Những chuyện cười ra nước mắt khi mua nhà phố xây sẵn
Không ít người trẻ đang đổ về Nhà Bè, Tp.HCM mua nhà phố mới xây với giá chưa đến 1 tỷ đồng/căn. Tuy nhiên, đằng sau những căn nhà giá mềm này là không ít câu chuyện dở khóc dở cười.
Các bảng quảng cáo rao bán nhà phố 1 trệt, 1-2 lầu giá chỉ từ 650-900 triệu/căn, đất nền dự án giá chỉ từ 300-400 triệu đồng/lô treo nhan nhản dọc các tuyến đường từ quận 7 đến Nhà Bè (Tp.HCM). Có khi người mua còn chưa kịp hỏi thì đội ngũ cò đã cam kết ngay là đất thổ cư, pháp lý đầy đủ. Bên bán sẽ lo hết mọi việc từ sang tên, xin phép xây dựng, người mua chỉ làm việc duy nhất là…chồng tiền để an cư.
3 nhà chung một sổ đỏ
Anh Long, đang chỉ đạo đội thợ thi công 3 căn nhà giống hệt nhau nằm bên một con rạch trong hẻm nhỏ của đường Lê Văn Lương (xã Nhơn Đức), cho biết nhà xây không kịp để bán. Trong số 3 căn đang xây dang dở đã có 2 căn khách đặt mua. Mỗi căn 3×10 m2 được xây 1 trệt 2 lầu được bán với giá 900 triệu đồng. Còn lại căn cuối cùng nằm phía ngoài, diện tích nhỏ hơn, lại không vuông vức nên giá rẻ hơn, 750 triệu đồng và không thương lượng.
Sau khi xin phép xây dựng 1 căn nhà, chủ các lô đất sẽ nhân ra thành nhiều căn nhỏ rồi bán cho khách hàng. Ảnh: H.Linh
“Nói nhà đất đóng băng thực ra là người ta nói về các dự án chung cư, chứ tôi xây nhà bán kiểu này từ mấy năm nay vẫn cứ đắt khách và lên giá đều đặn. Tại khu vực này, nếu tính từ cuối năm 2013 đến nay, giá nhà cũng đã tăng khoảng 50%”, anh Long khẳng định.
Anh này cũng cho biết đã làm ăn lâu năm, kể từ khi khu vực này còn là bãi đất trống toàn lục bình, nhưng đến nay đã có hơn 50 căn nhà giống hệt nhau mọc lên và người dân sinh sống ổn định. Khi hỏi giấy tờ, anh cho biết, các căn hộ ở đây đều thuộc diện sở hữu chung. 3 căn nhà anh đang chỉ đạo xây dựng có tổng diện tích chỉ hơn 80 m2 và được cấp 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất duy nhất. Chủ đất chia ra xây 3 căn nhà và mỗi người mua nhà được đứng tên đồng sở hữu trên khu đất này.
Thấy khách tỏ ra lo lắng, anh Long trấn an, ở huyện Nhà Bè giờ làm gì còn nhà, đất được cấp chứng nhận quyền sở hữu riêng, ai cũng phải mua bán theo hình thức này. Đồng sở hữu là hình thức được pháp luật cho phép, và đảm bảo không có chuyện tranh chấp xảy ra. Tuy nhiên, khi hỏi đến chuyện nếu người mua nhà cần thế chấp ngân hàng thì anh này đành…ngậm hột thị.
Một môi giới khác là nhân viên Công ty bất động sản Đại Phát (xã Nhơn Đức, Nhà Bè) cho biết: “Nhà nước đã cấm tách thửa đất nông nghiệp và quy định hạn mức tách thửa ở Nhà Bè nhỏ nhất phải hơn 80 m2, vì thế phần lớn nhà ở đây đều đứng tên đồng sở hữu. Thửa đất nào cũng đều có từ 3-4 hộ đồng sở hữu, thậm chí có chỗ cả 10 nhà cùng đứng chung 1 lô đất”.
