Chủ trương xây cầu để “cứu” dự án “đắp chiếu” của các doanh nghiệp BĐS
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM đã đề xuất xây dựng cầu Rạch Đỉa trên đường Lê Văn Lương. Dự án do Công ty Tài Nguyên đề xuất, ứng vốn trước cho ngân sách để thực hiện với tổng vốn đầu tư dự tính khoảng 700 tỷ đồng.
Tuyến đường Lê Văn Lương là một trong những trục chính của huyện Nhà Bè và quận 7. Trên tuyến đường này có 4 cây cầu sắt (cầu Rạch Đỉa, cầu Rạch Dơi, cầu Rạch Tôm và cầu Long Kiểng) với kết cấu dạng Eiffel, Bailey, khổ cầu rộng từ 3-3,3m không có lề bộ hành và lưu thông 2 chiều.
Những cây cầu sắt này mang tính chất tạm thời, đang dần xuống cấp nên tải trọng khai thác chỉ đạt từ 1-3,5 tấn, tĩnh không thông thuyền, không bảo đảm theo cấp sông, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông khu vực, hạn chế năng lực vận chuyển bằng đường thủy và đường bộ kết nối cụm cảng Hiệp Phước với những tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Vũ Anh Tâm, TGĐ Công ty Tài Nguyên cho biết, đơn vị đã trình UBND Tp.HCM quy hoạch và thiết kế, đang chờ các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt dự án cầu Rạch Đỉa. Nếu được cho phép đầu tư thì đây sẽ là cơ hội cho những dự án địa ốc dọc tuyến đường Lê Văn Lương. Đổi lại công ty được ngân sách Nhà nước hoàn trả một phần bằng tiền mặt, phần còn lại sẽ được đổi đất hoặc khấu trừ nghĩa vụ tài chính về đất ở những dự án của doanh nghiệp này đầu tư.
Hiện nay, một số doanh nghiệp BĐS muốn xây cầu để “cứu” dự án “đắp chiếu”
Đề xuất của Công ty Tài Nguyên cho thấy, doanh nghiệp này sẽ ứng vốn trước vào ngân sách (kể cả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng) để Tp.HCM triển khai đầu tư xây cầu Rạch Đỉa, không tính lãi suất cho khoản tiền ứng trước này trong khoảng thời gian từ nay tới hết năm 2016. Cũng theo đề xuất của công ty Tài Nguyên, dự án xây dựng cầu Rạch Đĩa có quy mô rộng 40m và dài 300m đã được Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 nghiên cứu kỹ về quy mô đầu tư.
Theo thông tin phóng viên tìm hiểu, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai cũng đã đề nghị đầu tư xây cầu Rạch Đĩa, mở rộng đường Lê Văn Lương theo hình thức hợp đồng BT (đầu tư, chuyển giao). Một doanh nghiệp địa ốc tại quận 7 khác là Công ty Đầu tư Xây dựng HLP cũng đã lên kế hoạch hợp tác với 2 công ty trên để cùng triển khai đầu tư xây dựng cầu Rạch Đĩa. Xác nhận với phóng viên, một phó TGĐ của công ty HLP cũng khẳng định rằng, hiện các bên đang ngồi lại với nhau nhằm tìm ra chiến lược đầu tư tài chính hiệu quả cao nhất.
Tại khu vực này, dự án chung cư Kenton Residences đã được đầu tư xây dựng dở dang cách đây đã nhiều năm nhưng hiện nay vẫn đang “đắp chiếu”. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) nhận định, chủ đầu tư dự án này cũng đã nỗ lực tìm giải pháp nhằm vực dậy dự án từ cơ cấu lại diện tích căn hộ cho đến giải pháp tài chính.
Được biết, chủ đầu tư dự án này cũng đã nhận được quyết định của Tp.HCM về việc cho phép điều chỉnh lại diện tích căn hộ. Theo ông Vũ Anh Tâm, TGĐ Công ty Tài Nguyên, vấn đề lớn nhất của chủ đầu tư dự án Kenton Residences hiện nay là vốn đầu tư cho dự án. Ông Tâm cũng tiết lộ, chủ đầu tư đã rót tới 4.000 tỷ đồng cho khối đế dự án, đấy là chưa kể số tiền lãi nhiều năm qua vẫn đang nợ ngân hàng BIDV.
Hiện tại, BIDV đã đồng ý cơ cấu lại nợ, theo ông Tâm, nếu BIDV không chấp thuận thì doanh nghiệp khó mà cầm cự và làm được gì trong nhiều năm qua. Đồng thời, việc tái cấu trúc cho dự án, doanh nghiệp đang huy động từ một số đối tác chiến lược để có thể khởi động công trình này từ năm 2016.
(Theo Trí thức trẻ)
Leave a Reply