Một trong những điểm mới được đề cập trong Thông tư hướng dẫn Luật kinh doanh BĐS là muốn được cấp chứng chỉ hành nghề, môi giới BĐS sẽ phải trải qua kỳ sát hạch thay vì gửi danh sách như hiện tại, thẻ hành nghề sẽ có thời hạn để cấp lại.
Bộ Xây dựng cho biết, cả nước hiện tại có khoảng 1.000 sàn giao dịch đang hoạt động với 2.600 người môi giới đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, chất lượng của đội ngũ nhân viên môi giới và định giá BĐS vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Hiện nay, các nhân viên môi giới chỉ đứng giữa dắt mối cho người bán và người mua gặp nhau để thu tiền hoa hồng, chưa đưa ra những khuyến cáo, tư vấn về tài chính, pháp lý cho khách hàng. Một phần nguyên nhân là do chưa có một tổ chức nghề chuyên nghiệp, quy mô khiến việc đào tạo định giá, môi giới BĐS chỉ theo phong trào trong thời gian qua.
Khảo sát của các sàn giao dịch cho thấy, để quản lý hoạt động sát sao hơn thì cần có mã thẻ riêng cho mỗi nhà môi giới. Ảnh: Vũ Lê |
Từ 1/7 tới đây, khi Luật kinh doanh BĐS có hiệu lực, quy định về cấp lại chứng chỉ hành nghề khác với hiện tại. Cụ thể, chứng chỉ của môi giới sẽ được cấp lại sau 5 năm thông qua kỳ thi hoặc sát hạch. Bên cạnh đó, những người môi giới để được cấp chứng chỉ thì đều phải qua kỳ thi chứ không chỉ tốt nghiệp tại những khóa đào tạo đơn thuần.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam (đơn vị vừa được thành lập) đã góp ý cho nội dung dự thảo. Ông Đính cho biết, việc sát hạch theo quy định sẽ do Bộ Xây dựng tiến hành tại Tp.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, theo vị này, điều đó sẽ gây khó khăn cho việc tổ chức trên diện rộng, thậm chí là khó phủ kín số lượng nhà môi giới ở các địa phương, nơi mà hoạt động môi giới đang khá phát triển. Vì thế, việc phối hợp giữa hiệp hội ngành nghề và cơ quan quản lý sẽ giúp việc tổ chức sát hạch hiệu quả và chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Hội môi giới cho hay, cơ quan quản lý còn chưa nhắc tới đối tượng hoạt động độc lập. Thành phần này có số lượng tương đối lớn nhưng chất lượng hoạt động hiện tại rất đáng bàn, không ít người thậm chí còn tiếp tay cho chủ đầu tư bán các sản phẩm kém chất lượng làm thị trường hỗn loạn. Do đó, theo ông, đối tượng này cần đưa vào quy định để sau khi cấp chứng chỉ hành nghề có thể theo dõi, đánh giá hoạt động của họ, tạo nên sự tin cậy với khách hàng.
Ủng hộ quan điểm trên, ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Cen Group cho biết, hiện không ít nhà môi giới đang hoạt động độc lập nhưng vẫn sử dụng pháp nhân là sàn BĐS, nơi trước đó họ đã công tác để tiến hành giao dịch khiến cho các sàn không thể kiểm soát. Vì thế, vị này cho rằng, cơ quan quản lý cần phải cấp mã thẻ riêng cho môi giới hoặc quy trách nhiệm cá nhân khi tiến hành các giao dịch. Vấn đề môi giới hoạt động ở một sàn nào đó chỉ là thông tin để tham khảo chứ không thể bắt sàn giao dịch BĐS phải chịu trách nhiệm với tất cả các tình huống xảy ra.
Đối với quy định việc luyện thi như điều kiện để cấp chứng chỉ, theo ông Hưng, mấu chốt nằm sự tin cậy và minh bạch khi sát hạch. Khi làm tốt thì việc luyện thi trở thành việc tự nguyện thì chắc chắn người hoạt động môi giới sẽ luôn hiểu rằng để có thể vượt qua đợt sát hạch nghiêm khắc, họ cần phải đi học.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp thì quan tâm tới vấn đề đạo đức của nhà môi giới. Trong đó, đề xuất xây dựng một bộ tài liệu chuẩn để những người sẽ muốn hoặc đang hành nghề có điều kiện nghiên cứu, tham khảo. Một trong các yêu cầu cơ bản trước khi cấp chứng chỉ hành nghề là cá nhân người môi giới cần phải có trải nghiệm công việc, thời gian thực hành nhất định. Điều đó sẽ khiến những môi giới trở nên chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả hơn.
Leave a Reply