm lời là kiểu đầu tư ngắn hạn nhưng lợi nhuận hấp dẫn. Ảnh minh họa
Một số dân trong nghề cho biết, buôn nhà cũ nát là một trong những giải pháp kinh doanh, đầu tư ngắn hạn nhưng có tỷ lệ lợi nhuận tương đối cao, hơn nữa rủi ro lại thấp hơn hẳn so với các lựa chọn đầu tư khác trên thị trường.
“Làm môi giới bất động sản nên khi thấy căn nào vừa tiền mà dẫn khách tới lại bị khách chê, tôi sẽ chọn mua để dành kinh doanh dạng này. Do vốn không nhiều nên tôi ưu tiền chọn nhà giấy tờ hợp lệ, mức giá từ 600 triệu đồng đến tối đa là 1 tỷ thôi, loại nhà này mới dễ bán. Thông thường, tôi hay chọn mua căn nhà “nát” cấp 4, sau đó đúc giả thêm cái gác suốt, trang trí lại bằng các tông màu sáng để có vẻ mới nhằm hút khách mua”, ông Đặng Thanh Bình, một môi giới nhà đất lâu năm ở Gò Vấp, chia sẻ.
Đề phòng rủi ro pháp lý
Ông Bình cũng thừa nhận, đầu tư nhà cũ nát có thuận lợi là vốn ít, lợi nhuận khá tốt, lại không lo bị tồn kho vì nhu cầu thị trường vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, hình thức đầu tư này cũng có thách thức không hề nhỏ, đó là ở khâu pháp lý, nên nhà môi giới này cũng khá kén chọn dù nguồn cung nhà nát ở khu vực ông hoạt động khá dồi dào.
Trao đổi với nhóm PV, bà Võ Thị Phương Mai- Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh của công ty Cushman & Wakefields đánh giá, đây là kiểu đầu tư đòi hỏi nhà đầu tư phải bỏ nhiều thời gian, chịu khó khảo sát và lặn lội tìm kiếm trong mọi ngóc ngách, hang cùng ngỏ hẻm, đến nhiều nơi thuộc vùng ven thì mới tìm được cơ hội mua lại những căn nhà xập xệ, giá rẻ. Tuy nhiên, cũng cần tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý (tranh chấp, có nằm trong qui hoạch…) của nhà định mua nếu không nhà đầu tư cũng có thể “mắc kẹt” khi không thể bán được nhà.
Theo bà Mai, bí quyết buôn nhà nát thành công là nên chọn mua nhà ở khu vùng ven, loại diện tích vừa phải, chỉ nâng cấp vừa đủ và đảm bảo thời gian sửa chữa không bị kéo dài mới có thu được lợi nhuận. Đồng thời, chỉ nên mua nhà có pháp lý rõ ràng, có thể giao dịch nhanh chóng, chọn lọc môi giới hợp lý.
Bà Mai khuyến nghị: Rủi ro của kiểu đầu tư này là nhiều nhà nát, nhà cấp 4 tại các khu vùng ven thường không có sổ đỏ nhưng do tham mức giá rẻ, nhà đầu tư dễ chấp nhận giao dịch bằng giấy viết tay, điều này là cực kỳ rủi ro. Vì thế, chỉ nên mua nhà có tình trạng pháp lý rõ ràng”. Ngoài ra, việc mua bán nhà đất tại Tp.HCM thường hay thông qua môi giới, vì vậy nên chọn lọc môi giới, nếu bỏ qua khâu này có thể dễ gặp những rắc rối không đáng có phát sinh.
“Nhà đầu tư nên thoả thuận rõ ràng bằng văn bản với môi giới nhằm tránh xảy ra các tranh chấp về mặt hoa hồng, dễ khiến cả hai rơi vào tình thế khó xử. Thậm chí có nhà đầu tư còn mất khách hàng do bị môi giới chơi xấu sau các xung đột. Tốt nhất, bạn chỉ làm việc với các môi giới đã tin tưởng vì khi thông tin về nhà được đăng lên truyền thông, sẽ có rất nhiều môi giới liên hệ”, bà Mai kết luận.
(Theo Thời báo kinh doanh)
Leave a Reply