Cũng theo môi giới này, ngay cả trụ sở công ty rộng gần 60 m2 cũng không có sổ riêng. Nhưng hàng loạt căn nhà ‘hộp diêm’ ở khu vực này đã có người dân sinh sống ổn định và vẫn tiếp tục được xây dựng. “Tiền nào của đó thôi, nếu muốn mua nhà có sổ riêng thì phải bỏ ra số tiền trên 2 tỷ. Đã có số tiền lớn thì ai dại gì mà về vùng quê sinh sống”, anh này phân trần.
Huyện Nhà Bè có lợi thế là khá gần trung tâm Tp.HCM, giao thông tiện lợi khi có 2 ngã chính là đường Huỳnh Tấn Phát và hướng Lê Văn Lương – Nguyễn Hữu Thọ. Đặc biệt địa bàn này giáp ranh với quận 7 nên được hưởng lợi từ các dự án hạ tầng và khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Cũng nhờ có vị trí đắc địa như vậy nên trước đây hàng loạt dự án bất động sản được các chủ đầu tư triển khai xây dựng tại đây.
Cũng trên trên đường Lê Văn Lương, tại hẻm 1888 có 3 căn nhà ‘dính nhau’ với thiết kế dạng biệt thự hiện đang được một chủ đầu tư rao bán. Giá mỗi căn là 1,4 tỷ đồng có diện tích 3,2×12 m2. Bên cạnh khu nhà này, nhiều căn khác cũng đang thi công những vẫn ở khâu đào móng, xây tường. Người bán cho biết, sở dĩ rao với giá cao là do diện tích sàn lớn và thiết kế cầu kỳ.
“Những người mua nhà ở đây chủ yếu là do họ có nhu cầu ở thực sự, chứ không quan tâm đến giấy tờ, sổ đỏ gì đâu. Với 1,4 tỷ mà được sở hữu nhà biệt thự cách trung tâm thành phố chỉ 10 cây số đâu phải dễ mua được. Chuyện đồng sở hữu không phải là vấn đề to tát với khách mua nhà ở đây”, một cò bán căn nhà này khẳng định.
Một số xã khác của huyện Nhà Bè như Phước Kiểng, Nhơn Đức, nhiều khu dân cư với hàng trăm căn nhà giống hệt nhau được xây dựng với chiều ngang chỉ 3×10 m hoặc 3,2×12 m. Nhà được thiết kế kiểu 1 tầng trệt với đủ bếp, phòng khách, 1-2 lầu với mỗi lầu là 1 phòng ngủ và nhà vệ sinh, tổng diện tích đất từ 30-40 m2, diện tích sàn xây dựng từ 60-70 m2 được chào bán với giá từ 750-900 triệu đồng.
Nhiều rủi ro
Nhân viên công ty môi giới bất động sản Đại Phát (xã Nhơn Đức, Nhà Bè) cho biết, từ 3 năm nay, công ty này đã xây bán hàng trăm căn nhà theo hình thức kể trên. Theo anh này, nhà xây tới đâu là bán hết veo tới đó. Khách mua chủ yếu là các cặp vợ chồng trẻ muốn có chỗ ở ổn định nhưng không thích sống trong các căn hộ chung cư.
Cũng theo nhân viên này, khách đóng tiền, nhận nhà, còn các thủ tục khác liên quan đến quyền sở hữu nhà đều do công ty hoàn tất trong vòng 45-60 ngày, giấy tờ là sở hữu chung.
Tại huyện Nhà Bè thời gian qua, những dãy nhà giống hệt nhau mọc lên như nấm. Ảnh: H.Linh
Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất với người mua nhà giá rẻ ở huyện Nhà Bè lại nằm ở tình trạng ngập úng diễn ra thường xuyên. Chị Ngọc, người vừa bán căn nhà có diện tích đất 40 m2 với giá ngót 700 triệu đồng kể, khi mua nhà, người bán đều khẳng định đất ở khu vực cao, không lo ngập. Nhưng khi về ở, gia đình chị mới tá hỏa vì tình trạng ngập không chỉ diễn ra trong mùa mưa mà liên miên theo triều cường. Mới đầu chị tính ở lâu dài nên xây kiên cố, làm móng chắc chắn. Do đó khi bị ngập, nước lại rút rất chậm. Không thể sống nổi nên chị quyết định bán nhà chuyển đi nơi khác.
