Năm 2016: Các vụ mua bán, sáp nhập BĐS sẽ ngày càng sôi động
Năm 2015, bất động sản tồn kho cả nước giảm hơn 3,3 tỷ USD. Năm 2016 được dự đoán là năm sôi động với các thương vụ mua bán, sáp nhập trên thị trường này.
Cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản năm 2015, số lượng giao dịch thành công của Công ty bất động sản DTJ đã tăng 50%, đặc biệt trong phân khúc cao cấp. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản DTJ, cho biết: “Trước đây, phân khúc cao cấp chiếm 10-15%, nhưng trong năm 2015, các khách sạn cao cấp, khu nghỉ dưỡng chiếm trên 50% tổng doanh thu, đạt được mục tiêu công ty đề ra”.
Hệ thống siêu thị dự án bất động sản (STDA) cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong các phân khu trung và cao cấp với sự gia tăng cả về giá lẫn số lượng giao dịch. Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Tổng Giám đốc Hệ thống siêu thị dự án bất động sản (STDA), cho rằng: “Hầu hết các giao dịch của chúng tôi năm ngoái thuộc trung và cao cấp, điều này là dễ hiểu vì năm ngoái, GDP tăng trưởng tốt. Ngoài ra phải kể đến các chính sách ưu đãi của Nhà nước như tín dụng ngân hàng cho bất động sản hay Luật kinh doanh bất động sản mới có hiệu lực từ tháng 7”.
Theo CBRE Việt Nam, lượng bất động sản tồn kho cả nước đã giảm hơn 3,3 tỷ USD năm 2015, tức là giảm 58% so với năm trước. 2016 được dự đoán sẽ là một năm sôi động với các thương vụ mua bán và sáp nhập trên thị trường này.
Chị Nguyễn Hoài An – Giám đốc bộ phận Tư vấn, Nghiên cứu và Định giá, CBRE Việt Nam – nhận định: “Nhiều nhà đầu tư sẽ mua lại các dự án đang được xây dựng cũng như các tài sản bất động sản tạo ra thu nhập. Đáng chú ý, chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của nhiều nhà bán lẻ quốc tế tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực ăn uống trong các siêu thị hay các cửa hàng tiện ích cũng như lĩnh vực thời trang”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà đầu tư, các công ty bất động sản và người mua cần lưu ý một số rủi ro trong năm nay. Ông Mattew Powell, Giám đốc Savills Hanoi, nói: “Rủi ro có thể là việc dư cung ở một vài phân khúc như nhà ở, người mua cần quan tâm xem họ đang mua gì và động lực để đầu tư vào bất động sản là gì. Dư cung cũng có thể diễn ra ở phân khúc văn phòng khi mà hiện nay có nhiều tòa nhà văn phòng đã được cung cấp vào thị trường”.
Tập trung vào đối tượng khách hàng là người tiêu dùng cuối cùng, những người có nhu cầu mua và sử dụng bất động sản đang là mục tiêu của các nhà phân phối trong năm nay. Điều này nhằm ngăn ngừa tình trạng “bong bóng” về giá, kết quả của việc găm giữ bất động sản như các năm trước.
Theo SKDS
Leave a Reply