“Sốt” căn hộ shophouse
Để được mua suất shophouse – căn hộ thương mại tầng trệt – của một dự án chung cư tại quận 2, Tp.HCM, vợ chồng chị Hạnh cùng người anh trai và bố chồng đã phải rồng rắn xếp hàng tranh chỗ.
Theo lời kể của chị Hạnh, từ sáng sớm 4 thành viên trong gia đình đã tranh thủ xếp hàng giữ chỗ. Nhớ thế mà bố chồng chị đứng vị trí thứ tư (khá cao) đã tranh mua được một căn shophouse trên đại lộ Mai Chí Thọ. “Sau khi bố tôi trình sổ hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, chúng tôi mới được xét cho mua một căn shophouse. Tỷ lệ 1 chọi 5, nghĩa là hơn trăm người mua nhưng chỉ có 23 căn được bán buộc chúng tôi phải tính cách này”, chị Hạnh nói.
Căn shophouse vợ chồng chị mua vào tháng 10 vừa qua với giá hơn 4 tỷ đồng nhưng diện tích chỉ 50 m2. Đây là tầng trệt (khối đế) của một dự án chung cư cao tầng tiếp giáp mặt tiền đường lớn. Tuy giá khá đắt đỏ nhưng khách xuất tiền đặt cọc rất nhanh. Xếp hàng trước bố chồng chị Hạnh còn có 3 nhà đầu tư nữa cũng mua liền một lúc 2 căn shop của dự án này. Được biết, toàn bộ 23 sản phẩm được chủ đầu tư tung ra cũng đã hết sạch chỉ trong buổi sáng.
Các nhà đầu tư cho rằng, sở dĩ các căn hộ shophouse khiến khách hàng quyết mua cho bằng được là do khả năng mang lại tiềm năng thương mại lớn. Thứ nhất, căn hộ nằm ở tầng trệt, khi dự án hình thành, và lấp đầy cư dân, nhu cầu buôn bán, dịch vụ sẽ tăng lên, chắc chắn sẽ không lo cảnh vắng khách thuê. Thứ hai, giá thuê loại căn hộ này cũng sẽ tăng lũy tiến theo thời gian vì tọa lạc ở mặt tiền đường lớn. Thứ ba, khách thuê sẽ tự trang bị nội thất nên chủ nhà tiết kiệm thêm một khoản chi phí đáng kể. Và cuối cùng, loại sản phẩm này số lượng có hạn, không sợ bị cạnh tranh.
Theo khảo sát của VnExpress, các căn hộ thương mại có 1 hoặc 2 mặt tiền trong những dự án chung cư cao tầng tại Tp.HCM còn được gọi là shophouse đang dần trở thành loại hàng hot được các nhà đầu tư đua nhau săn lùng. Đây là dòng sản phẩm có vị trí rất tiện lợi cho việc kinh doanh trong khi nguồn cung thì chỉ như muối bỏ bể.
Giới đầu tư bất động sản đang nhắm tới các sản phẩm shophouse số lượng có
hạn của một dự án chung cư ở khu Đông Tp.HCM. Ảnh: V.L
Phú Mỹ Hưng được cho là một trong những doanh nghiệp đầu tiên phát triển loại căn hộ shophouse tại Tp.HCM theo mô hình lấy tầng trệt các block chung cư làm shop từ năm 1998 (Mỹ An, Mỹ Cảnh). Thế nhưng trong vòng 2 thập niên qua, tỷ lệ shophouse của cả khu đô thị này cũng chỉ chiếm khoảng 5% (tương đương 700 căn) trên tổng số sản phẩm nhà đất doanh nghiệp tung ra thị trường (13.000 nhà xây sẵn gồm căn hộ, biệt thự và nhà liền kề). Với số lượng ít ỏi lại có vị trí tiếp giáp mặt tiền đường, loại sản phẩm đặc thù này được các nhà đầu tư săn đón đến mức luôn “cháy” hàng trước khi công bố.
Trong vòng 10 tháng đầu năm nay, shophouse tiếp tục làm nóng thị trường bất động sản Sài Gòn vì nguồn cung có hạn. Tại khu Đông, đặc biệt là quận 2 là nơi có nhiều shophouse nhất nhưng cũng chỉ đạt con số ngót 300 căn. Dòng sản phẩm này hiện nằm rải rác ở các dự án như: The Sun Avenue, Lexington Residence, Sala, với giá bán từ vài tỷ đồng cho đến hàng chục tỷ đồng mỗi căn, tùy từng diện tích.
