Bài toán nan giải cho nhà ở xã hội tại các đô thị
“Nhà ở xã hội thường được thực hiện bởi những người giàu, họ lấy tư duy người giàu để xây dựng dự án nhà ở cho người thu nhập thấp nên thường không hiểu hết được nhu cầu, nguyện vọng của người ở nên dẫn đến thất bại”
Phát triển nhà ở xã hội tại các đô thị là bài toán nan giải hiện nay. Ảnh: Minh Họa.
Đó là quan điểm của ông Nguyễn Hồng Hải, Kiến trúc sư trưởng tập đoàn Becamex IDC (Bình Dương) đưa ra trong buổi tọa đàm “Mô hình nào cho nhà ở xã hội tại đô thị” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức sáng 17/12 tại TP.HCM.
Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại tỉnh Bình Dương, ông Hải chia sẻ, tại Bình Dương, mặc dù nhu cầu nhà ở của những người lao động nhập cư là rất lớn, nhưng thời gian đầu khi xây dựng nhà ở xã hội cũng không có người vào ở.
“Đi sâu vào nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, nhà ở xã hội thường được thực hiện bởi những người giàu, họ lấy tư duy của người giàu để xây dựng nhà cho người thu nhập thấp nên họ không hiểu được nhu cầu, mong muốn phù hợp với người ở nên dẫn đến thất bại”, ông Hải nói.
Ông Hải cho biết, với quan niệm xây dựng căn hộ phải có phòng khách, nhà bếp, ban công… theo khuôn mẫu thì lại đẩy cao chi phí, tăng giá bán nhưng lại không phù hợp với nếp sinh hoạt của người thu nhập thấp. “Do đó, chúng tôi tạo ra một căn hộ dù có diện tích rất nhỏ nhưng lại không bó buộc không gian, người dân có thể thoải mái sinh hoạt mà không bị ràng buộc. Bên cạnh đó, chúng tôi tạo ra một không gian sống có đầy đủ chợ, khu mua sắm, công viên cây xanh, tạo mối liên hệ gần gũi của “tình làng nghĩa xóm” nên người dân vào ở rất đông”, ông Hải nói. Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, thuộc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết, thị trường nhà ở của Việt Nam đang phát triển khá tốt. Cụ thể, nhận xét của Ngân hàng Thế giới mới đây cho thấy Việt Nam có nhiều nỗ lực khi thiết lập được một cơ chế linh hoạt và đa dạng về nguồn cung ở trên nhiều mảng thị trường, nhờ đó có duy trì được tỉ lệ nhà ổ chuột rất thấp đối với một đất nước đang ở giai đoạn phát triển này. Cách làm hiệu quả của Việt Nam đó là cho phép phân lô diện tích nhỏ, nhờ đó người dân có điều kiện cân nhắc giữa vị trí và diện tích sử dụng (trong nhiều trường hợp diện tích sử dụng chỉ 25m2). Có chính sách cho phép tăng diện tích sàn, từ đó cũng tăng diện tích sử dụng mà không cần tăng diện tích đất. Sáp nhập và tăng mật độ các làng ven đô vào khu vực đô thị. Đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng chính tiếp cận các khu nông thôn đô thị hóa. Sử dụng chủ động các đơn vị xây dựng hay nhà thầu nhỏ, tự doanh hiệu quả, chi phí hoạt động thấp.
Về quy định dự án phải dành 20% diện tích cho nhà ở xã hội, tiến sĩ Du cho rằng, cần có sự can thiệp của Nhà nước để hài hòa các tầng lớp cư dân cùng sinh sống trong một khu vực. Nếu cứ để thị trường phát triển tự nhiên dần dần sẽ tạo ra sự phân cực trong xã hội từ đó xuất hiện nhiều hệ lụy.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp tại TP.HCM hiện đang là rất lớn. Nhưng nguồn cung đang thiếu hụt trầm trọng vì sự rườm rà của thủ tục, chi phí giá đất còn quá cao, các chính sách hỗ trợ chưa phát huy hết tác dụng, khiến doanh nghiệp không mặn mà đầu tư. Người thu nhập thấp vay gói 30.000 tỷ còn khó khăn, gói chậm giải ngân trong khi sắp hết thời hạn. Ông Châu kiến nghị, Nhà nước nên xây dựng nhà ở xã hội theo hai hình thức là cho thuê và thuê mua.
Vấn đề dự án buộc dành 20% để xây dựng nhà ở xã hội, ông Châu cho rằng nên có cơ chế linh hoạt để không làm khó doanh nghiệp và không làm giảm giá trị của khu đô thị. “Hiện nay khu Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị Thủ Thiêm có diện tích tới mấy trăm ha nhưng không thể phát triển nhà ở xã hội trong khu vực này”, ông Châu nói.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long cho rằng, các chính sách về nhà ở xã hội của nhà nước hiện nay cơ bản là rất tốt. Nếu thực hiện đúng như những chính sách này thì giá nhà ở xã hội có thể giảm thêm khoảng 20%. Tuy nhiên, hiện cách thức thực hiện chính sách này còn vướng nhiều thủ tục, khó khăn. “Chúng ta cần có một nhạc trưởng, đơn vị đưa ra quyết định nhất quán để doanh nghiệp thực hiện, chứ hiện nay có quá nhiều cơ quan cùng tham gia khiến doanh nghiệp không biết thực hiện theo ai”, ông Quang nói.
Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, phát triển nhà ở xã hội là việc làm của Nhà nước. Nếu Nhà nước không thực hiện được thì nên giao lại cho các doanh nghiệp có năng lực thực hiện và không can thiệp sâu vào mà để phát triển theo cơ chế thị trường. “Những doanh nghiệp nhà nước không hoạt động hiệu quả thì nên giải tán và giao lại cho tư nhân làm”, ông Cương cho biết.
Theo Cafeland
Leave a Reply