Hà Nội : Cuộc đua ‘mức độ xanh’ giữa các chung cư
Giới hành nghề môi giới bất động sản lẫn khách hàng đã quá quen thuộc với xu hướng “ăn theo hạ tầng” của nhiều dự án chung cư, tổ hợp nhà ở thương mại. Vài năm trở lại đây, thị trường BĐS Hà Nội còn chứng kiến cuộc đua về…mức độ xanh giữa các block cao tầng nhằm tự tăng giá trị cho sản phẩm căn hộ. Đây cũng là tiêu chí rất được khách hàng quan tâm, nhất là với những chung cư cộp mác cao cấp.
Hiện tại, dự án chung cư thương mại tự khẳng định yếu tố sinh thái của mình chỉ qua tên gọi nhan nhản khắp địa bàn Thủ đô. Dù không ai dám chắc, các hạng mục ‘xanh’ trong dự án sẽ được cụ thể hóa 100% khi công trình hoàn thiện, nhưng ít nhiều cũng tạo thuận lợi cho khâu marketing.
Những doanh nghiệp tiên phong
Nhắc đến những doanh nghiệp tiên phong trong xu hướng đô thị sinh thái tại khu vực thị trường phía Bắc không thể bỏ qua dự án KĐT Ecopark Văn Giang (Đông Nam thành phố Hà Nội). Dự án này được khởi động từ những năm trước 2010 do Vihajico làm chủ đầu tư. Tại thời điểm đó, quy hoạch của dự án lên tới 500ha diện tích và tổng vốn đầu tư dự tính trên 6 tỷ USD. Không chỉ có quy mô ‘khủng’, dự án còn được đầu tư khá kỹ về tỷ lệ cây xanh, mặt nước (chiếm 22,31%).
Đáng chú ý, chủ đầu tư dự án này còn mạnh tay rót tiền nghiên cứu đặc điểm, chất lượng nước trong khu đô thị, xây dựng chương trình kiểm soát từ đó áp dụng biện pháp thiết kế kỹ thuật và xử lý nước theo mô hình tiên tiến nhất nhằm bảo đảm môi trường nước an toàn, trong sạch. Được biết, chỉ tính riêng chi phí cho dự án nghiên cứu và đưa ra mô hình kiểm soát và xử lý nước này đã lên tới gần 1,5 tỷ đồng. Cũng vì vậy mà giá sản phẩm dự án cũng cao ngất ngưởng, hiện tại chung cư trong dự án Ecopark có giá thấp nhất là 1,5 tỷ đồng/căn.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, Ecopark đã mất vai trò độc tôn (ở mảng đô thị xanh) ở cửa ngõ Thủ đô bởi sự cạnh tranh của Gamuda City. Dự án này cũng có diện tích tương đương (500ha) và trình diễn những hạng mục công trình đáng nể như công viên Yên Sở; khu biệt thự song lập và liền kề Gamuda Gardens; khu trung tâm thương mại Gamuda Central và Gamuda Plaza.
Dự án Gamuda City do tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) đầu tư, quy mô bao gồm 4 hạng mục chính: công viên Yên Sở, nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, khu đô thị Gamuda Gardens và Gamuda Lakes. Riêng công viên Yên Sở chiếm mảng diện tích 322,57ha với tổng vốn đầu tư vào khoảng 850 triệu USD, bao gồm khu A và khu B được phê duyệt từ tháng 12/2007. Trong đó khu A là khu công viên văn hóa, công viên truyền thống có diện tích khoảng 31,6ha và khu chức năng đô thị là phần còn lại của khu công viên cây xanh phía Nam đường Vành đai 3, diện tích khoảng 91,2ha.
Vào giữa năm 2014, Gamuda Land Việt Nam bất ngờ thông báo xin ngừng thực hiện đầu tư khu B công viên Yên Sở do khoản kinh phí giải phóng mặt bằng lên tới 150 triệu USD. Tuy nhiên, theo như khẳng định của lãnh đạo chủ đầu tư thì tương lai ‘xanh’ của đại dự án này không bị ảnh hưởng.
