Hà nội vẫn mong ngóng về một thành phố ven sông Hồng
Dù phía các cơ quan chức năng cho biết đã nỗ lực hết sức nhưng núi dự án thương mại vẫn cứ mọc lên liên tiếp trong thời gian qua khiến hầu hết hạ tầng ở các góc Thủ đô đều trở nên quá tải. Trong khi đó, khu phía Đông, với tiêu điểm là những cây cầu bắc qua sông Hồng, đâu đó vẫn ngóng chờ đồ án quy hoạch sớm về đích.
Khoảng 5 năm trở lại đây, tuyến đường Lê Văn Lương nối từ Láng Hạ qua khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (quận Thanh Xuân) vào Hà Đông đã trở thành tâm điểm của thị trường BĐS.
Tuyến huyết mạch này (gồm cả đường Lê Văn Lương kéo dài – nay là đường Tố Hữu) giữ vai trò quan trọng trong việc liên kết mạng giao thông giữa các khu vực, nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho toàn tuyến đồng thời xâu chuỗi các đô thị dọc hai bên, trong đó có Phùng Khoang, Trung Văn, Dương Nội và Văn Khê.
Dân sinh “đè” quy hoạch
Với lợi thế hạ tầng xã hội sẵn có, lại thêm việc được khởi công từ sớm (đầu 2009), trục giao thông xuyên tâm này đã ghi nhận có sự gia tăng chóng mặt về giá đất từ thời điểm 2010-2011 và đến nay, chi chít các dự án mọc lên.
Vào tháng 3/2009, Hà Nội đã rà soát về cơ sở hạ tầng, thủ tục cấp phép, quy mô dự án… đối với hơn 700 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn nhằm phục vụ quy hoạch chung Hà Nội mở rộng. Đây chính là cơ hội “thông quan” cho những dự án ở khu Hà Đông như Văn Khê, Văn Phú (!)
Tại thời điểm đó, quan niệm về trung tâm, gần – xa của người mua cũng dần thay đổi theo hướng: Hà Đông được thừa hưởng cơ sở vật chất từ thành phố (chuyển xuống quận), cộng với ‘đường mới’ nên cũng chẳng kém gì trung tâm các quận nội đô như Đống Đa hay Thanh Xuân…
Kết quả, hiện nay Hà Đông quả là đã ‘đông’ tới mức vào giờ tan tầm hoặc đầu buổi sáng, nút giao Lê Văn Lương – Khuất Duy Tiến rồi đoạn Trần Phú (Hà Đông) tới Nguyễn Xiển lúc nào cũng chật cứng các phương tiện chen nhau từng mét vuông.
Không ít người ao ước, phải chi cơ quan chức năng quy hoạch con đường Tố Hữu (chiều dài 7,8km giao cắt với đường vành đai 4) có độ rộng như đường Nguyễn Trãi thì tốt biết bao.
Thành phố ven sông Hồng vẫn chưa biết khi nào được khai sinh
Hà Đông là vậy, còn nếu chếch về khu phía Nam, trường hợp điển hình chính là Linh Đàm, Tam Trinh và Yên Sở. Giờ đây, chẳng ai còn nhận ra khu đô thị kiểu mẫu đã từng tôn vinh HUD của 10 năm trước. Thay vào đó, không gian sống thoáng đãng ở quanh khu đô thị trong lành, giàu khoảng xanh hiện đã bị tấn công bởi hàng chục khối bê tông cao tầng được gắn tên ‘dự án’.
Từ chuỗi văn phòng, tới loạt HH đua ra đời (và đắt như tôm tươi) – con đường Nguyễn Hữu Thọ trở thành con đường duy nhất để đi ra đường Giải Phóng. Tới lúc này, những ô đất nằm chờ xây lên chung cư thương mại, nhà ở dân sinh cao tầng (mặt đường Nguyễn Xiển, gần hồ Linh Đàm) còn không ít.
Trong khi đó ở Từ Liêm (đại diện cho phía Tây thành phố), hàng loạt quần thể cao tầng cũng đang ráo riết lên hình hài từ Goldmark City, Sun Square, FLC 36 Phạm Hùng cho đến HDMon City, Thành phố giao lưu, 99 Trần Bình… Những dự án này đều được đánh tiếng là ‘đáng sống – đáng lựa chọn’.
