Bất động sản phố cổ còn lắm nhiêu khê
Phố cổ vốn được cho là một biểu trưng của Thủ đô, mang giá trị riêng với những ai ai sinh sống, làm việc lâu dài ở Hà Nội. Góc nhìn thị trường bất động sản, những căn nhà phố cổ (có cả phố cũ, theo suy nghĩ của phần đa những người ao ước được ngụ cư tại 36 phố phường) được liệt vào phân khúc đặc thù.
Với cả dân môi giới lão luyện, nhà đất thổ cư vẫn là dạng sản phẩm “khó nhằn” nhất trong rổ sản phẩm bất động sản. Không chỉ lo bị chủ nhà, khách mua bắt tay và cắt phí tư vấn, ngay cả những môi giới vốn có thâm niên hàng chục năm ở đất Thủ đô cũng phải e dè khi nhận được đơn hàng nhà phố cổ. Nhất lại là những căn nhà tầng 2, 3 (không có tầng 1) thì tìm nguồn cầu khớp nối lại càng gian nan.
Đã kén khách lại hay bị ép
Kể lại một tình huống điển hình, theo Quang Anh – người từng sống bằng nghề môi giới đất thổ cư ở khu trung tâm, anh đã mất hơn một năm trời để đẩy mạnh quảng cáo (đăng tin qua nhiều phương tiện truyền thông), thu hút sự quan tâm của khách hàng nhưng kết quả là loại bất động sản phố cổ này vẫn… ế sưng.
Cụ thể là trường hợp một căn nhà nằm gần ngã tư Phùng Hưng – Hàng Cót gồm tầng 2 và tầng 3 nhưng tầng 1 thuộc sở hữu của người khác. Căn nhà này cấu trúc hình ống kiểu cũ, khép kín, diện tích trên sổ đỏ ngót 30m2 (diện tích sử dụng lên tới… 60m2). “Chủ nhà đưa ra mức giá kỳ vọng là 6 tỷ đồng, vì ngôi nhà nằm trong ngõ. Nhưng khoảng 10 tháng sau, cũng chỉ lác đác vài người hỏi mua, tới xem và sau đó một đi không trở lại” – Quang Anh nhớ lại.
Hỏi ra, mới vỡ lẽ, do chiều ngang “đặc thù” khá eo hẹp (chỉ kê vừa bề ngang chiếc giường đôi – tức khoảng 2,5m) nên gây bất tiện nhiều cho sinh hoạt – theo như đánh giá của những người có nhu cầu mua để ở, để thụ hưởng… không gian sống nơi phố cổ.
Còn xét ở góc độ mua để khai thác lợi thế trung tâm (kinh doanh nhỏ), thì sản phẩm này cũng không ghi được điểm. Nguyên do, khách hàng chỉ đánh giá cao những căn nhà tập thể phố cổ ở tầng 1 vốn tiện bán hàng phục vụ tại chỗ. Nếu có tư vấn cho khách tầng 2,3 thì bao giờ họ cũng lại quan tâm tới tầng 1. Thậm chí khách còn yêu cầu môi giới tìm cách…thuyết phục chủ tầng 1 cho thuê, sang nhượng lại với giá nào cũng được! – Thông tin này được Hoàng Hà, người môi giới làm việc cho văn phòng tư vấn nhà đất tại quận Hoàn Kiếm tiết lộ.
Nỗi khổ của gia chủ nhà phố cổ cũng theo đó gia tăng. Nếu bán qua trung gian thì phải chờ đợi trong mòn mỏi. Ngoài ra, khi biết chủ nhà (tầng 2,3 phía trên) cần bán, thì bao giờ chủ sở hữu tầng 1 cũng tìm cách “dìm giá”. Không những thế, tác động phía môi giới để bán lại sản phẩm cho “chủ tầng 1” với giá cũng chỉ bằng 60-70% giá kỳ vọng của chủ nhà.
