Bị ngân hàng “hành” mới vay được từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ
Nhiều chiêu thức khác nhau đang được các ngân hàng áp dụng buộc người vay phải thực hiện mới được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ, như phải mở thẻ ATM, thẻ Visa, mua phí bảo hiểm khoản vay, phí định giá tài sản, phí bảo lãnh…
Đến nay, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đã triển khai được hơn 2 năm. Theo số liệu cung cấp từ Bộ Xây dựng, hiện số tiền các ngân hàng đã cam kết giải ngân đạt trên 17.000 tỷ đồng, trong đó số tiền đã được các ngân hàng giải ngân đạt trên 10.100 tỷ và có khoảng 24.000 hộ dân đã được giải ngân.
Khi mới đi vào hoạt động, tốc độ giải ngân gói hỗ trợ được đánh giá là còn quá chậm, nhưng gần đây, sau khi những vướng mắc về thủ tục, đối tượng, thời hạn… dần được tháo gỡ, cùng với việc giá nhà bắt đầu đi vào ổn định khiến tốc độ giải ngân được cải thiện đáng kể. Cũng theo số liệu mới đây của Bộ Xây dựng, trong 5 tháng gần đây, bình quân mỗi tháng giải ngân được 1.000 tỷ đồng.
Những con số trên có thể coi là dấu hiệu đáng mừng không chỉ của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mà còn là của hoạt động tín dụng ngân hàng và nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, bên cạnh việc cải thiện được tốc độ giải ngân, giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn thì nhiều người vay tiền cho biết, họ vẫn gặp không ít khó khăn do ngân hàng gây ra khi muốn tiếp cận được dòng vốn.
Từ bắt làm thẻ ATM, thẻ Visa…
Anh Hoàng Tùng, hiện đang làm việc cho một công ty con của TCT Sông Đà ở Hà Nội cho biết, gia đình anh định mua một căn hộ có diện tích 45m2, giá bán là 14,5 triệu đồng/m2 và anh đã làm hồ sơ gửi Ngân hàng B. chi nhánh Tây Hồ trên phố Thụy Khuê để được vay 70% giá trị căn hộ, tương đương khoảng 400 triệu đồng.
Đáng nói là, bên cạnh các thủ tục cần thiết như xác nhận đối tượng thu nhập thấp, tình trạng nhà ở, chứng minh một số thông tin theo hồ sơ tài sản đảm bảo… anh Tùng còn bị ngân hàng kia “hành” đến tận mấy tháng trời rồi mới chịu giải ngân.
Người mua nhà bị Ngân hàng đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan để cuối
cùng phải “tặc lưỡi” làm theo yêu cầu thì mới được vay vốn
Anh Tùng kể, đầu tiên cán bộ tín dụng của ngân hàng nói trên yêu cầu công ty của anh phải mở tài khoản thẻ ATM và thẻ Visa của ngân hàng. Đồng nghiệp của anh Tùng đều kịch liệt phản đối vì việc mở thẻ này thật vô lý, không đúng với nhu cầu của họ, đó là chưa kể còn có thể phải đóng các khoản phí phát sinh.
Tuy nhiên, khi thấy công ty anh Tùng không chịu mở thẻ ở ngân hàng, thì phía ngân hàng này cũng không hoàn tất các thủ tục để giải ngân. Cực chẳng đã, anh Tùng đành muối mặt thuyết phục từng người. Vì biết anh Tùng có hoàn cảnh rất khó khăn, vả lại dù biết chuyện vô lý nhưng nghĩ rằng mở thẻ không dùng thì cũng không sao cả, nên gần 20 đồng nghiệp trong công ty đã “chặc lưỡi” mở thẻ và tài khoản tại ngân hàng B. kia.
Chỉ đến khi được các đồng nghiệp hỗ trợ, anh Tùng hoàn thành nốt các thủ tục theo yêu cầu thì phía ngân hàng mới xác nhận hồ sơ của anh đã đầy đủ.
Đến bắt mua bảo hiểm khoản vay, đóng phí định giá hàng năm
Tưởng chừng bị “hành” như vậy là đã xong chỉ còn chờ giải ngân để có tiền mua nhà, ai ngờ sau 2 tháng chờ đợi, anh Tùng lại bị ngân hàng yêu cầu làm thêm một thủ tục nữa là mua bảo hiểm khoản vay. Anh Tùng tỏ ra khá băn khoăn về khoản này, nhưng khi thấy cán bộ tín dụng giải thích rằng, việc bảo hiểm chỉ nhằm đề phòng trường hợp khách hàng mất khả năng chi trả, thì phía bảo hiểm sẽ hỗ trợ. Do đó, cùng với việc đang cần vay tiền nên anh Tùng đành chấp nhận mua bảo hiểm của công ty con thuộc ngân hàng này.
