Gói vay 20 nghìn tỷ khó có khả thi
Nhận định trên là của ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Tp.HCM, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành khi nói về gói vay 20 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà ở thương mại trung bình do Ngân hàng Nhà nước đề xuất mới đây.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ hỗ trợ tái cấp vốn khoảng 20 nghìn tỷ đồng cho ngân hàng thương mại Nhà nước để triển khai cho vay đối với khách hàng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở thương mại. Một số nguồn tin cho biết, gói tín dụng này sẽ kéo dài trong vòng 10 năm và có lãi suất 7%/năm.
Khi trao đổi với phóng viên, ông Đực đánh giá, gói 20 nghìn tỷ gây ra lãng phí nguồn lực tài chính, thậm chí còn khiến cho lượng hàng tồn kho có thể tái diễn trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, gói 20 nghìn tỷ Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM
– Vừa qua, tại Hội chợ Home Expo 2015, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã công bố thông tin sắp có gói vay 20 nghìn tỷ cho phân khúc nhà ở thương mại trung bình. Về gói tín dụng này, ông nhận định như thế nào?
Ngân hàng Xây dựng Việt Nam trước đây đã đề xuất gói tín dụng 50 nghìn tỷ cho thị trường BĐS và lĩnh vực xây dựng nhưng đã nhanh chóng “chết yểu”. Sau đó, khi còn là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam cũng tuyên bố có gói 50 nghìn tỷ cho BĐS nhưng tới nay, gói này cũng “im hơi lặng tiếng”. Hiện tại, Ngân hành Nhà nước và Bộ Xây dựng lại đưa ra gói 20.000 tỷ đồng. Tiền đâu mà Nhà nước cứ tung ra mãi, hết gói này đến gói kia như vậy?
Nếu về mặt phân bố những nguồn lực kinh tế, rất nhiều lĩnh vực khác hiện đang cần hỗ trợ. Vì thế, chúng ta không nên chỉ tập trung vào hỗ trợ BĐS theo kiểu không hoàn thành gói 30.000 tỷ thì chuyển qua gói 50.000 tỷ, rồi tới gói 20.000 tỷ. Không thể tiêu cho được vài chục nghìn tỷ của Nhà nước bằng mọi cách.
– Thưa ông, nếu gói tín dụng này được giải ngân thì sẽ tác động như thế nào tới thị trường?
Nếu được triển khai, gói vay hỗ trợ 20.000 tỷ đồng cũng không đem lại lợi ích cho xã hội mà chỉ giúp nhà giàu và các doanh nghiệp BĐS lớn bán được hàng.
Thông tin ban đầu cho thấy, gói này dành cho phân khúc nhà ở thương mại trung bình, nghĩa là nhà trên 1-2 tỷ đồng. Khách hàng có thể mua được nhà ở với giá 3-4 tỷ, thậm chí khách hàng mua mảnh đất 10 tỷ xin vay 1 tỷ đồng để xây dựng nhà có thể vẫn được. Có thể thấy, gói tín dụng 20.000 tỷ đồng giúp người giàu chứ không phải giúp cho người trung bình khá. Điều này lại càng làm mất đi tính xã hội, nhân văn. Bên cạnh đó, gói này sẽ giúp các nhà đầu tư lớn, đại gia muốn xây loại căn hộ có quy mô từ 100-200m2, giá bán 20-30 triệu đồng/m2 vẫn bán được hàng.
Đúng ra phải khuyến khích những đại gia đó xây nhà giá rẻ khoảng 14-15 triệu đồng/m2, thậm chí là xây dựng nhà 7-8 triệu đồng/m2 như Becamex IDC ở Bình Dương để bán cho người dân nghèo thì bây giờ lại giúp cho phân khúc căn hộ 30-40 triệu đồng/m2 là rất vô lý.
Nhiều khách hàng quan tâm đến thông tin về gói tín dụng 20 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà
– Có ý kiến nhận định rằng gói 20 nghìn tỷ đồng còn có thể dẫn tới hệ lụy xấu cho thị trường BĐS trong tương lai?
Đúng vậy! Từ nhiều năm nay, thực tế là tôi đã nhiều lần cảnh báo về sự bất mất cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường BĐS. Thị trường hiện tại đang thiếu những căn hộ diện tích nhỏ, giá bán thấp và thừa các căn hộ lớn, giá cao. Trong khi đó, phân khúc trung bình vẫn đang là phân khúc có thanh khoản ổn định nhất, lượng hàng tồn kho ở hàng trăm dự án hầu hết là các căn hộ lớn. Nếu gói tín dụng 20 nghìn tỷ đi vào thực tế, trước mắt có thể giải quyết được lượng hàng tồn kho cũng như nguồn cung có giá cao nhưng về lâu dài thị trường sẽ xuất hiện chênh lệch giữa cung và cầu thật. Như vậy, rõ ràng là khi giải ngân hết gói 20 nghìn tỷ, tồn kho BĐS lại tiếp diễn.
Đáng lý ra Bộ Xây dựng phải kịp thời định hướng được cơ cấu, nhu cầu của người mua nhà theo từng thời điểm thì đây lại để cho hiện tượng tồn kho cố thể tái diễn trong tương lai.
– Tính tới ngày 31/05/2015, gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng mới giải ngân được hơn 7.620 tỷ sau 2 năm giải ngân. Về con số này, ông đánh giá như thế nào?
Gói 30 nghìn tỷ đồng đã thật sự thất bại khi được người dân và doanh nghiệp kỳ vọng nhiều nhưng lại không đạt hiệu quả. Gói 30 nghìn tỷ đồng đã không giúp cho thị trường BĐS phát triển một cách tốt đẹp, không tạo được tác động xã hội quan trọng nào, người dân nghèo không được vay mua mà ở mà chỉ những người có thu nhập trung bình khá.
Trên thực tế, sự bùng nổ vừa qua của thị trường BĐS chẳng qua là do những doanh nghiệp nhanh nhẹn mua đi bán lại các dự án chết để vực dậy mà thôi chứ không phải do ảnh hưởng từ gói 30 nghìn tỷ.
– Vậy ông đề xuất giải pháp gì cho thị trường BĐS hiện tại?
Tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên cho doanh nghiệp vay vốn để xây dựng loại căn hộ nhỏ có diện tích từ 20-30m2, cho người có thu nhập thấp mua, thuê. Với mức giá đó, người nghèo có thể tiếp cận được với nhà ở, hiệu quả tác động về mặt xã hội và kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều.
– Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo CafeLand)
Leave a Reply