Có được thừa hưởng khi có tên trong di chúc nhưng chưa được ra chính quyền ?
Hỏi: Bác trai tôi có sở hữu một mảnh đất đã có sổ đỏ. Theo ý nguyện trước khi mất của bác trai tôi, bác gái có nhờ người viết di chúc chia cho tôi và 3 người con của bác tôi mỗi người một phần mảnh đất này. Tờ di chúc đó có chữ ký của vợ bác, ba người con và tôi nhưng không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Sau đó, một người con của bác tôi đã tiến hành chia tách và xin cấp sổ đỏ phần của họ được hưởng để bán. Phần còn lại chưa cấp sổ nhưng đã có thông báo nộp thuế đất hàng năm của từng người. Vì vậy, tôi cũng xin cấp sổ đỏ phần đất tôi đứng tên, thế nhưng khi ra phường hỏi thì họ bảo ngoài phường chưa có hồ sơ chia tách nên chưa làm được sổ. Đến nay, cả vợ chồng bác tôi và người viết di chúc đã mất, vậy khi có tranh chấp đất xảy ra không cho tôi được quyền thừa hưởng mảnh đất này thì tôi có quyền khiếu nại không?
Bùi Thị Thu Hà (habui1983@gmail.com)
Nay cả vợ chồng bác tôi lẫn người làm di chúc đều mất, vậy tôi có được chia tài sản không?
Trả lời:
Dựa theo thông tin bạn cung cấp thì di chúc do bác bạn để lại là di chúc bằng văn bản có người làm chứng. Theo đó, đối với di chúc bằng văn bản phải đáp ứng quy định về nội dung và hình thức theo Bộ luật Dân sự 2005.
Điều 654 và 656 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:
Điều 654. Người làm chứng cho việc lập di chúc
Tất cả mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, ngoại trừ những người sau:
– Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc của người lập di chúc;
– Những người có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
– Những người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa đủ 18 tuổi
Điều 656. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng
Nếu người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, tuy nhiên phải có ít nhất là 2 người làm chứng. Sau đó, người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; đồng thời, những người làm chứng xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Căn cứ theo quy định trên thì khi người lập di chúc không thể tự mình lập di chúc thì có thể nhờ người khác viết, song phải có ít nhất 2 người làm chứng. Nhưng người làm chứng ở đây phải không được là một trong những người được quy định tại điều 654 Bộ luật Dân sự 2005. Trong trường hợp của bạn, người làm chứng phải là dì bạn và 3 người con của dì bạn là những người thừa kế theo pháp luật của bác bạn theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật dân sự 2005. Theo đó, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm có: vợ, chồng, mẹ đẻ, cha đẻ, mẹ nuôi, cha nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Vì vậy, trong trường hợp này di chúc không đáp ứng điều kiện về người làm chứng nên không có hiệu lực pháp luật. Do đó, khi có tranh chấp xảy ra bạn sẽ không có quyền và nghĩa vụ đối với mảnh đất này.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
(Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội)
(Theo Vietnamnet)
Leave a Reply