Quy trình 9 bước quản lý nhà cho thuê hiệu quả
Kinh doanh nhà cho thuê có thể tạo ra một dòng tiền thụ động lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, nhưng cũng khiến người kinh doanh chịu nhiều phiền hà từ việc quản lý người thuê, hoặc không tìm được khách thuê nhanh chóng và phù hợp.
Với 5 năm đầu tư, kinh doanh và quản lý chuỗi bất động sản cho thuê gồm nhà ở, căn hộ, khách sạn, văn phòng từ các thành phố lớn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Big Land, ông Võ Phi Nhật Huy chia sẻ quy trình 9 bước để thực hiện một thương vụ kinh doanh nhà cho thuê thành công mà ông đã và đang áp dụng.
Theo ông Huy, nhà cho thuê có hai mô hình kinh doanh khác nhau là sở hữu – cho thuê và thuê – cho thuê lại. Hai mô hình này có tỷ suất lợi nhuận khá chênh lệch. Nếu sở hữu – cho thuê mang lại lợi nhuận trung bình 5-10% mỗi năm thì mô hình thuê – cho thuê lại cho bạn lợi nhuận từ 50 đến 100% mỗi năm. Tuy nhiên, với mô hình sở hữu – cho thuê, bạn sẽ ít tốn công sức và an toàn hơn, trong khi thuê – cho thuê mang lại nhiều rủi ro và đòi hỏi phải có kiến thức cùng kỹ năng kinh doanh tốt hơn, đồng thời bỏ ra nhiều công sức hơn. Và quy trình 9 bước này áp dụng cho cả hai mô hình trên.
Bước 1: Tìm kiếm một thương vụ phù hợp
Đa số mọi người khi nghĩ đến việc kinh doanh nhà cho thuê đều tập trung vào việc đi tìm một bất động sản để mua, hoặc thuê rồi cho thuê lại, mà quên mất một điều quan trọng là mong muốn thật sự của chính họ. Việc đầu tiên bạn cần phải làm rõ một số câu hỏi của chính mình như: nguồn vốn bạn muốn đầu tư? mô hình kinh doanh muốn gắn bó? vị trí khu vực sẽ đầu tư? tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng? hướng đi tương lai sau khi thực hiện xong thương vụ?…
Sau khi đã trả lời đầy đủ những câu hỏi cho chính bản thân mình và hình dung được rõ thứ mình muốn, việc tìm kiếm và gửi thông tin cho các kênh tìm kiếm như văn phòng môi giới, báo mạng, báo giấy… sẽ mang lại cho bạn những kết quả chính xác và hiệu quả đến bất ngờ.
Bước 2: Huy động thêm vốn để tận dụng sức mạnh của đòn bẩy
Tất cả các nhà đầu tư và kinh doanh bất động sản thành công không bao giờ sử dụng hết toàn bộ tiền mặt của mình cho một thương vụ kinh doanh. Ngay cả tỷ phú bất động sản Mỹ Donald Trump cũng chỉ bỏ ra 20% số vốn trong một thương vụ dù ông có cả đống tiền mặt trong tay. Vì bản chất bất động sản cho bạn một khả năng sử dụng đòn bẩy tài chính rất lớn từ ngân hàng. Tuy nhiên, khi sử dụng đòn bẩy bạn cần phải lưu ý đến dòng tiền âm – khoản tiền phải trả gốc và lãi đều đặn hàng tháng cho ngân hàng. Hãy tính toán và lưu ý dòng tiền âm đó với dòng tiền dương từ việc cho thuê nhà để lựa chọn mô hình kinh doanh và khoản huy động phù hợp.
Bạn cũng có thể huy động vốn từ những cá nhân theo phương thức hợp tác đầu tư và chia sẻ cho họ một phần lợi nhuận theo tỷ lệ phù hợp.
Bước 3: Đàm phán hiệu quả để đạt được những thoả thuận cùng thắng
Khi đi mua đất, mua nhà cho thuê hay cả thuê nhà cho thuê lại thì việc đàm phán đều rất quan trọng.
Bất động sản là một tài sản lớn nên mỗi chênh lệch đàm phán được như giá trên mỗi đơn vị mét vuông, hay giảm được một khoản tiền thuê nhà hàng tháng, nếu nhân với tổng diện tích hoặc tổng thời gian thuê thì đó là một con số khá lớn.
