BĐS khu Nam chưa bao giờ hết “nóng”
Kể từ khi khu đô thị Phú Mỹ Hưng được đầu tư phát triển 20 năm trước, bất động sản (BĐS) khu Nam chưa bao giờ hết “nóng”.
Gần đây, tiềm năng phát triển khu Nam được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết khi có thông tin TP.HCM dự định phát triển đặc khu kinh tế tại quận 7, huyện Nhà Bè và một phần huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ.
Cùng với đó, hàng loạt dự án phát triển hạ tầng như đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, cầu Phú Mỹ, hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, tuyến Metro số 4 (đi qua các quận 1, 3, 4, 7, Nhà Bè), cầu Nguyễn Khoái kết nối quận 4 với quận 7, cầu Thủ Thiêm 4 kết nối khu Nam với Đô thị mới Thủ Thiêm ở khu Đông, … đang trở thành đòn bẩy, tạo thêm động lực hấp dẫn của BĐS khu Nam.
Sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng đã tác động mạnh đến xu hướng phát triển bất động sản văn phòng, nhà ở và các điểm bán lẻ hiện đại. Trong số này mặt bằng bán lẻ hiện đại đang tăng trưởng nóng.
Theo thống kê của Savills Việt Nam, khu vực Phú Mỹ Hưng hiện cung cấp 70.000m2 mặt bằng bán lẻ hiện đại (trung tâm mua sắm, siêu thị) và chiếm khoảng 50% nguồn cung của quận 7.
Dự kiến đến cuối năm 2016, con số này sẽ là khoảng 85.000m2 với sự tham gia của một số khối đế trong các dự án căn hộ mới.
Nhìn từ thành công của SC VivoCity
Toàn cảnh SC VivoCity – 1058 Nguyễn Văn Linh, Quận 7
Sự bùng nổ nguồn cung mặt bằng bán lẻ hiện đại trên là để đón trước nhu cầu phát triển thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam nói chung và khu Nam Sài Gòn nói riêng.
Các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đang ồ ạt tiếp cận vào thị trường Việt Nam, nơi nhu cầu mua sắm ngày càng gia tăng. Người tiêu dùng theo đó cũng có nhiều sự chọn lựa hơn từ các nhãn hàng thời trang, đồ chơi trẻ em, giải trí, hay ăn uống.
Điển hình là mới gần đây, thương hiệu thời trang từ Anh là Miss Selfridge, Dorothy Perkins đã chọn SC VivoCity là nơi mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Cửa hàng đồ chơi đến từ Anh quốc – Hamleys cũng đã đánh dấu sự có mặt tại thị trường Việt Nam khi khai trương cửa hàng với diện tích lên đến 800 m2 tại tầng 1 và tầng 2 của trung tâm thương mại này.
Đây cũng là địa điểm mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam của các thương hiệu nổi tiếng trong các lĩnh vực bán lẻ khác như Penshoppe (Philippines), KOI Thé (Đài Loan), Xiao Ban Café, Swee Lee (Singapore).
Tập đoàn CJ-CGV – một “ông lớn” trong ngành công nghiệp điện ảnh đến từ Hàn Quốc cũng đã đầu tư cụm rạp chiếu phim IMAX đầu tiên ở Việt Nam tại SC VivoCity. Làn gió mới SC VivoCity đang góp sức không nhỏ thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS bán lẻ ở khu vực phía Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà các thương hiệu quốc tế lựa chọn trung tâm thương mại mới nhất tại quận 7 này ngay lần đầu thâm nhập tại thị trường Việt Nam. Có thể lý giải rằng, SC VivoCity sở hữu vị trí thuận lợi, phân khúc khách hàng đa dạng, kinh nghiệm quản lý và tiềm lực tài chính.
Trung tâm thương mại này được hình thành từ sự hợp tác giữa Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Saigon Co.op (SCID) và tập đoàn đầu tư Mapletree từ Singapore. Đồng thời, SC VivoCity đã xây dựng thành công mô hình “one stop shop” – một điểm đến đa dịch vụ, rất được người tiêu dùng ưa thích khi đáp ứng tất cả các nhu cầu mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí, thể thao.
Cả gia đình thoả sức đi mua sắm và giải trí cùng nhau trong không gian 62.000 m2 được theo tiêu chuẩn quốc tế, tích hợp các cửa hàng thời trang, đại siêu thị, hệ thống rạp phim, các cửa hàng ăn uống, trung tâm Anh ngữ, giải trí và công viên tầng thượng.
Đó chính là lý do SC VivoCity thu hút lượng khách tham quan mua sắm lên đến hơn 800.000 lượt mỗi tháng.
Ông Phan Thành Duy – Giám đốc TTTM SC VivoCity cho biết: “SC VivoCity không chỉ cung cấp mặt bằng bán lẻ mà còn có những tiện ích cho khách thuê mặt bằng và khách tham quan mua sắm.
Chúng tôi thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội để đem đến những trải nghiệm mua sắm và giải trí phong phú cho khách hàng.
Với thiết kế hiện đại, các sản phẩm đa dạng cùng nhiều tiện ích của một điểm đến “tất cả trong một”, chúng tôi kỳ vọng SC VivoCity sẽ tiếp nối thành công của VivoCity từ Singapore và mang lại trải nghiệm mua sắm vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế cho người dân Việt Nam”.
Ngôi sao điện ảnh Thái Lan – Mario Maurer – giao lưu cùng người hâm mộ Việt Nam tại sự kiện thời trang của Penshoppe
Theo nghiên cứu của Economist Intelligence Unit, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đạt 97 tỷ USD năm 2016 và có thể lên đến 122 tỷ USD vào năm 2018. Đây là con số thực sự hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Từ thành công của SC VivoCity có thể thấy, mô hình trung tâm thương mại phức hợp (one-stop-shop) đang là xu hướng phát triển của thị trường Bán lẻ Việt Nam. Với sự ưu việt của mô hình này, người tiêu dùng Việt Nam sẽ là người được thừa hưởng rất nhiều lợi ích khi cuộc cạnh tranh bán lẻ ngày càng quyết liệt.
Theo Trí thức trẻ
Leave a Reply