Nhiều dự án chưa được ngân hàng bảo lãnh vẫn chào bán trên thị trường
Sau gần 2 tháng có hiệu lực, quy định dự án bất động sản (BĐS) hình thành trong tương lai phải được ngân hàng đứng ra bảo lãnh mới được mở bán vẫn chưa thông suốt, nhiều dự án tuy chưa được ngân hàng nào nhận bảo lãnh vẫn chào bán trên thị trường.
Tại Khoản 1, Điều 56 của Luật Kinh doanh BĐS 2014 quy định rõ, kể từ ngày 1/7/2015, chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng nhằm đề phòng trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.
Nếu sau khi ký hợp đồng mua bán và huy động vốn từ khách hàng mà chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết giao nhà thì ngân hàng bảo lãnh sẽ đứng ra hoàn trả toàn bộ số tiền mà khách hàng đã nộp.
Ghi nhận thực tế cho thấy, ngay sau ngày 1/7, nhiều “ông lớn” BĐS tại Tp.HCM đã bắt tay với ngân hàng ký kết bảo lãnh dự án. Có thể kể ra một vài trường hợp như Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam ký kết với ngân hàng Sacombank về việc bảo lãnh nhà ở của dự án căn hộ cao cấp Him Lam Chợ Lớn tại Quận 6; Công ty Nhà Khang Điền cũng ký kết với ngân hàng Eximbank về việc hợp tác bảo lãnh cho một số dự án nhà phố mà công ty này đang triển khai mở bán; Công ty Hưng Thịnh thì ký kết hợp tác với 5 ngân hàng là VietBank, SCB, Sacombank, Vietinbank và BIDV về cam kết bảo lãnh cho người mua nhà tại các dự án mà Hưng Thịnh đang triển khai…
Hảng trăm khách hàng đã ký hợp đồng và nộp gần đủ tiền mua căn hộ tại dự án PetroVietnam Landmark, nhưng đến nay, dự án vẫn nằm “đắp chiếu” . Ảnh: Mạnh Tùng
Tuy vậy, các dự án được bảo lãnh do ngân hàng tại Tp.HCM ký kết và công bố thông tin rộng rãi trong thời gian qua hầu hết là của những doanh nghiệp lớn, số lượng không nhiều. Trong khi đó, đa phần các doanh nghiệp còn lại đều khá “im hơi lặng tiếng”. Hiện tượng này thể hiện rất rõ nếu rảo qua các sàn giao dịch BĐS hiện nay.
Cụ thể, tại nhiều sàn giao dịch BĐS trên địa bàn Tp.HCM, các nhân viên môi giới chuyên tư vấn cho khách mua tỏ ra khá mơ hồ về quy định bảo lãnh này. Đơn cử, tại một sàn giao dịch trên đường Đỗ Xuân Hợp, Quận 9 , ông H., người phụ trách kinh doanh tại sàn khi bị khách hàng yêu cầu cung cấp chứng thư bảo lãnh của ngân hàng đối với dự án đã cho biết, đến giờ chủ đầu tư vẫn… đang tìm ngân hàng bảo lãnh.
Tìm hiểu thông tin từ chủ đầu tư của một dự án đang triển khai ở Quận 2, PV được biết, hiện tại đơn vị này vẫn chưa được bất cứ ngân hàng nào đồng ý đứng ra bảo lãnh cho dự án nhưng vẫn đang rao bán sản phẩm cho khách hàng. Điều đáng nói là, sau ngày 1/7, không ít khách hàng vẫn sẵn sàng đặt tiền cọc giữ chỗ mua căn hộ tại dự án này.
Theo nội dung tại Khoản 1, Điều 56 của Luật Kinh doanh BĐS, nhà hoạch định chính sách kỳ vọng sẽ bảo vệ được người mua nhà, hạn chế tình trạng bán nhà trên giấy của những doanh nghiệp “tay không bắt giặc” từng gây nhiễu loạn thị trường trước đây. Song, ghi nhận thực tế cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp địa ốc hiện vẫn đang rất thờ ơ hoặc cố ý phớt lờ quy định này.
Một chuyên gia BĐS đánh giá, bảo lãnh ngân hàng là một hình thức cấp tín dụng mà ở đó, ngân hàng phải chịu một trách nhiệm lớn về khoản tiền bảo lãnh cho dự án, tiến độ của dự án cũng như trách nhiệm với khách hàng. Do đó, với mức phí bảo lãnh khá khiêm tốn, chỉ từ 1-3% thì các ngân hàng đương nhiên sẽ rất ngại cảnh “ôm rơm rặm bụng”, nhất là khi thị trường BĐS không còn nhiều doanh nghiệp giữ được chữ “tín”, trừ khi giữa ngân hàng với chủ đầu tư trước đó đã có mối quan hệ thân thiết, tin tưởng lẫn nhau.
Như vậy, mặc dù chưa có ngân hàng nào cấp chứng thư bảo lãnh nhưng nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn ung dung bán hàng, “mặc kệ” quy định, còn khách hàng vẫn cứ đặt bút ký hợp đồng, đóng tiền cho chủ đầu tư, và chắc chắn sẽ phải đối mặt với rủi ro nếu doanh nghiệp bỏ bê dự án.
Có lẽ, việc cả trăm người mua nhà tại dự án PetroVietnam Landmark ở Quận 2, sau khi đã đóng số tiền lên tới cả tỉ đồng mà phải chờ đợi, thậm chí khiếu nại ròng rã mấy năm nay vẫn chưa nhận được nhà vẫn còn là bài học nóng hổi với cơ quan quản lý nhà nước về BĐS.
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online)
Leave a Reply