Vốn FDI chuyển hướng đầu tư BĐS công nghiệp
Khi Việt Nam thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất nước ngoài, bất động sản (BĐS) công nghiệp là một trong những lĩnh vực hưởng lợi nhất. Các nhà đầu tư này có xu hướng chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để được hưởng các ưu đãi về thuế.
Mới đây, trang tin tức YarnsAndFibers (YNFX) đã đưa tin, hàng loạt doanh nghiệp dệt may Nhật Bản đang đổ xô vào nước ta với hy vọng sẽ tạo ra tăng trưởng với lợi thế khi hiệp định tự do thương mại TPP chính thức được ký kết. Điều đó được dự báo sẽ giúp Việt Nam gia tăng sản xuất cũng như xuất khẩu vào thị trường lớn như Mỹ.
Ông Jonathan Tizzard, GĐ bộ phận Nghiên cứu và Thẩm định giá của Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định, nếu chúng ta nhìn vào những thị trường mới nổi trong khu vực như Philippines, Indonesia và Thái Lan thì sẽ thấy Việt Nam đã nhận được 17% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào BĐS. Indonesia chỉ nhận được 10% vì ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, Thái Lan và Philippines chiếm tỷ lệ lần lượt là 45% và 29%. Đơn vị này tin tưởng rằng, Việt Nam vẫn là thị trường rất tiềm năng để đầu tư, tỷ lệ thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực này trong thời gian không xa sẽ được cải thiện.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered, khoảng 44% đơn vị tham gia nghiên cứu đã chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư vì có thị trường nội địa rất lớn, 29% là do chi phí hoạt động thấp và 18% là bởi có nhân công dồi dào.
Nhiều chuyên gia trước đây lo ngại về việc các doanh nghiệp nước ngoài lo lắng khi đầu tư sang Việt Nam khi thiếu lao động lành nghề. Tuy nhiên, với việc ký kết AEC và tạo điều kiện cho lao động trong khu vực được tự do di chuyển chính là một bước đi lớn giúp cho công ty nước ngoài an tâm hơn về chất lượng lao động. Vì thế, nếu nói TPP tạo động lực cho việc thu hút vốn FDI thì AEC sẽ củng cố thêm yếu tố về lao động.
Hiện nay, thu hút vốn FDI vẫn đang là điểm sáng đối với nền kinh tế Việt Nam khi tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đều tăng qua các năm, đây là tín hiệu tốt cho kinh tế nước ta. Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, năm vừa qua, cả nước có 2.013 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 15,578 tỷ USD, bằng 99,6% so với năm 2014. Đồng thời, có 814 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 7,18 tỷ USD, tăng 56,5% so với năm 2014. Tính chung cả năm vừa qua, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là hơn 22,7 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm trước đó.
Từ năm 2014 đến nay, giá thuê đất đang tăng trở lại
Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư ngoại với 955 dự án đầu tư đăng ký mới, 517 lượt dự án tăng vốn. Theo đó, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 15,23 tỷ USD, chiếm 66,9% trong tổng vốn đầu tư đăng ký.
Khi trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp Tp.HCM (HBA) Nguyễn Văn Bé đã nhấn mạnh rằng, Hiệp định TPP sẽ mở đường phát triển mới cho BĐS công nghiệp. Ông Bé dự báo, nhu cầu tìm kiếm và xây dựng các nhà máy, xưởng sản xuất sẽ tăng cao trong các năm tới. Hiện nay, khu vực phía Nam được nhận định là khu vực tiềm năng nhất cho hoạt động đầu tư phân khúc nhà xưởng. Các khu công nghiệp (KCN) có quỹ đất trống lớn để xây dựng nhà xưởng sản xuất vẫn sẽ thu hút được sự chú ý của các chủ doanh nghiệp nước ngoài và sự kiện TPP mới đây sẽ càng kích cầu đầu tư hơn nữa trong tương lai gần.
Ngoài ra, các chủ phân xưởng cũng đang dự định xây mới và mở rộng nhà xưởng trong đầu năm nay nhằm đón đầu nhu cầu tăng cao của phân khúc này trong thời gian tới. Hiện tại, hệ thống hạ tầng của một số KCN đang trong tình trạng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất của các nhà đầu tư. Đơn cử như KCN Hiệp Phước của Tp.HCM đang tăng tốc đầu tư mở rộng khu cảng cho tàu nước sâu, 2 tuyến đường dẫn vào cảng hiện đang được nâng cấp…
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện đang có sự “bùng nổ” các KCN với 87 dự án mới trong giai đoạn xây dựng, tương đương với khoảng 41% số KCN hiện hữu (212 KCN với quy mô 60.000 ha).
Tính tới hết tháng 11/2015, cả nước có 300 KCN, trong đó có 212 KCN đã đi vào hoạt động với quy mô 84.000 ha, trong đó tập trung nhiều ở phía Nam (Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu) với 106 KCN đang hoạt động, có tổng diện 33.500 ha, phía Bắc có 46 KCN với 12.100 ha.
Các KCN trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Tp.HCM, Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…) đang có mức độ thu hút đầu tư cao nhất trong thời gian 3 năm trở lại đây. Một trong các nguyên nhân quan trọng là do nhiều hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam là thành viên đã tạo nên sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
CBRE đánh giá, tác động của TPP lên thị trường BĐS sẽ hạn chế song nhu cầu của các ngành liên quan đến BĐS như KCN, nhà kho và ngành hậu cần có thể sẽ tăng trưởng nhất định.
(Theo Người đồng hành)
Leave a Reply