Quan điểm hiện đại, nơi nào thuận lợi cho con cái đi học, đi làm, giải trí và giao thông thuận tiện… thì sẽ là trung tâm
Chi bằng về vùng đất mới
Theo quan sát của người viết, đây là cách làm “kinh điển” để có thể thâu tóm trọn bộ những mảnh đất được mệnh danh là ‘kim cương’ còn sót lại giữa lòng Thủ đô của một bộ phận nhỏ nhà đầu tư. Đương nhiên, bán kính khoanh vùng mục tiêu không chỉ bó hẹp ở 36 phố phường nội đô, mà lấn sang cả những khu tập thể phố cũ thuộc trung tâm quận Ba Đình hay Hai Bà Trưng.
Sống khổ giữa lòng phố cổ trước nay vẫn là đề tài tranh luận gay gắt giữa chính cư dân bản địa lẫn những người đang kỳ vọng về một cộng đồng sinh sống cách xa Bờ Hồ tầm trên 10km.
Thực ra, yếu tố ảnh hưởng tới cảnh huống ‘trong chán – ngoài thèm’ nhà phố cổ chủ yếu là vấn đề tâm lý. Không ít khách hàng, thông qua những cuộc mở bán, giới thiệu dự án tầm khu đô thị quy mô ở các góc Hà Nội đang dần xác định lại khái niệm về ‘trung tâm’.
Có thể đưa ra một bài toán so sánh như sau: Giữa khu dân cư được cho là mang đẳng cấp ‘Làng Việt kiều’ ở Hà Đông với cộng đồng phố cổ nằm kề Hồ Gươm. Khoảng cách địa lý, điều kiện giao thông, từ Làng lên Phố rất xa và rất mất thời gian – đây chính là tâm lý ngại di chuyển.
Trái lại, nếu phân tích tổng quan về kỹ thuật của nhiều gia đình đang và chuẩn bị dọn về khu Hà Đông thi rõ ràng, hạ tầng, cảnh quan tại đây thông thoáng, đồng bộ và hiển nhiên không có cảnh phố xá chật chội, người tránh người ngay trong ngõ như trên Phố.
Trong khi đó, tiện ích xã hội, làng cũng đâu kém Phố: đủ hầu hết siêu thị gia dụng cho tới điện máy, mua sắm tiêu dùng; chợ dân sinh, còn chợ cóc thì nhiều vô kể. Muốn đáp ứng mục đích học tập, vui chơi giải trí thì đã có hàng loạt trường Đại học công lập lẫn tư thục; rạp chiếu phim tại Royal City, MiPec Tây Sơn, BigC The Garden, Công viên, Hồ Văn Quán, Hồ Mễ Trì…đủ các loại sẵn sàng phục vụ.
Nói như vậy, không có nghĩa, quận Hà Đông đáng được lựa chọn hơn so với quần thể phố cổ – phố cũ đã tồn tại nhiều thập kỷ nay. “Trung tâm, không phải nhất thiết phải là 4 quận nội đô lịch sử hay cách Bờ Hồ bán kính dưới 2km. Quan niệm bây giờ, ở đâu đáp ứng đủ các yếu tố thuận lợi cho đi học, đi làm, giải trí, ẩm thực và giao thông không ùn tắc… thì chỗ đó là trung tâm – nơi đáng để lựa chọn sinh sống” – một tuyên ngôn được cho là mang tính đại diện số đông những gia đình trẻ – khách hàng trẻ với cách nhìn, hệ quy chiếu rất hiện đại về nhà ở tại đất Hà Nội.
Đương nhiên, không ai có thể phủ nhận giá trị của phố cổ. Việc thực hiện Đề án giãn dân phố cổ gặp khó cũng phần nào là do tâm lý “ăn đời ở kiếp” của người dân sở tại.
Liệu chăng, khi quan điểm mới của những người cần nhà ở như cơm ăn – áo mặc tiếp tục lan tỏa, suy nghĩ ‘sống mãi với…nội đô’ sẽ biến mất. Nhờ đó, những khu đô thị mới hình thành, đang chuẩn bị phục vụ dân cư ở vùng ngoại thành Hà Nội sẽ trở nên đáng lựa chọn hơn với người mua?
(Theo Thời báo kinh doanh)
Leave a Reply