Nhà ở xã hội cho công nhân – Cung không đủ cầu
Theo bản đánh giá về nhu cầu nhà ở xã hội và thực trạng nhà ở trên phạm vi toàn quốc của Bộ Xây dựng vừa đưa ra mới đây, nếu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia được nỗ lực thực hiện, tại khu vực đô thị sẽ có 22,5 triệu m2 nhà ở xã hội và 1,4 triệu công nhân sẽ được bố trí chỗ ở từ nay đến năm 2020.
Số liệu điều tra thu được từ năm 2014 cho biết, nước ta có tổng số hộ dân là 24.239.232 hộ; cụ thể, số hộ đang ở nhà đơn sơ và thiếu kiên cố là 2.324.924 hộ và có tới 1.914.332 hộ đang ở nhà với diện tích bình quân khoảng 7m2/người (tức diện tích dưới 30m2).
Đến năm 2020, chúng ta cần khoảng 1 triệu căn hộ để đáp ứng tổng nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị trên cả nước. Trong đó, nhu cầu nhà ở xã hội lớn thường tập trung ở các địa phương như: Tp.HCM 98.000 căn; Hà Nội là 73.260; TP. Đà Nẵng khoảng 11.500 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn;…Và qua tổng hợp, số nhu cầu nhà ở xã hội của viên chức, công chức, cán bộ thuộc 25 Bộ, ngành Trung ương riêng tại khu vực thủ đô Hà Nội đã là 30.000 căn.
Công nhân được mua, thuê nhà ở xã hội ở tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Phan Hoàng
Bộ Xây dựng cho biết, mục tiêu cụ thể được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt và ban hành bởi Thủ tướng Chính phủ là: Phấn đấu đầu tư xây dựng khoảng 10 triệu m2 đến năm 2015; phấn đấu đầu tư xây dựng khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020 để giải quyết chỗ ở cho những người thu nhập tháp ở khu vực đô thị.
Nhà ở xã hội không chỉ thiếu ở các khu vực đô thị, tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội dành cho công nhân cũng đang rơi vào tình trạng cung không đủ cầu.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 đồng thời định hướng đến năm 2020, theo đó, tổng số lao động, công nhân tại các khu công nghiệp đến năm 2020 sẽ là khoảng 7,2 triệu lao động. Sẽ cần 33,6 triệu m2 nhà ở để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho 4,2 triệu lao động, công nhân cả nước có nhu cầu về nhà ở xã hội đến năm 2020.
Trên thực tế, chỉ có khoảng 20% công nhân tại các khu công nghiệp có chỗ ở ổn định, còn lại phần đông vẫn phải thuê nhà để ở. Hầu hết các công nhân ngoại tỉnh đều phải thuê trọ của tư nhân và đó thường là những nơi không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu, tạm bợ, gây ảnh hưởng không tốt tới đời sống cũng như sức khoẻ của họ, bên cạnh đó còn khiến tình hình trật tự an ninh trở nên xáo trộn ở ngay các khu công nghiệp đó. Bởi vậy, vô cùng cần thiết và cấp bách để giải quyết cho công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp có chỗ ở ổn định để họ có thể sớm an cư lập nghiệp.
Bộ Xây dựng cho biết: “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, cũng đã xác định đến năm 2015, phấn đấu đáp ứng cho khoảng 50% số công nhân có nhu cầu (tức khoảng 900 nghìn công nhân) được bố trí chỗ ở; đến năm 2020, phấn đấu đáp ứng cho khoảng 70% số công nhân có nhu cầu (tức khoảng 1,4 triệu công nhân)”.
(Theo Báo điện tử Đảng cộng sản)
Leave a Reply