Đó là chưa kể, cán bộ tín dụng của ngân hàng mà anh Tùng vay vốn còn bắt anh phải đóng thêm một khoản chi phí nữa, đó là phí định giá nhà trong các năm (thời gian 10 năm). Sau khi tham khảo nhiều người vay tiền khác, anh Tùng nhận thấy đây là yêu cầu rất vô lý nên anh không đồng ý và cũng đã rất mệt mỏi với hàng mớ thủ tục mà ngân hàng đã đặt ra. Cuối cùng, nhân viên tín dụng nọ đã tự động giảm mức phí định giá nhà cho anh từ 10 năm xuống còn …1 năm, với số tiền là 300 nghìn đồng.
Sau khi đã bị “hành” đủ kiểu, cuối cùng anh Tùng cũng được ngân hàng giải ngân trong tháng 8 vừa qua.
Một trường hợp điển hình khác là ông Nguyễn Tấn Trung ở Tp.HCM. Ông Trung đã ký hợp đồng mua căn hộ chung cư với chủ đầu tư và cũng thuộc diện được vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng nên ông làm hồ sơ để vay số tiền 540 triệu đồng tại Ngân hàng BIDV. Dù không bị ngân hàng này bắt làm thẻ như anh Tùng nhưng ông Trung cũng bị yêu cầu phải mua bảo hiểm khoản vay trị giá 2% trên tổng số tiền vay, tức khoảng 10 triệu đồng.
Ngân hàng nói gì?
Khi đem vấn đề trong trường hợp của anh Tùng đi hỏi một số lãnh đạo ngân hàng hiện cũng đang triển khai gói cho vay 30.000 tỷ đồng và cả đại diện phía Ngân hàng nhà nước (NHNN) thì các vị đều khẳng định với chúng tôi rằng, theo quy định của NHNN thì những khoản phí hay các quy định trên không hề có trong thủ tục cho vay gói hỗ trợ.
Liên hệ với ngân hàng B., nơi anh Tùng vay vốn, chúng tôi được trả lời rằng tất cả các khoản như mua bảo hiểm hay mở thẻ ngân hàng…đều không bắt buộc và đều do chính sách ở từng chi nhánh thỏa thuận với người vay!
Không chỉ anh Tùng và ông Trung nói trên bức xúc mà đây là tâm trạng chung của nhiều người vay tiền trong gói ưu đãi. Riêng ông Trung đã không chịu im lặng mà gửi câu hỏi đến các cơ quan chức năng để tìm câu trả lời. Sau khi nhận được những khúc mắc của ông Trung, NHNN đã yêu cầu BIDV rà soát và báo cáo NHNN về phản ánh của người vay tiền. Nhưng trong công văn mà BIDV trả lời NHNN cũng khẳng định, Ngân hàng này không bắt buộc khách hàng mua các loại bảo hiểm hoặc nộp các loại phí trái, ngoài quy định về cho vay gói 30.000 tỷ đồng!?
Làm sao tránh được “bẫy”?
Thực tế, chuyện xảy ra với ông Trung và anh Tùng khi vay vốn gói 30.000 tỷ ở các ngân hàng không phải là hiếm. Nhiều người cho biết, sau khi tìm hiểu về điều kiện, thủ tục vay vốn trong gói ưu đãi từ Nhà nước họ thừa biết các yêu cầu của cán bộ tín dụng là vô lý, tuy nhiên nếu không làm theo thì ngân hàng ngâm hồ sơ nên đa số đều tắc lưỡi để được vay vốn.
“Biết là sai đấy nhưng giờ vay tiền ngân hàng nào cũng vậy cả thôi, không vấn đề này thì thủ tục khác. Đấy là chưa kể, hầu hết các dự án chúng tôi vay đều có liên kết với ngân hàng để cho vay, nên làm gì có chuyện được lựa chọn ngân hàng để giải ngân”, chị Nguyễn Thị Yến, một người cũng vay tiền mua nhà ở xã hội cho hay. Chị Yến may mắn hơn là không bị nhiều rủi ro như anh Tùng.
Bàn về các vấn đề liên quan đến thủ tục vay vốn, nhiều chuyên gia đồng tình quan điểm, người vay tiền rất khó tránh được những thủ tục và yêu cầu rắc rối của ngân hàng. Các ngân hàng họ cũng không dại gì để lộ sai sót, mà chắc chắn sẽ tìm cách hợp thức hóa bằng cách ghi rõ trong hợp đồng vay vốn các điều khoản khách hàng tự nguyện tham gia. Do đó mới có chuyện, những khúc mắc của khách hàng dù được ai trả lời đi chăng nữa thì cuối cùng cũng chẳng lật tẩy được sai phạm của Ngân hàng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết, cũng không phải là không có cách để người vay tiền thoát được “bẫy” của bên cho vay. Cụ thể, để tránh tối đa những thủ tục vô lý và mất tiền oan, người vay tiền nên tìm hiểu rõ thủ tục, đọc rõ từng điều khoản, yêu cầu phía ngân hàng giải thích tận tường, thỏa đáng rồi mới đặt bút ký hợp đồng.
(Theo Trí thức trẻ/CafeF)
Leave a Reply