Những lo ngại của nhà đầu tư khi bỏ vốn vào thị trường BĐS Việt Nam
Theo các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường bất động sản Việt Nam đang có sức hấp dẫn lớn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều lo ngại khiến họ băn khoăn khi đổ vốn vào đầu tư, đó là sự thiếu nhất quán của chính sách luật bất động sản, tính minh bạch của thị trường cũng như sự “bất bình đẳng” giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thị trường bất đông sản Việt Nam cần một chính sách nhất quán, ổn định. Ảnh: Minh họa.
Trong buổi hội thảo “Dự báo xu hướng thị trường bất đông sản Việt Nam 2016” vừa được tổ chức sáng 5/12, ông Jeff Foo, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Singapor đã có những chia sẻ rất thiết thực của một nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Ông Jeff Foo cho biết, trước đây Việt Nam chỉ là một điểm nghỉ chân của nhiều nhà đầu tư ngoại do lúc đó vẫn thực hiện chính sách đóng cửa. Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều chính sách mở cửa và tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân từ tính nhất quán của các chính sách về bất động sản chưa ổn định. Ông Jeff Foo cho rằng, chính sách dành cho bất động sản cần có cái nhìn dài hơi, bền vững và không nên thay đổi một cách đột ngột, chóng vánh. “Hôm nay các bạn mở cửa nhà đầu tư bước vào nhưng ngày mai đột ngột đóng cửa thì nhà đầu tư rất khó”, ông Jeff Foo nói.
Ông Jeff Foo chia sẻ thêm, tại Singapore, hiện thị trường bất động sản đang phát triển rất nóng, giá bán nhà tăng cao khiến nhà nước phải ban hành nhiều chính sách để hạ nhiệt thị trường. “Bất động sản Việt Nam cũng đang phát triển, nhưng liệu giá cả có tăng theo chiều này hay không?. Quan ngại của tôi là trước dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài đang đổ mạnh vào bất động sản như hiện nay liệu nhà nước Việt Nam có chính sách điều chỉnh gì hay không? Nếu có thì liệu sau 5 hay 10 năm sẽ thay đổi?”, ông
Cũng theo ông Jeff Foo, một khó khăn khác mà nhà đầu tư ngoại đang gặp phải là sau thời gian đầu tư đến khi họ rút vốn ra thì rất rắc rối do liên quan đến cách tính thuế. “ví dụ, tôi mua 10 USD sau đó tôi bán lại 15 USD thì tôi sẽ thu khoản đó đưa ra nước ngoài như thế nào, liệu cách đánh thuế sẽ ra sao?”
Trước đó, trong báo cáo của Nhóm Công tác đất đai gửi đến Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2015 đã cho thấy những “bất bình đẳng” với các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam. Theo nhận định của nhóm Công tác đất đai, thị trường bất động sản Việt Nam đã tích cực trở lại, trong đó có sự góp phần lớn từ các chính sách về Luật Kinh doanh bất động sản (LKDBĐS) và Luật Nhà ở 2014 (LNO). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản khiến nhà đầu tư ngoại gặp khó khăn. Nổi bật là các rào cản về hạn chế các nguồn vốn, công chứng hợp đồng mua bán nhà, kinh phí bảo trì, giới hạn số lượng sở hữu…
Theo Điều 11 LKDBĐS, nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức tách đất thành các lô đất để bán trong khi nhà đầu tư bất động sản Việt Nam lại được phép thực hiện như vậy. Ngoài ra, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép thu tối đa 50% giá trị hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng thuê mua bất động sản được hình thành trong tương lai, trong khi tỷ lệ áp dụng dành cho nhà đầu tư bất động sản Việt Nam là 70%. Nhóm này đề nghị, xóa bỏ mọi sự khác biệt trong chính sách áp dụng cho nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam để bảo đảm sân chơi công bằng và lành mạnh cho mọi nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.
Theo ông Jeff Foo, cần thiết có sự công bằng trong cạnh trang giữa nhà đầu tư ngoại và trong nước. Ngoài những yêu cầu về chính sách ổn định, nhất quán, thị trường minh bạch thì ông Jeff Foo còn lưu ý nên tổ chức các buổi triển lãm, mời gọi đầu tư tại các nước thì bất động sản Việt Nam sẽ rất thu hút nhà đầu tư.
Theo Cafeland
Leave a Reply