Khách hàng đang áp dụng bộ tiêu chuẩn “ngầm” đối với chung cư trung cấp
Sau khi nhiều doanh nghiệp địa ốc bị bêu tên vì nợ thuế, bão ra hàng, truyền thông sản phẩm của nhiều dự án chung cư thương mại tại Hà Nội tạm thời lắng xuống. Những tên tuổi dự án, chủ đầu tư yếu kém dù đã được thị trường thanh lọc không ít nhưng việc lựa chọn dự án tốt không vì thế mà dễ dàng hơn với người mua nhà, nhất là những bất động sản (BĐS) vừa túi tiền.
Tại địa bàn Hà Nội, chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng nhà ở thương mại vẫn là căn hộ chung cư có giá bán dưới 3 tỷ đồng. Đồng thời, phần lớn các khách hàng trẻ (sức cầu chính của phân khúc này) ngày càng kỹ tính hơn. Đây là khẳng định của ông Hoàng Phong, phó giám đốc của một công ty tư vấn BĐS tại quận Cầu Giấy.
Ông Phong cho rằng, so với quý I/2015, hiện tỷ lệ giao dịch của phân khúc chung cư thương mại tầm trung đã sa sút tới 30%. Kết quả kinh doanh thống kê bước đầu của doanh nghiệp này bao gồm gần khắp địa bàn các quận nội đô và chỉ xoay quanh các dự án chung cư đã/đang hoàn thiện. Qua phân tích cụ thể, khách hàng có nhu cầu thực đang áp dụng một bộ tiêu chuẩn “ngầm” đối với chung cư trung cấp.
Chọn dự án trao tiền
Ngày càng nhiều cá nhân, hộ gia đình trẻ sở hữu lượng tài chính từ 2 – 2,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo thống kê chưa đầy đủ của một số đơn vị truyền thông bán hàng dự án tại khu vực Hà Nội, phần nhiều trong đối tượng nêu trên hiện đang nung nấu kế hoạch mua căn hộ chung cư, sau khi đã thuê nhà một thời gian dài. Điểm khác, là kiến thức tổng hợp về thị trường cũng như thang chấm điểm chung cư của Thượng đế giờ đã được “nâng cấp” rất nhiều.
Trước hết, người mua đang đặt niềm tin vào những chủ đầu tư lớn, có tên tuổi như HUD, Vinaconex hay Handico… Bởi, theo giải thích của một nhóm cá nhân (gần 30 hộ gia đình) tìm mua chung cư tại trung tâm các quận như Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy và Hai Bà Trưng thì những đơn vị trên đã từng một thời là “tượng đài” trong giới doanh nghiệp BĐS, họ thường nắm trong tay quỹ đất lớn.
Chính vì quỹ đất (được quản lý sử dụng, khai thác kinh doanh trong vòng 50-70 năm) thoải mái nên những chủ đầu tư lớn thường không tận dụng tối đa từng mét vuông đất để xây dựng như những ông chủ nhỏ khác. Đơn cử là trường hợp KĐT Văn Quán, Linh Đàm của HUD cho đến nay vẫn…chưa mất giá trong mắt người đang tìm nhà bởi không gian xanh và quy hoạch tiện ích cộng đồng của dự án rất được chú trọng.
Một trường hợp khác là dự án của Handico 6 (một thành viên của tổng Handico) mới đây được nhắc tới như một “con nợ” của cơ quan Thuế. Tuy nhiên, động thái nhanh chóng đóng thuế (5 tỷ đồng) của doanh nghiệp này đã xoa dịu sự nghi ngại của rất nhiều khách hàng đang muốn tìm hiểu về dự án Diamond Flower (mặt đường Lê Văn Lương kéo dài).
Người mua nhà ngày càng “kỹ tính” và nâng cao hiểu biết về thị trường
“Việc chậm nộp thuế là dễ hiểu với bất cứ doanh nghiệp địa ốc nào. Điều quan trọng là họ khắc phục ra sao, cũng như đảm bảo được giá trị pháp lý của BĐS trước khi đến tay khách hàng” – ông Đại, một nhà đầu tư cho biết. Ông vừa chuyển nhượng một suất căn hộ tại dự án này cho đôi vợ chồng trẻ làm trong ngành kiểm toán.
