Tìm giải pháp cho các “đại công trường” bỏ dở quanh khu Trung Hòa-Nhân Chính
Từng được kỳ vọng sẽ tạo nên một diện mạo mới phía Tây Nam Thủ đô, thế nhưng sau cả chục năm trời, ngoài Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng đô thị, thì các khu vực lân cận vẫn tồn tại không ít “đại công trường” dở dang, có những dự án treo đã nhiều năm mà không biết đến bao giờ mới có được một quần thể đô thị đẹp như quy hoạch.
Thu tiền của khách rồi bỏ dở
Không quá khó để bắt gặp hàng loạt dự án dang dở, bị bỏ hoang quanh khu vực Trung Hòa – Nhân Chính.
Dự án Chung cư Nhân Chính nằm trên lô đất vàng rộng hơn 9.000 m2 tại đường Ngụy Như Kon Tum giao với đường Lê Văn Thiêm, ngay sau khi được Tổng công ty Thành An chuyển nhượng cho 4 đơn vị do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội số 41 (Handico 41) làm đại diện dưới hình thức hợp tác đầu tư năm 2009, tuy chưa thi công móng theo đúng như quy định pháp luật, nhưng các chủ đầu tư này đã bán hàng và thu cả tỷ đồng của khách hàng.
Hiện nay, sau hơn 6 năm mở bán, dự án vẫn là bãi đất trống với cỏ mọc um tùm và trở thành bãi đỗ xe và trụ sở làm việc của Handico 41. Những khách hàng đã nộp tiền mua nhà tại dự án này hiện rất bức xúc và đang tìm câu trả lời từ các chủ đầu tư, song vẫn không nhận được những câu trả lời thỏa đáng.
Gần ngay đó, một dự án khác là Thành An Tower, tọa lạc trên lô đất 4.182 m2 tại 21 đường Lê Văn Lương cũng của Tổng công ty Thành An và được tổng công ty này chuyển giao cho Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình triển khai từ năm 2009. Thế nhưng cho tới nay, dự án cũng chỉ mới dừng lại phần móng với tường rào bao quanh. Đặc biệt, dự án này còn nằm ở top đầu về nợ thuế đất bị Cục thuế Hà Nội bêu danh hồi tháng 8/2015 và có nguy cơ bị thu hồi.
Hay dự án Chung cư Mỹ Sơn Tower của Công ty CP Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn nằm trên đường Lê Văn Thiêm cũng bị Cục thuế Hà Nội bêu tên nợ tới 76 tỷ đồng tiền thuế. Theo đại diện đơn vị phân phối dự án, hiện toàn bộ căn hộ tại đây đã được bán hết cho khách hàng với mức giá khoảng 23 triệu đồng/m2. Nhưng theo ghi nhận của phóng viên thì dự án này vẫn đang dở dang, chỉ mới xây được phần thô, trong khi theo dự kiến thì sẽ phải bàn giao cho khách hàng vào quý I/2016.
Dù đã thu tiền của khách nhưng dự án Chung cư Nhân Chính
đã đình trệ từ 6 năm nay. Ảnh: Trang Ninh
Bên cạnh những dự án nói trên còn phải kể đến một số dự án dang dở khác quanh khu vực này như dự án Diamond Flower Tower (Lê Văn Lương) của Handico6, dự án Sapphire Place của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Hà Nội – Sông Hồng…
Áp lực hạ tầng giao thông
Sự xuất hiện nhiều dự án bất động sản dọc đường Trung Kính – Lê Văn Lương trong khi hạ tầng giao thông chưa phát triển kịp, đã gây áp lực giao thông tới khu vực này. Theo ghi nhận của phóng viên, các tuyến đường xung quanh đang trở nên quá tải nặng nề, nhất là vào những khung giờ cao điểm.
Thậm chí ngay cả tại Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, nơi được coi là cơ bản hoàn thiện về hạ tầng giao thông nội khu thì hiện cũng đang đối mặt với tình trạng quá tải của hạ tầng đô thị.
Dự án Chung cư Nhân Chính ngay sau khi được Tổng công ty Thành An chuyển nhượng cho 4 đơn vị do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội số 41 (Handico 41) làm đại diện dưới hình thức hợp tác đầu tư năm 2009, tuy chưa thi công móng theo đúng như quy định pháp luật, nhưng các chủ đầu tư này đã bán hàng và thu cả tỷ đồng của khách hàng.
Một cư dân sinh sống tại khu vực này bức xúc, có dự án quy hoạch làm bãi đỗ xe, hạ tầng đô thị, tuy nhiên sau đó lại được chuyển thành các dự án nhà chung cư cao tầng để bán, trong khi đường nội bộ của khu dân cư khi bị chiếm dụng làm bãi trông giữ xe.
PGS. Trịnh Quốc Thắng, Nguyên Trưởng bộ môn Công nghệ và quản lý xây dựng, Trường đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện trạng của khu vực Trung Hòa – Nhân Chính cũng giống với khá nhiều khu vực đô thị khác của Hà Nội. Dự án cứ ùn ùn mọc lên, tiến hành triển khai một thời gian rồi tạm dừng, để lại những hệ lụy là quy hoạch thì thiếu đồng bộ, đường xá bị băm nát, kéo theo cả sự tụt lùi về mặt bằng hạ tầng xã hội.
Còn TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thì nhìn nhận, do các chủ đầu tư đặt yếu tố lợi nhuận lên trên hết, vì vậy tình trạng “tiện đâu xây đấy” đã phá vỡ quy hoạch. Cần phải xử lý nghiêm minh từ người phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng và chủ đầu tư nếu dự án gặp sự cố, gây ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân và hạ tầng đô thị. Nếu như không có cơ chế đủ mạnh và định hướng quy hoạch tốt, rất dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp hưởng lợi còn chính quyền và người dân “chịu trận”.
(Theo Đầu tư chứng khoán)
Leave a Reply