Nhiều khó khăn bao phủ khu tái định cư tại Thừa Thiên – Huế
Từ năm 2010, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phê duyệt đầu tư nhiều khu tái định cư (TĐC) để di dời hàng trăm hộ dân vùng sạt lở ở các xã bãi ngang ven biển Quảng Ngạn, Quảng Công, huyện Quảng Điền, đến định cư, ổn định cuộc sống.
Thế nhưng, đến nay, vì chưa được đầu tư tương xứng về cơ sở hạ tầng nên có rất ít hộ dân chuyển đến khu TĐC… Hàng chục hộ dân tái định cư mòn mỏi chờ cấp điện/ Đảm bảo tiến độ, chất lượng di dân, tái định cư thủy điện Sơn La
Khoảng 5 năm trở lại đây, xã Quảng Công trở thành địa phương có tốc độ biển xâm thực vào bờ lớn nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế; khi bình quân mỗi mùa mưa bão, biển lại lấn bờ gây sạt lở từ 10-12m, chiều dài từ 2-3km. Biển đã “nuốt” nhiều nhà của bà con ngư dân. Để bảo đảm tính mạng và tài sản cho người dân, năm 2010, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng 3 khu TĐC ở xã Quảng Công, gồm: Khu TĐC Hải Thành – Cương Giáng; khu TĐC An Lộc – Tân Thành và khu TĐC Tân An, với tổng diện tích 40ha; số vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, các khu TĐC này được phân lô, cấp cho 400 hộ dân ở các thôn thuộc xã Quảng Công nằm trong diện di dời do sạt lở. Ngoài 200m2 đất ở, mỗi hộ còn được hỗ trợ thêm 20 triệu đồng tiền xây nhà… Tuy nhiên, đến nay đã 5 năm trôi qua, các khu TĐC chỉ có 70 hộ dân chuyển đến ở, số còn lại vẫn đang bỏ hoang. Điển hình như khu TĐC An Lộc, dù đã triển khai nhiều năm, nhưng hiện 35 hộ dân sống ở khu TĐC này phải chấp nhận cảnh “3 không” (không điện, không nước, hạ tầng giao thông không đồng bộ).
Ông Trần Dờ (64 tuổi), một trong số ít các hộ dân chuyển đến ở khu TĐC An Lộc cho biết: “Bà con không chịu đến ở khu TĐC này vì ở đây vừa thiếu đất sản xuất, vừa xa biển, trong khi điện thắp sáng, nước sạch sinh hoạt lại chưa có nên cuộc sống rất khó khăn”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công bày tỏ nhiều băn khoăn lo lắng khi có đến 3 khu TĐC đã được xây dựng trên địa bàn xã nhưng số hộ dân chuyển vào ở lại rất… “khiêm tốn”. Theo ông Duận, một trong các lý do khiến người dân không mặn mà đến ở khu TĐC là vì số tiền được hỗ trợ cho người dân không đủ để xây dựng nhà mới.
“Trong số hộ dân di dời do sạt lở thì có đến 47% là hộ nghèo, gia đình chính sách và hộ neo đơn nên ngoài số tiền được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng thì bà con không biết lấy tiền đâu để xây dựng nhà. Số tiền này cũng chỉ đủ để xây 1 nhà tạm ở khu TĐC nên nhiều hộ dân đành chấp nhận sống ở vùng sạt lở là vì thế”, ông Duận giải thích nguyên nhân.
Tương tự, do địa bàn xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) nằm ven biển nên mỗi năm cứ đến mùa mưa bão, xã có trên 150 hộ dân bị đe dọa do sạt lở, xâm thực bờ biển. Vì thế, cuối năm 2010, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã thực hiện chủ trương xây dựng khu TĐC Tân Mỹ A, với diện tích 20ha, trong đó đất ở là 4,5ha chia làm 115 lô (200m2/1lô) và diện tích còn lại là đất sản xuất… Tổng kinh phí thực hiện trên 3 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay, trong số 64 hộ dân thuộc diện di dời thì chỉ duy nhất có 1 hộ dân chuyển đến khu TĐC.
Ông Hồ Công Luận, Trưởng thôn TĐC Tân Mỹ A cho hay, khu TĐC dành cho hộ dân vùng sạt lở của xã đã được quy hoạch, san ủi mặt bằng và xây dựng đường bê tông liên thôn. Tuy nhiên, hiện hệ thống nước sạch, điện thắp sáng, đường dân sinh vẫn chưa có nên người dân không dám chuyển đến sinh sống. Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên huyện và lãnh đạo cấp trên để có biện pháp giải quyết nhưng nay vẫn chưa thấy giải quyết”.
Hiện chính quyền 2 xã Quảng Công và Quảng Ngạn đang mong mỏi các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế xem xét, tháo gỡ những khó khăn, nhất là vấn đề cơ sở hạ tầng ở các khu TĐC để người dân có thể yên tâm chuyển đến sinh sống nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trong mùa mưa bão.
Công An Nhân Dân
Leave a Reply