Có lẽ cũng còn quá sớm để khẳng định điều gì bởi cứ nhìn cảnh đoàn người – xe di chuyển như rùa bò trong tiếng còi của xe trọng tải lớn, bụi khói tại đường Phạm Văn Đồng, không một cư dân tương lai nào của Thành phố giao lưu hay NƠXH 30 Phạm Văn Đồng lại không sợ hãi.
Tìm về ven sông Hồng
Cách đây khoảng 7 năm, hình dáng của một thành phố bên sông Hồng từng được Sở ngành Hà Nội bàn soạn với Quy hoạch phát triển sông Hồng khá hoành tráng. Theo đó, sông Hồng sẽ trở thành trục không gian chính của thành phố với hàng loạt cao ốc tài chính quốc tế, chung cư cao cấp, công viên đô thị nằm dọc ven bờ sông…
Theo đồ án quy hoạch trên, sô vốn đầu tư dự kiến vào khoảng trên 7 tỷ USD và phải di dời tổng cộng 39.000 hộ dân. Cũng theo quy hoạch này, khu vực ven sông Hồng đoạn qua Hà Nội trong tương lai sẽ là chốn sinh sống của 97.000 hộ dân, chiếm tới 50% diện tích, phần còn lại sẽ dành cho các công trình công cộng và khu thương mại dịch vụ.
Theo đó, trong giai đoạn 1 của dự án, người dân sống tại đây sẽ được tái định cư ra các khu chung cư ở gần khu vực cầu Thăng Long, hoặc cầu Thanh Trì tại giai đoạn 2.
Quy hoạch cũng xác định rõ từng khu vực khai thác như Võng La sẽ trở thành khu bảo tồn sinh thái ven sông, huyện Đông Anh sẽ là công viên thể thao tổng hợp, còn khu Ngọc Thụy sẽ là nơi nghỉ dưỡng, Long Biên trở thành khu học tập khám phá sinh thái, Từ Liêm thì trở thành khu phục hồi sinh thái ven nước, còn Tây Hồ sẽ là công viên dành cho cư dân đô thị..
Dự kiến khoản kinh phí bồi thường tái định cư sẽ lên tới 1.564 triệu USD, thời gian triển khai dự kiến từ năm 2008 đến 2020. Đến năm 2009, TP Hà Nội quyết định xây dựng quy hoạch khoảng 40 km sông Hồng đoạn qua Thủ đô. Những khó khăn nhất trong việc triển khai dự án cũng được nêu lên, trong đó, có hai vấn đề khó khăn là di dân và vốn đầu tư quá lớn.
Có lẽ vì thế nên dự án dường như đã bị lãng quên suốt từ đó cho tới giữa năm 2015.
Tháng 7 năm nay, Quy hoạch đô thị ven sông Hồng lại một lần nữa được Hà Nội nhắc tới bằng quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật Chiến lược phát triển quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng tại Hà Nội: Đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Theo đó, quy mô nghiên cứu dự án khoảng 3.000ha (trong phạm vi 2 tuyến đê tả và đê hữu sông Hồng hiện có) với tổng chiều dài quy hoạch khoảng 11km dọc sông.
Ngay lập tức, những tín đồ của ‘cuộc sống xanh – không gian thoáng đãng’ đã nhen nhóm hy vọng về một cộng đồng với hàng vạn dân cư ven sông Hồng. Với những người có xu hướng đầu tư, ‘tiện’ và ‘ích’ ở khu Đông lại càng sáng sủa với tương lai sẽ có tổng cộng 15 cây cầu lớn nhỏ bắc qua sông Hồng (Quy hoạch tới 2030).
Ở góc nhìn quản lý, sự phân bổ dân cư đồng đều giữa các hướng phát triển Thủ đô gần như đã có lời giải. Nhưng, câu hỏi liệu siêu dự án thành phố ven sông Hồng có tiếp tục “delay”, khi đích 2020 (dự kiến ban đầu) chỉ còn 4 năm vẫn chưa thể trả lời.
(Theo Thời báo kinh doanh)
Leave a Reply