Bên cạnh đó, nếu bạn lựa chọn mô hình thuê – cho thuê lại thì việc khai thác và hợp tác với chủ bất động sản là một quá trình làm việc lâu dài và có nhiều yếu tố tác động. Do đó cần phải có những thoả thuận đạt được hiệu quả đôi bên cùng thắng: chủ nhà có được mức giá thuê tốt và sự ổn định dài lâu, người thuê cho thuê lại cũng được mức lợi nhuận xứng đáng với công sức thực hiện thương vụ của mình thì việc hợp tác mới lâu dài và bền chặt.
Bước 4: Cải tạo để tối ưu hoá lợi nhuận cho căn nhà.
Mỗi căn nhà đều có những phần không gian bị lãng phí mà nếu nhà kinh doanh biết tận dụng và khai thác thì có thể tạo ra những giá trị cho những người khách thuê khác hoặc tăng thêm lợi nhuận cho mình.
Khi mua hay thuê một căn nhà để cho thuê, bạn hãy quan sát những góc không gian đó. Thường một căn nhà lớn có nhiều phòng cho thuê, gian bếp ở tầng trệt ít khi được quan tâm sử dụng và vệ sinh. Thay vì để phần không gian chung đó bị bừa bộn theo kiểu “cha chung không ai khóc”, bạn có thể biến nó thành một căn phòng có bếp cho những vị khách yêu thích việc nấu nướng. Tầng gác xép áp mái hay nhà kho trên sân thượng chỉ cần một chút khéo léo sẽ thành một căn phòng đầy chất nghệ sĩ với ánh trăng vào buổi tối, hay một penthouse thu nhỏ với những cây xanh, thảm cỏ được trang trí ở phần sân thượng trước phòng. Hãy nhìn vào những không gian bị lãng phí và bạn sẽ có một căn nhà cho thuê đặc biệt cùng với khoản lợi nhuận tối ưu nhất.
Bước 5: Tiếp thị đích – gửi đúng thông điệp vào khách hàng mục tiêu
Sai lầm phổ biến của những người làm kinh doanh bất động sản cho thuê là học theo các nhân viên môi giới trên thị trường, tiếp thị bất động sản với nội dung chung chung để nhằm thu nhiều khách thuê với nhiều nhu cầu khác nhau.
Nhưng vấn đề bạn nên nhớ rằng, những người môi giới cần nhiều khách hàng vì họ có nhiều sản phẩm khác nhau để tư vấn. Ngược lại, bạn chỉ có đúng một sản phẩm cho thuê của mình, vì vậy đừng tốn thời gian tiếp những vị khách với nhu cầu không phù hợp. Và bí kíp ở đây chính là sử dụng phương pháp tiếp thị đích: mô tả thật kỹ lưỡng các đặc điểm căn nhà cho thuê của mình, giá cả và các khoản phí cụ thể kèm theo những hình ảnh thật của bất động sản đó. Sau đó đưa các thông tin này lên những kênh có nhiều khách hàng tìm kiếm như các trang rao vặt bất động sản, báo chí…
Điều lưu ý lớn nhất là bạn đừng cố gắng dấu diếm thông tin nào, hay sử dụng hình ảnh minh hoạ của bất động sản khác, vì khi khách thuê đến trực tiếp xem nhà, họ cũng sẽ nhận ra điều đó. Do vậy hãy thành thật với nội dung tiếp thị ngay từ đầu, bạn sẽ có được những khách thuê mục tiêu – những khách mà căn nhà của bạn đúng với sở thích và nhu cầu thực của họ.
Bước 6: Cho thuê siêu tốc
Câu nói “Thời gian là tiền bạc” trong việc kinh doanh nhà cho thuê là một câu nói hoàn toàn theo nghĩa đen. Bởi mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây trôi qua không cho thuê được căn nhà của mình, bạn đã mất đi một khoản tiền tương ứng. Nếu ai đã từng làm mô hình thuê – cho thuê lại. Tiền thuê đã trả cho chủ nhà rồi mà vẫn chưa cho thuê được phòng thì sẽ hiểu cảm giác mất tiền từng ngày khủng khiếp như thế nào.
Vì thế việc cho thuê nhà phải được triển khai với tốc độ nhanh và gấp rút. Để làm được điều này bạn cần có những bước chuẩn bị và cho thuê trước khi căn nhà được hoàn thiện xong. Và một phương pháp khác mà tôi đang sử dụng là tổ chức những cuộc đua cho các đội kinh doanh cùng cho thuê một căn nhà để tìm ra đội nhóm chiến thắng và trích một phần lợi nhuận hàng tháng cho họ. Nếu bạn là một cá nhân làm mô hình này, có thể áp dụng tương tự bằng cách gửi thông tin cho nhiều môi giới để tạo ra sự cạnh tranh và cuộc đua cho thuê chính căn nhà của mình.