Quận Bình Thạnh cũng có khoảng 200 căn shophouse được chào bán từ dự án Vinhomes (quy mô hơn 10.000 căn hộ). Trong khi đó, ở quận Tân Bình, cả hai dự án căn hộ là Melody Residences và Sky Center chỉ chào hàng vỏn vẹn 62 căn shop. Còn tại quận Thủ Đức, dự án Sunview Town công bố bán ra thị trường tổng cộng 51 căn hộ có chức năng thương mại.
Là người có kinh nghiệm phát triển shophouse tại các dự án chung cư cao tầng, ông Bùi Cao Nhật Quân – Phó TGĐ Công ty Novaland, cho biết: “Thực tế các căn shophouse bao giờ cũng đắt hơn nhà chung cư từ 20-100% và chỉ được sở hữu có thời hạn (thông thường là 50 năm). Thế nhưng do có số lượng cực ít, chiếm trung bình khoảng 2% tổng sản phẩm chào bán ra thị trường đặc biệt là tính thương mại cao nên nhà đầu tư vẫn rất ưa chuộng”.
Một dãy sản phẩm shophouse đã đi vào hoạt động ổn định
trong khu Phú Mỹ Hưng. Ảnh: H.T
Ông Nguyễn Mạc Hoài Nam – TGĐ Công ty Tư vấn đầu tư Nam Phát, cũngnhận xét đầu tư shophouse không phải là trào lưu mới mà nó đã hình thành những đợt sóng ngầm khá mạnh mẽ từ cách đây khoảng hai thập niên. Thực tế loại căn hộ thương mại này từng mang lại lợi nhuận khủng cho các nhà đầu tư ở khu Phú Mỹ Hưng và một vài khu vực sầm uất khác của Sài Gòn. “Do đó, hiện nay việc nhiều người đua nhau săn lùng, xếp hàng để tranh suất mua loại căn hộ mặt phố khan hiếm này là điều hoàn toàn bình thường”, ông Nam nói.
Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia này, xét tổng thể, đầu tư căn hộ theo mô hình shop mặt tiền vẫn còn khá xa lạ đối với toàn thị trường. Trong năm nay, dòng sản phẩm shophouse đột ngột nở rộ, tăng tốc nhanh hơn. Nhiều chủ đầu tư có thương hiệu, uy tín trên thị trường đang chia nhau thị phần bất động sản còn khá non trẻ này cũng là nhân tố khiến shophouse trở nên phổ biến hơn.
Ông Nam phân tích, xét về đặc điểm vị trí, shophouse thường tọa lạc ở tầng trệt các chung cư, tiếp giáp với mặt phố nên rất thuận tiện kinh doanh còn phần lửng có thể dùng để ở. Ngoài ra, dòng sản phẩm này cũng hay được sử dụng trong các khu nhà phố liên kế có đặc thù nằm ở vị trí ở trục chính của dự án hoặc là trục chính của cả khu thương mại.
Trong từng dự án, số lượng của các căn shop bao giờ cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ nên giá cả thường đắt hơn các loại bất động sản cùng dự án, thường là gấp rưỡi hoặc có khi gấp đôi căn hộ tiêu chuẩn, thậm chí có thể nhiều hơn. Giá trị của loại nhà phố thương mại đặc biệt cũng còn phụ thuộc vào thiết kế đóng hay mở với địa bàn và quy mô của dự án ra sao. Ngoài ra, vị trí của các căn shop cũng tác động mạnh đến giá bán. Trường hợp thỏa mãn điều kiện địa lợi có căn shop được bán với giá gấp đôi so với căn có vị trí không đẹp khác.
Ông Nam cũng cho rằng, dù sản phẩm này cực kỳ hấp dẫn, nhưng trước khi mua, nhà đầu tư vẫn nên chú ý một số yếu tố cơ bản thì mới đảm bảo thành công. Đầu tiên là quy mô của dự án phải đủ lớn. Điều này có nghĩa là chỉ với những chung cư có từ 300-500 căn hộ trở lên thì shophouse mới phát huy thế mạnh. Nếu dưới quy mô này việc đầu tư cần phải xem xét kỹ.
Kế đến, nhà đầu tư cũng cần tính toán khả năng lấp đầy của dự án phải cao vì số người về ở đông mới có thể hình thành nên cộng đồng dân cư sầm uất, từ đó phát sinh nhu cầu thương mại. Cuối cùng là khả năng lưu thông từ căn shop đến các khu vực xung quanh cũng phải cực tốt. Căn shop càng dễ tiếp cận, dễ nhận biết từ xa thì giá trị thương mại của nó càng cao.
(Theo Vnexpress)
Leave a Reply