Nhà đầu tư ngoại quan tâm tới BĐS thương mại Việt Nam
Các hoạt động M&A diễn biến ngày càng sôi động đối với phân khúc bất động sản thương mại. Sức hút của phân khúc này đến từ sự chuyển biến tích cực trong chính sách và sự phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Khi nhận định về thị trường BĐS tại Việt Nam, ông Stephen Wyatt – Tổng giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle Vietnam đã chia sẻ thẳng thắn về những chuyển biến tích cực của thị trường bất động sản nhất là phân khúc BĐS thương mại. Theo ông, thời gian gần đây, bên cạnh việc nới lỏng các quy định về sở hữu nhà ở cho người nước ngoài, bất động sản còn có những thay đổi khác như duy trì mức lạm pháp và lãi suất ổn định, tổng sản phẩm quốc nội liên tục tăng qua các quý. Sự phục hồi kinh tế, niềm tin về thị trường kéo nhà đầu tư trở lại khiến mức giá nhà ở trung bình đang có xu hướng tăng lên đáng kể. Trong đó, doanh thu bán lẻ của Việt Nam tăng dần với mức tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Với vai trò là một chỉ số niềm tin tiêu dùng cơ bản, tốc độ tăng doanh số bán lẻ của Việt Nam sẽ góp phần củng cố thêm niềm tin đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài. Niềm tin đầu tư vào thị trường đã được cải thiện, các hoạt động mua và bán diễn ra sôi nổi hơn trong các tháng gần đây.
Nhà đầu tư ngoại rất hứng thú với BĐS thương mại Việt Nam. Ảnh: P.U
Ông Stephen Wyatt cũng cho rằng, một khi chính sách thay đổi, nhu cầu đầu tư tại Việt Nam của người nước ngoài sẽ có xu hướng tăng lên. Hiện tại, Việt Nam đang trở thành một địa điểm hấp dẫn với vốn đầu tư nước ngoài trong trung hạn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Dữ liệu từ tổ chức Real Capital Analytics (RCA) ghi nhận sự quan tâm từ một số quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài vào BĐS thương mại của Việt Nam. Điển hình như trong quý II/2015, một liên doanh con của Warburg Pincus, quỹ đầu tư từ Mỹ, đã đầu tư thêm 100 triệu vào Vincom Retail, nhà sở hữu và vận hành trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam.
Cũng trong quý này, Gaw Capital Partners cùng với đối tác trong nước, NP Capital, đã nhận chuyển nhượng bốn dự án bất động sản thuộc nhiều phân khúc khác nhau từ Indochina Land với tổng giá trị 106 triệu USD. Gamuda Land cũng đã nhận chuyển nhượng 40% cổ phần (tương đương 64,1 triệu USD) trong dự án Celadon City, một khu đô thị hiện đại được đầu tư ban đầu bởi một công ty liên doanh giữa Sacomreal, Thành Thành Công (TTC) và An Phú Gia. Tập đoàn Mapletree hoàn thành việc phát triển khu công nghiệp Mapletree Business City tại Bình Dương. Trong liên doanh mới nhất của mình tại Việt Nam, Mapletree đã mở trung tâm mua sắm đầu tiên (SC VivoCity) tại quận 7 Tp.HCM, trong một liên doanh với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Saigon Co-op (SCID). CapitaLand cũng chuẩn bị xây dựng dự án thứ bảy tại Việt Nam, vì họ cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa của Việt Nam sẽ thúc đẩy nhu cầu về bất động sản trong nước.
Với tỷ suất sinh lời từ BĐS thương mại là khoảng 9-11%, nếu so với con số lợi nhuận 6-7% của phân khúc nhà ở, rõ ràng BĐS thương mại có sức hấp dẫn hơn hẳn.
Bên cạnh đó, phân khúc BĐS thương mại còn hưởng lợi từ chính sách mở của của chính phủ, thu hút nhà đầu tư quốc tế đồng nghĩa với gia tăng nguồn cầu cho thị trường. Phân khúc thương mại đang dần thể hiện sức hút với nhà đầu tư. Hiện tại, ở phân khúc BĐS thương mại cho thuê, giá thuê tại Tp.HCM và Hà Nội đang chạm đáy, trong tương lai giá sẽ sớm được điều chỉnh. Thị trường đang có nguồn cầu ổn định, nền kinh tế tăng trưởng mạnh sẽ dẫn tới nguồn cầu cao hơn trong 5 năm tới, đặc biệt là sự mở rộng của các ngành dịch vụ phụ trợ xuyên suốt Việt Nam sẽ làm tăng nhu cầu diện tích văn phòng. Nhu cầu của ngành dịch vụ phụ trợ tăng hơn nguồn cung, vì vậy giá thuê kỳ vọng sẽ tăng.
Khi ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, kỳ vọng BĐS trong khu vực đắc địa sẽ bắt đầu tăng là có cơ sở. Nhất là hiện nay thị trường đang thiếu nguồn cung chất lượng cao trong bối cảnh nguồn cầu khá đáng kể. Các giao dịch gần đây trong khu vực trung tâm thành phố hiện đã có giá từ 14.500 – 22.000 USD mỗi mét vuông.
Tuy nhiên, khó khăn hiện tại của thị trường là bất chấp những thay đổi nới lỏng gần đây, vẫn tồn tại những thủ tục pháp lý phức tạp trong quy định sở hữu nhà ở dành cho người nước ngoài. Ông Stephen Wyatt chia sẻ: “Hiện tại vẫn còn một số vấn đề nổi bật liên quan đến những quy định mới, chúng tôi khuyến nghị bất kỳ nhà đầu tư tiềm năng nào đang tìm mua bất động sản tại Việt Nam thì phải tìm đến các chuyên viên tư vấn pháp luật chuyên nghiệp trước khi đưa ra bất kỳ một cam kết nào”.
(Theo Tuổi trẻ online)
Leave a Reply