Một tiêu chí “ngầm” khác, với người cẩn trọng và “ngại” va chạm trong vấn đề quản lý dịch vụ tòa nhà, họ thường lựa chọn những dự án, quần thể chung cư đã thành lập Ban quản trị. Vì một lẽ, phí quản lý dịch vụ bao giờ cũng rẻ hơn hẳn so với phần còn lại. Đơn cử, anh Kiên, một cư dân mới dọn về chung cư trên đường Đội Nhân, cho biết, phí gửi xe máy chỉ là 30.000 đồng/tháng, còn phí dịch vụ cũng chỉ 100.000 đồng đối với tất cả các căn hộ…
Bên cạnh thương hiệu, uy tín của chủ đầu tư (qua các dự án, công trình đã được đưa vào sử dụng lẫn khả năng khắc phục khủng hoảng tài chính – truyền thông), khách hàng giờ ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các đơn vị tham gia xây dựng thi công dự án. Trong đó, những tên tuổi nhà thầu “đình đám” như Hòa Bình, Conteccon hay Delta.. được coi như “phiếu đảm bảo” cho chất lượng của công trình tương lai.
Bài học đúc rút
Bên cạnh tư vấn của sàn giao dịch, nhân viên chủ đầu tư cũng như giới đầu tư, người mua nhà để ở còn đặt niềm tin chủ yếu ở chính những trải nghiệm mà họ rút ra từ người đã từng chuyển chung cư nhiều lần. Từ đây, một ba – rem chi tiết về lựa chọn sản phẩm căn hộ chung cư đã ra đời và được áp dụng ngày càng phổ biến.
Đầu tiên, là chọn mua căn hộ ở khoảng từ tầng 7 đến tầng 15 trong tòa nhà cao tầng. Lý do là vì, nếu ở các tầng thấp hơn thì dễ bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn, côn trùng. Cao hơn, từ tầng 16 thì việc di chuyển (ra – vào tòa nhà lên căn hộ) sẽ mất nhiều thời gian chờ thang máy hơn, đồng thời cũng gặp khó khăn hơn nếu có sự cố hỏa hoạn (!)
Thứ hai, theo kinh nghiệm thực tế mà cư dân tại nhiều khu chung cư cao tầng đã vận hành truyền lại, thì nên chọn căn ở xa địa điểm đổ rác, xa khu vực thang máy. Đồng thời, nên chọn những tòa nhà có hành lang càng rộng càng tốt – đi lại dễ dàng lại cũng tiện cho trẻ nhỏ vui chơi.
Đặc biệt, thời gian gần đây, người mua nhà rất chú trọng tới số lượng và chất lượng thang máy của tòa nhà, trong quy chiếu với mật độ căn trên một sàn lẫn dân số. “Những tòa nhà ở khu vực đường Nguyễn Xiển (Hoàng Mai) là dẫn chứng cụ thể cho việc không quan tâm tới mật độ thang máy – số lượng người sử dụng chung” – một người dân thuê căn hộ tại dự án do Xí nghiệp Mường Thanh xây dựng than phiền.
Ngoài ra, rút kinh nghiệm với khá nhiều sự cố hỏa hoạn từng xảy ra trong chung cư thời gian trước, khách hàng thường ưu tiên các tòa nhà được thiết kế có 2 cầu thang bộ để thoát hiểm khi cần thiết.
Đáng chú ý, trong danh mục “tuyệt đối không nên”, một số khách hàng trẻ còn truyền tai nhau về việc phải tránh những tòa nhà nằm kề ngay mặt đường lớn, có mật độ giao thông cao. Lý do là vì, không gian sinh hoạt cho trẻ nhỏ sẽ bị hạn chế (thậm chí nguy hiểm vì phương tiện xe cộ qua lại), hoặc nếu không chủ đầu tư phải cho thuê một vài tầng đế làm siêu thị, văn phòng doanh nghiệp…
(Theo Thời báo Kinh doanh)
Leave a Reply