Tỷ lệ xanh – sinh thái chiếm vai trò quan trọng khi truyền thông bán hàng, đặc biệt với những dự án cao cấp, vị trí đắc địa
Và người đi sau
Khác với hai doanh nghiệp trên, Vingroup không nhấn mạnh yếu tố ‘xanh’ như một chìa khóa bán hàng mà gián tiếp xây dựng cộng đồng dân cư đô thị gắn bó hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Đơn cử, từ dự án Royal City tại 72A Nguyễn Trãi đến cụm tổ hợp nhà ở thương mại – văn phòng Times City đều cho thấy chủ đầu tư đã tính toán kỹ lưỡng yếu tố sinh thái tinh tế ở từng góc hành lang của mỗi mặt sàn nhà ở tới không gian nội khu.
Dự án mới mẻ nhất Vingroup đang hoàn thành là khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside. Được biết, dự án này rất được quan tâm bởi chuỗi công viên cây xanh, hồ nước lên tới gần 600.000 m2 phục vụ cộng đồng.
Chưa đủ tiềm lực như Vingroup nhưng ông chủ Nguyễn Hữu Đường cũng mau mắn khẳng định vị thế Xanh) cho các dự án do doanh nghiệp mình tạo lập tại Hà Nội với thương hiệu Green. Lần lượt là Hòa Bình Green (376 đường Bưởi, Tây Hồ), rồi Hòa Bình Green City (Minh Khai) ra mắt thị trường với điểm nhấn về khoảng xanh, cũng như những nét đặc thù riêng của đại gia Đường “mía” (trung tâm thương mại V+, ban công dát vàng…). Được biết, trong tháng 9 vừa qua, thanh khoản dự án đạt ngót 50% cho thấy dự án phần nào đã chứng minh được sức hút cạnh tranh so với những dự án cũng khoác áo xanh khác trên địa bàn Thủ đô.
Thị trường địa ốc thời gian gần đây đang chứng kiến thêm nhiều tên tuổi dự án khác cũng cộp mác ‘sinh thái’ ngay từ tên gọi. Chẳng hạn như Eco Green City (Nguyễn Xiển, Hoàng Mai) của Công ty TNHH BĐS và Xây dựng Việt Hưng; Tổ hợp căn hộ chung cư EcoLife Capitol của Công ty CP Đầu tư & Thương mại Thủ Đô hay FiveStar Garden (Kim Giang) của GFS…
Phần đa những dự án ‘sinh thái’ dạng này đều được trau chuốt kỹ lưỡng thông tin về kiến trúc xanh như một chiến lược nhằm tạo dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những người am hiểu thị trường nhà đất cũng như trải nghiệm cuộc sống trong các block cao tầng tại Hà Nội nhiều năm, thì phải đợi tới khi dự án thành hình, phục vụ người dân, mới dám…tin.
Bởi lẽ, hiện ở nước ta vẫn chưa có một bộ tiêu chí ‘chuẩn’ nào được đưa ra làm thang quy chiếu – chứng chỉ cho những công trình nhà ở xanh đúng nghĩa. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, viện dẫn các chỉ tiêu xanh, quy hoạch sinh thái một cách quá hoành tráng cũng chỉ là một trong những ‘chiêu bài’ để chủ đầu tư gián tiếp tăng giá thành sản phẩm.
Nhưng tựu chung, cuộc sống gắn liền với môi trường sinh thái trong lành xưa nay vẫn là điều mà cư dân đô thị luôn hướng tới. Đánh trúng xu hướng tiêu dùng, và biết cách áp dụng các công nghệ xây dựng, vật liệu xây dựng thân thiện môi trường một cách tối ưu, những doanh nghiệp tâm huyết với chung cư ‘xanh’ sẽ có cơ hội tồn tại và phát triển mạnh mẽ.
(Theo Thời báo kinh doanh)
Leave a Reply