Khách hàng băn khoăn trước mê hồn trận của sàn môi giới BĐS
Hiện nay, thị trường bất động sản (BĐS) Tp.HCM đang diễn biến sôi động với nguồn cung nhà dồi dào và nhu cầu mua nhà tăng cao. Nhưng trước mê hồn trận giá bán cũng như các loại phí của các sàn môi giới BĐS đưa ra thì việc chọn mua nhà đất cũng không hề đơn giản.
Chị Minh Nga, sống tại quận Bình Thạnh cho hay, chị đang băn khoăn lựa chọn 2 dự án ở VinHomes tại Tân Cảng và Pearl Plaza tại khu Văn Thánh. Cả 2 dự án này đều có vị trí đẹp, chỉ cách nhau vài trăm mét lại gần dự án metro và cầu Sài Gòn. Nhưng, giá bán các căn hộ của 2 dự án này lại không được công khai trên các trang web về BĐS.
Đáng nói là, khi chị Nga gọi điện thoại tham khảo giá tại sàn môi giới, chị được tư vấn giá rất “mềm” và hấp dẫn. Tuy nhiên, khi đến trực tiếp để thăm nhà mẫu và trao đổi mua nhà thì các nhân viên ở các sàn giao dịch BĐS lại đưa ra mức giá cao hơn với diện tích nhà lớn hơn so với rao ban đầu.
Các sàn môi giới BĐS đưa ra lý do đó là những nhà vị trí đẹp, diện tích nhỏ đều đã hết hàng. Đặc biệt, các nhân viên này thường hối thúc khách hàng mua nhanh kẻo hết vì sẽ có đợt tăng giá do không đủ cầu.
Khách mua nhà như rơi vào mê hồn trận giá bán và các loại phí của sàn môi giới BĐS đưa ra
Không riêng chị Nga mà rất nhiều khách hàng mua nhà đều gặp những trường hợp tương tự như vậy. Về chiêu trò của sàn môi giới BĐS trong việc tạo cung, cầu ảo, một môi giới kỳ cựu thừa nhận, thông thường mỗi dự án sẽ được chia cho vài sàn lớn tham gia môi giới, sau đó, một số sàn lại đem số lượng căn hộ được phân giao cho các sàn nhỏ hơn.
Tiếp đó, một sàn công bố bán vài chục căn hộ với giá gần như không có chút lãi nào và ngay lập tức công bố bán hết để tạo hiệu ứng với người mua. Đến khi các sàn khác mở bán thì đương nhiên với giá cao hơn, còn các căn hộ được công bố bán hết kia lại được chuyển lại để bán. Khi ấy mới là thời điểm để một số môi giới tăng giá.
Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư cũng dùng nhiều chiêu để tạo hiệu ứng khan hàng qua các kênh truyền thông trên báo như “lượng khách hàng đặt mua cao hơn số lượng chào bán” hay “hàng trăm căn hộ được giao dịch thành công chỉ trong một buổi sáng mở bán”… Tuy nhiên, trên thực tế, lượng giao dịch thành công không lớn như quảng cáo mà đa số là đăng ký mua, nhận đặt cọc,…
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu thừa nhận rằng, chính những chiêu trò này đã làm cho giá của các sàn BĐS mỗi nơi một khác mặc dù cùng dự án, điều này khiến người mua trước luôn bị “hớ” giá hơn người mua sau vì bị nhiễu giá.
Ông Châu cho biết, sàn giao dịch BĐS chỉ nên là một kênh lựa chọn của khách hàng trong giao dịch BĐS bên cạnh các kênh lựa chọn khác như nhà môi giới, công chứng, luật sư,… Tốt nhất là người mua nhà nên liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư để có thể có thông tin chính xác về tiến độ, giá cả cũng như chất lượng sản phẩm mình lựa chọn.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, từ nay đến cuối năm thị trường BĐS Tp.HCM sẽ chứng kiến sự ra quân khá rầm rộ của doanh nghiệp (DN) kinh doanh địa ốc. Các DN đều có những dự án cạnh tranh cao và những dự án có yếu tố vốn nước ngoài và nhà ở giá trung cấp vẫn là tâm điểm của thị trường.
Đáng nói, khi thị trường địa ốc càng ấm trở lại thì các điểm sàn giao dịch BĐS mở càng nhiều. Có một dự án nhưng phải có đến 3, 4 điểm giao dịch của một sàn BĐS mở liền kề nhau.
Ngoài nhóm sàn giao dịch BĐS của các chủ đầu tư lớn, các tập đoàn và nhóm sàn giao dịch BĐS do các tập thể hoặc cá nhân có kinh nghiệm lập ra thì thị trường địa ốc vẫn luôn tồn tại các trung tâm giao dịch nhà đất nhỏ lẻ với vài nhân sự “ăn theo” các dự án khi thị trường đang sốt.
Chính việc hoạt động thiếu kiểm soát, lộn xộn của các sàn giao dịch BĐS đã dẫn đến hàng loạt các vụ tranh chấp, kiện cáo liên quan tới hoạt động môi giới BĐS được phanh phui. Nào là chuyện sàn giao dịch bán hàng chênh giá, rồi chiếm dụng, lừa đảo vốn của người mua nhà, thậm chí là sử dụng vốn sai mục đích gây rủi ro cho khách hàng.
Nhất là ở các sàn bán sản phẩm thứ cấp, khi các sản phẩm BĐS đã được mua đi bán lại thì giá bán càng bị đẩy lên cao và rủi ro với khách hàng càng lớn. Theo thống kê của một tổ chức nghiên cứu BĐS, có đến 90% giao dịch trên thị trường địa ốc hiện nay là giao dịch thứ cấp.
Dù Luật kinh doanh BĐS sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 quy định, người mua nhà có thể thông qua sàn giao dịch BĐS hoặc không, thế nhưng ít khi người mua nhà làm việc trực tiếp với chủ đầu tư dự án, vì hầu hết các dự án đều được phân cho sàn giao dịch.
Do đó, khách hàng thường phải chịu “cò” phí BĐS, đấy là chưa kể việc thông tin về giá cũng bị nhiễu do mỗi sàn BĐS đưa một giá khác nhau.
(Theo Báo Tin tức)
Leave a Reply