Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào BĐS
Năm 2015, nguồn vốn đầu tư nước ngoài chảy vào lĩnh vực bất động sản trong nước không ngừng gia tăng, và được dự báo sẽ còn có những bứt phá trong vài năm tới với sự xuất hiện của một số dự án tỷ đô, đặc biệt là ở Tp.HCM.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2015, lĩnh vực bất động sản đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 3 với 2,32 tỷ USD gồm 29 dự án đầu tư mới được cấp phép và 10 lượt dự án tăng vốn, chiếm 11,5% tổng nguồn vốn FDI cam kết.
Nếu so với cùng kỳ năm 2014 thì kết quả năm nay tăng hơn 1 tỷ USD. Như vậy nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh thị trường bất động sản trong nước bắt đầu có chiều hướng hồi phục và tăng trưởng.
Một trong những đáng chú ý là dự án xây dựng khu phức hợp tháp quan sát (Empire City) với số vốn đầu tư 1,2 tỷ USD tại Khu đô thị Thủ Thiêm (Tp.HCM). Đây là dự án do Công ty Denver Power Ltd trực thuộc Gaw Capital Partners hợp tác với 2 doanh nghiệp trong nước là Công ty CP Bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái triển khai thực hiện.
Lĩnh vực bất động sản ngày cảng thu hút mạnh dòng vốn ngoại. Ảnh: một góc Tp.HCM – Quốc Hùng
Nhà đầu tư cũng đã khởi công xây dựng dự án tòa tháp cao 86 tầng này và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022. Theo thiết kế, công trình bao gồm nhiều hạng mục như khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, văn phòng làm việc, căn hộ ở và căn hộ dịch vụ… Trước đó, Gaw Capital Partners từng mua lại 4 dự án bất động sản của Indochina Land tại Việt Nam, bao gồm Indochina Plaza Hanoi, Hyatt Regency Danang và 2 dự án hiện đang phát triển khác tại Quảng Nam và Tp.HCM.
Thời gian tới, sẽ còn nhiều dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực này. Cụ thể, thị trường bất động sản đang thu hút sự chú ý khi đại gia bất động sản Emaar Properties PJSC của Dubai lần đầu tiên sẽ hợp tác với tập đoàn Bitexco trong việc triển khai dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa. Dự án này có diện tích gần 430 ha tại quận Bình Thạnh, Tp.HCM, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 30.700 tỷ đồng. Đây cũng là hai doanh nghiệp vừa được UBND Tp.HCM chỉ định là nhà đầu tư thực hiện dự án trong vòng 50 năm.
Cũng tại Tp.HCM, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã đồng ý ký quỹ khoảng 2.000 tỉ đồng tiền sử dụng đất để được giao trước 6 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhằm phát triển dự án khu phức hợp thông minh có vốn đầu tư lên đến 2,1 tỷ USD tại khu đô thị này.
Giới quan sát cho rằng, sau thông tin và hướng dẫn cho phép người nước ngoài, Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam và nền kinh tế trong nước có xu hướng tăng trưởng trở lại, đã kéo các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản trở lại Việt Nam.
Trong một cuộc gặp tại Tp.HCM gần đây, chia sẻ với một số doanh nghiệp Nhật Bản ở hải ngoại, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), cho rằng song song với những chính sách về tín dụng, những cải cách về hệ thống luật định như Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở với nhiều quy định thông thoáng cho nhà đầu tư và người mua, đây cũng chính là bàn đạp để thúc đẩy các giao dịch trong thị trường nhà ở, thu hút vốn FDI trong lĩnh vực bất động sản thời gian tới.
Dù vậy, giới quan sát cũng cho rằng, việc rót vốn của các tập đoàn lớn vào thị trường địa ốc trong nước đã có bước đi thận trọng hơn. Phần lớn các nhà đầu tư đều có sự phối hợp với các đối tác, doanh nghiệp trong nước đã có sẵn quỹ đất và am hiểu thị trường nội địa để triển khai dự án chứ không tự đầu tư trực tiếp.
Cùng với việc thu hút vốn FDI, thị trường bất động sản cũng đang chứng kiến sự nhộn nhịp của các thương vụ đầu tư gián tiếp khác như mua cổ phần, chuyển nhượng và mua bán sáp nhập dự án (M&A).
Chẳng hạn, Creed Group, một quỹ đầu từ lớn đến từ Nhật Bản có tổng tài sản tới 5 tỷ USD, gần đây cũng công bố hợp tác với Công ty Năm Bảy Bảy (NBB) và An Gia Investment cùng phát triển các dự án bất động sản. Với An Gia Investment, Creed cam kết sẽ mua lại 20% cổ phần của công ty này, góp vốn đầu tư dự án theo hình thức 50/50 và cung cấp các khoản vay để An Gia mua lại các dự án mới.
Trước đó, Nhật Bản cũng có hai nhà đầu tư khác là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad công bố hợp tác với Nam Long để đầu tư Dự án Flora Anh Đào (Quận 9) bằng hình thức chuyển nhượng cổ phần.
Một số công ty tư vấn bất động sản và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành cho rằng, so với các nước khác, thị trường bất động sản Việt Nam đang nắm giữ nhiều lợi thế thu hút nguồn vốn nước ngoài. Một khi thị trường bất động sản trong nước vẫn tiếp tục có dấu hiệu ấm dần lên như hiện nay, thì nguồn vốn FDI và vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường này vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn online)
Leave a Reply