Quá chú trọng nhà ở xã hội, bỏ ngõ nhà ở cho thuê
Các doanh nghiệp hiện quá chú trọng vào việc phát triển loại hình nhà ở xã hội (NOXH) để bán, trong khi nhà ở cho thuê mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng quỹ loại hình nhà này. Thủ tục để thuê cũng phức tạp không khác gì mua NOXH, gây khó dễ cho nhiều gia đình trẻ sinh sống tại các khu công nghiệp, đô thị lớn.
NOXH Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) chỉ có 270 căn hộ để cho thuê với giá hơn 1 triệu đồng/căn hộ/tháng. Ảnh: Ngọc Châu.
Nhà ở cho thuê: Người nghèo mong, doanh nghiệp không muốn
Rời quê nhà Thái Bình lên Hà Nội lập nghiệp đến nay đã được 10 năm, nhưng vợ chồng chị Thu Huệ vẫn đang phải sống trong một căn nhà trọ ẩm thấp rộng chưa đầy 10m2 tại khu vực Hoàng Mai. Ước mơ sở hữu ngôi nhà của gia đình chị rất khó thực hiện được khi thu nhập của gia đình chị chỉ dưới 10 triệu đồng/tháng. Phần tích luỹ của gia đình chị còn chưa đủ để đóng tiền đợt 1 của những dự án mua NOXH, nhà ở thương mại giá rẻ dù được vay ưu đãi lên đến 80% giá trị căn hộ. Chị Huệ cho biết: “Gia đình tôi mong ước có chỗ thuê không chỉ giá rẻ, sạch sẽ mà còn phải ổn định lâu dài. Hiện một năm, gia đình tôi phải chuyển nhà trọ tới 3 lần, vì chủ nhà bán nhà hoặc cho người khác thuê giá cao hơn”.
Chị Huệ cũng đã tìm hiểu việc cho thuê nhà tại các dự án NOXH trên địa bàn Hà Nội, nhưng thủ tục thuê quá phức tạp nên chị đành từ bỏ. Thủ tục làm hồ sơ thuê NOXH đối với người không có hộ khẩu Hà Nội phức tạp không khác gì hồ sơ mua NOXH, như: Có hợp đồng lao đọng, phải đóng bảo hiểm trên 1 năm, có giấy xác nhận chưa có nhà ở… Với yêu cầu như trên, có đến hàng chục nghìn gia đình nghèo tại đô thị không đủ điều kiện giống như gia đình chị Huệ.
Kết quả của một cuộc khảo sát mới đây của các chuyên gia Đại học Xây dựng cho thấy, để mua được căn hộ NOXH với giá hơn 14 triệu đồng/m2, người nghèo phải mất tới 1/4 thế kỷ để hoàn tất việc chi trả. “Đây là điều rất khác biệt với mô hình NOXH của các nước trên thế giới”, đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Tạ Quỳnh Hoa, Khoa Kiến trúc – Quy hoạch (Đại học Xây dựng) cho hay. Cũng theo nhóm nghiên cứu, các dự án NOXH cho thuê vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Theo tính toán, mức lương trung bình của người lao động Việt Nam hiện chỉ khoảng 3,8 triệu đồng/tháng, trong khi đó, chi phí dành cho thuê nhà vào khoảng 30%, tương đương 1,14 triệu đồng/tháng.
Bà Hoa cho rằng: “Sản phẩm NOXH nào có mức giá cao hơn sẽ rất kho thâm nhập thị trường. Các doanh nghiệp không muốn làm dự án NOXH cho thuê vì phải đầu tư vốn lớn, trong khi lợi nhuận không cao, phải mất tới 10 – 15 năm mới thu hồi được vốn, lại có nhiều rủi ro. Do đó, mô hình này thực tế thời gian qua rất ít được triển khai…”.
Khung pháp lý NOXH cho thuê: Chờ đến bao giờ?
Tại các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM, nhu cầu nhà ở cho thuê hiện rất lớn, chỉ cần dạo qua những khu phòng trọ cho thuê, dễ dàng nhận thấy, nhu cầu này lên đến hàng triệu căn. Tuy nhiên, do những bất cập về chính sách, thủ tục, quỹ đất và tài chính mà đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào dám tham gia vào thị trường tương đối rộng lớn này. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng, Nhà nước cần ban hành các quy định về: Tiêu chuẩn thiết kế (20 – 30m2/căn hộ là phù hợp với nhu cầu hiện nay), dự án được tăng các chỉ tiêu quy hoạch như hệ số sử dụng đất, tầng cao, số dân cư…; ban hành quy chế, trách nhiệm của người thuê (như quy chế quản lý nhà chung cư); ngoài ra, quan trọng nhất là phải có quỹ đất sạch; hỗ trợ doanh nghiệp về mặt tài chính như lãi suất thấp, thậm chí có thể đưa ra một gói hỗ trợ tiền dành riêng cho nhà ở cho thuê giống như gói 30.000 tỷ cho NOXH.
Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng đưa ra lý giải, dù đã có chính sách cho nhà ở cho thuê nhưng do tâm lý cảu người dân vẫn muốn có “nhà sở hữu” nên vấn đề còn nan giải. Trong khi đó, NOXH cho thuê là loại hình nhà ở phục vụ cho đối tượng thu nhập thấp nhưng trên thực tế mới chỉ triển khai loại nhà ở cho công nhân do nhà nước hoặc doanh nghiệp đầu tư. Từ thực tế này, ông Sơn kiến nghị, với loại hình thuê nhà nên theo hình thức trả tiền thuê theo định kỳ được Nhà nước hỗ trợ về giá. Đồng thời, Nhà nước cần hỗ trợ tính thời gian khấu hao sản phẩm nhà ở là 70 năm, hệ số trượt giá dưới 5% (thay cho lãi vay).
Ông Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, quan điểm nhất quán trong chính sách phát triển nhà ở của Bộ Xây dựng là hướng vào đối tượng người dân có thu nhập thấp tại các đô thị. Nhiều nước trên thế giới, loại hình nhà ở cho thuê đang phát triển rất mạnh, nhưng ở nước ta, việc thay đổi tư duy sở hữu nhà ở vốn ăn sâu vào nếp nghĩ trong mỗi người dân là điều không phải dễ dàng.
(Theo Tiền Phong Online)
Leave a Reply