Khi treo ảng rao bán ngôi nhà, thấy nhà chị Ngọc đẹp nên rất nhiều người quen tới hỏi mua. Nhưng chị vẫn chưa dám bán vì sợ “méc vốn”. “Sau khoảng 3 tháng rao bán thì tôi cũng gặp được người lạ. Dù giá rẻ hơn só với mức chào 30 triệu nhưng vợ chồng tôi vẫn bán. Bán xong tôi lại thấy xấu hổ vì chủ mới về ở một thời gian gọi điện, nhắn tin than vãn về chuyện ngập. Cả hai vợ chồng tôi đành chấp nhận đổi số điện thoại và không dám quay lại để thăm bạn bè, hàng xóm sống ở xung quanh”, chị Ngọc kể lại.
Một cò đất tên S.T ở xã Phước Kiểng cho biết, để xây dựng được những căn nhà giống nhau như đúc với diện tích nhỏ, thông thường giới đầu tư đã mua gom đất nông nghiệp từ trước, sau đó sẽ tách ra từng thửa khoảng 500 m2 rồi chuyển đổi thành đất thổ cư, xin phép xây dựng cho toàn bộ khu đất với những căn nhà giống nhau như “khuôn đúc”.
“Những căn nhà loại này thường có sổ hồng chung cho tất cả 2-3 căn tùy từng diện tích. Nếu muốn giao dịch mua bán thì chỉ cần nhờ các chủ hộ còn lại cùng ký xác nhận là xong”, ông T. cho hay.
Anh Thản, nhân viên của một công ty xây dựng nhỏ ở quận Thủ Đức kể, anh đang tham gia xây dựng kiểu nhà ở này. Loại nhà này thường làm đồng loạt, chủ đầu tư sẽ tìm cách tiết kiệm hết mức, thậm chí không làm móng mà chỉ xây cột bằng gạch, làm gác giả…, còn vật tư thì chọn loại giá trị thấp. Nếu tính giá thành xây dựng hiện nay thì chỉ cần chưa tới 4 triệu đồng/m2 là đã hoàn thiện được. Do đó nhiều người về ở được một thời gian ngắn là nhà đã có dấu hiệu sụt lún, nứt tường. Nhưng muốn sửa sang lại cũng không dễ bởi phải phụ thuộc vào các nhà cùng vách.
Một cán bộ quản lý đô thị của xã Nhơn Đức cũng thừa nhận chuyện bùng nổ xây dựng nhà hộp diêm trên địa bàn và cho rằng, nếu những lô đất xây nhà không rơi vào khu vực quy hoạch thì các căn nhà đồng sở hữu như vậy vẫn được cấp chứng nhận sở hữu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vị này vẫn khuyến cáo người mua nhà nên tìm cách được sở hữu riêng để tránh rắc rối.
“Thực tế, dù phù hợp với điều kiện của địa phương, nhưng hình thức nhà phố xây nhà này vẫn thuộc diện lách luật. Về mặt dân sự vẫn cho sở hữu chung, nhưng đó là sở hữu chung hợp nhất, tức là một miếng đất hay căn nhà đã có giấy chủ quyền bán cho nhiều người cùng đứng tên chung. Còn kiểu nhà phố cùng một khuôn này là nhiều người sở hữu những căn nhà hay các miếng đất khác nhau trên cùng một mảnh đất, chủ đất vẫn là người giữ giấy tờ nên đương nhiên tranh chấp rất dễ xảy ra”, vị cán bộ này nói.
(Theo Zing.vn)
Leave a Reply