Bước 7: Vận hành và quản lý nhà cho thuê hiệu quả để tối ưu chi phí.
Để thu được tiền cho thuê của khách đúng hẹn, hãy áp dụng nguyên tắc về sự chuẩn bị và tạo thuận tiện cho khách bằng nhiều hình thức đóng tiền khác nhau. Lưu ý về việc đóng những khoản tiền dịch vụ đúng hẹn để không xảy ra tình trạng cắt nước – cắt điện làm một số lượng lớn khách thuê phẫn nộ, và giữ uy tín với chủ nhà trong vấn đề thanh toán tiền thuê cho họ. Nếu có trục trặc hay phát sinh gì liên quan đến khoản tiền phải trả cho chủ nhà, hãy thông báo cho họ trước và có những văn bản xác thực đi kèm.
Việc đăng ký tạm trú tạm vắng, trang bị phòng cháy chữa cháy và các giấy phép cần thiết cho căn nhà cho thuê cũng được quan tâm để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và nên nhờ sự tư vấn, hướng dẫn cụ thể của công an khu vực đang quản lý căn nhà cho thuê của bạn.
Bên cạnh đó, hãy bảo trì và sữa chữa bất động sản trước khi hư hỏng xảy ra, đừng đợi đến khi có chuyện mới xử lý. Bởi lẽ, đến lúc đó bạn đã chịu những thiệt hại nặng nề và những khoản chi phí sửa chữa sẽ vô cùng đắt đỏ.
Bước 8: Chăm sóc khách thuê để giữ lại những vị khách tốt
Quan tâm và hỗ trợ khách thuê nhiệt tình là một trong những yếu tố quan trọng để có được những khách thuê lâu dài cho căn nhà của bạn. Bên cạnh đó, hãy tập trung cho những khách tốt và hạn chế dần những khách thuê xấu.
Trong một căn nhà, những khách thuê xấu sẽ khiến khách tốt bỏ đi. Nếu bạn không loại được những khách thuê xấu và giữ được những khách tốt ở lại thì các khách thuê xấu khác sẽ kéo đến lấp đầy căn nhà của bạn. Như vậy, bạn sẽ có những trải nghiệm tồi tệ khi kinh doanh với họ như: trễ nải đóng tiền, mất trật tự, mất vệ sinh và phá hoại tài sản…
Bước 9: Xây dựng hệ thống kinh doanh tự động
Trừ khi bạn cho thuê toàn bộ một bất động sản, còn lại việc cho thuê từng không gian nhỏ, hay thuê một căn nhà nguyên căn rồi cho thuê lại từng phòng… sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức và sự quan tâm của bạn.
Hãy thử tưởng tượng bạn có một căn nhà với 20 căn phòng cho thuê, và đã có 40 khách hàng đang sống trong căn nhà đó với 40 nhu cầu và vấn đề khác nhau có thể xảy ra mỗi tháng. Việc hỗ trợ cho họ cũng là vấn đề đòi hỏi khá nhiều thời gian. Vậy làm thế nào để chúng tôi có thể kinh doanh và quản lý hàng nghìn căn phòng từ Bắc – Trung – Nam với hàng nghìn khách hàng như vậy. Điều khác biệt là chúng tôi đã xây dựng được một hệ thống kinh doanh tự động.
Để làm được việc này, tôi phải chia nhỏ 9 bước kinh doanh này cho 9 bộ phận khác nhau trong tổ chức và kết nối họ lại với nhau. Tạo ra cho họ những quy trình làm việc độc lập và chủ động mà không cần có sự can thiệp của tôi, giúp tôi có thể phát triển tiếp tục mô hình kinh doanh nhà cho thuê ở các tỉnh thành khác nhau, trong khi ở TP HCM mọi thứ vẫn chạy tốt. Đó chính là sức mạnh của một hệ thống kinh doanh tự động, nó cho bạn sự tự do đích thực. Tuy nhiên, để xây dựng một hệ thống như vậy không hề đơn giản, đòi hỏi thời gian và nhiều bài học kinh nghiệm xương máu.
Theo VNE
Leave a Reply