Thị trường BĐS Tp.HCM thống kê thiếu tính minh bạch

Báo cáo hàng năm của Công ty Tư vấn BĐS John Lang LaSalle cho hay, Việt Nam đứng thứ 68 trong bảng xếp hạng Chỉ số (BĐS) toàn cầu với trị số điểm tuyệt đối thuộc nhóm có độ thấp.

Loạn con số ?

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, chính sự không minh bạch khiến hiện tượng đầu cơ trong thị trường BĐS phổ biến hơn. Việc BĐS tồn kho trên thị trường với số lượng lớn do chênh lệch cung cầu quá lớn cũng là hệ lụy của sự phát triển lệch lạc, thiếu sự minh bạch.

Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM Trần Trọng Tuấn cũng cho rằng, trong 10 năm qua, thị trường BĐS Tp.HCM còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế và yếu kém, đặc biệt thị trường thiếu hẳn tính minh bạch.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân đánh giá, thị trường BĐS cả nước hiện này hầu như bị rối loạn thông tin giữa cung và cầu. Các công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường đều đưa ra những con số khá chênh lệch nhau trong mỗi quý, đặc biệt là về số lượng căn hộ được giao dịch thành công cũng khá mập mờ.

TS. Nhân cho biết, phải nói thẳng rằng các số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường công bố từng quý hay từng năm cũng không được bất kỳ một đơn vị độc lập nào kiểm tra xác nhận. Đôi khi các công ty này còn là đơn vị tư vấn cho một số doanh nghiệp BĐS, vì vậy thị trường tỏ rõ sự nghi vấn trong từng con số thống kê là điều dễ hiểu.

Nhận định về những con số “nhảy múa” này, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực cho hay, thống kê thị trường BĐS nói chung, nhất là con số nhà bán ra hiện nay thật sự không chính xác. Với các nhà đầu tư, những con số thống kê này có ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược kinh doanh, song họ ít khi dựa vào đó vì không tin tưởng nhiều vào con số thực.

Chia sẻ về phương pháp thống kê, đánh giá, đại diện của các công ty tại Việt Nam như CBRE, Cushman & Wakefield, Savills đều cho biết các chuyên gia đánh giá của công ty luôn đóng vai là một khách hàng, họ gọi điện thoại trực tiếp đến từng doanh nghiệp BĐS có dự án đang chào bán để điều tra. Sau đó, một chuyên gia hay nhân viên khác cũng sẽ tiếp tục gọi đến công ty BĐS này để kiểm tra lại một lần nữa xem con số có sự chênh lệch hay không.

20151118112653 e2a6 Thị trường BĐS Tp.HCM thống kê thiếu tính minh bạch

Các công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường đều đưa ra những con số khá chênh lệch nhau trong mỗi quý, đặc biệt là về số lượng căn hộ được giao dịch thành công cũng khá mập mờ

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của công ty CBRE Việt Nam cho biết thêm, đa số công tác điều tra, đánh giá để lập thống kê này hiện nay cũng chỉ dựa vào sự minh bạch từ các doanh nghiệp địa ốc là chính. Cũng không loại trừ những trường hợp chủ đầu tư đưa ra con số cao hơn so với thực tế, như vậy thì chỉ có họ biết chứ không ai được biết. Nhưng chúng ta cũng cần một đơn vị độc lập để đưa ra một con số khách quan cho người mua tham khảo.
Đặt cọc mua nhà hay xuống tiền giữ chỗ?

Từ đầu năm đến nay, không ít doanh nghiệp BĐS tại Tp.HCM mở bán dự án nhà ở mới ra thị trường. Sau mỗi đợt mở bán, công ty nào cũng tuyên bố số lượng khách hàng đặt mua với tỷ lệ trên 70%, có dự án đạt con số 100% trong ngày mở bán đầu tiên. Thậm chí ngay cả những công ty chỉ mới công bố dự án, chưa đủ điều kiện mở bán như chưa xây hoàn thiện phần móng, chưa có giấy phép xây dựng, chưa ký kết bảo lãnh ngân hàng,… vậy mà vẫn công bố rầm rộ là dự án đã bán hết.

Tại cuộc họp báo quý III/2015 của Sở Xây dựng mới đây, lãnh đạo sở này khẳng định rằng, từ khi Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực thi hành, tại Tp.HCM chỉ mới có 2 dự án nhà ở đủ điều kiện mở bán. Đó là dự án của công ty Conic ở Hiệp Bình Chánh và dự án của công ty Sacomreal ở Phường Phú Thuận, quận 7. Như vậy tức là còn hơn 1 nghìn dự án đã bán ra thị trường trong sau ngày 1/7/2015 vẫn đang thuộc diện “lách” luật để nắm bắt cơ hội thị trường.

Ông Tuấn lý giải, vì theo quy định mới của Luật nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), chủ đầu tư trước khi thực hiện giao dịch dự án phải có thông báo gửi đến Sở Xây dựng và được Sở Xây dựng cấp giấy xác nhận đủ điều kiện huy động vốn thì mới được phép thực hiện giao dịch. Đồng thời, dự án còn phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng và bản nghiệm thu công trình…

TS. Nhân cho hay, chúng ta phải hiểu thật rõ đâu là việc khách hàng ký hợp đồng giữ chỗ và đặt cọc mua nhà. Các doanh nghiệp cứ thấy khách hàng giữ chỗ thì cũng công bố là căn nhà đấy đã được bán thành công, song sau đấy có thể khách hàng sẽ rút lại tiền cọc để đi mua nhà một nơi khác. Thế nhưng, con số khách hàng “rút lui” khỏi dự án này đều được các chủ dự án giữ kín.

Cũng theo TS. Nhân, Việt Nam cần thành lập một hệ thống thông tin thị trường mua bán nhà ở. Như vậy, mỗi giao dịch thành công đều được thể hiện ngay trên thệ thống điện tử này, người mua có thể nhận biết được căn nhà đó đã được ai mua từ bao giờ. Qua đó, định kỳ mỗi tháng, mỗi quý cơ quan chức năng tổng hợp và đưa ra con số giao dịch thực tế nhất để làm tham chiếu cho thị trường. Chẳng hạn như tại Singapore đang áp dụng khá thành công mô hình Cơ quan Quản lý và Phát triển nhà chịu trách nhiệm kết nối cung – cầu, thường xuyên cập nhật về giao dịch nhà ở hoặc chuyển nhượng dự án…

(Theo Trí thức trẻ)

Cùng Danh Mục :

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>