Nên chọn chung cư hay thổ cư ?
Những câu chuyện về sự “vỡ mộng” của các cư dân sinh sống ở những tòa tháp cao chọc trời đã chẳng còn xa lạ. Nhưng ngược lại, nhà đất thổ cư cũng có bất cập riêng – không ít chủ nhân đang ở thổ cư lại muốn tìm tới thiên đường ở trên cao. Mộng an cư của người dân không biết phải gửi gắm nơi nào?
Nhìn rộng thì thấy chung cư thương mại đang ngày càng trở nên “xấu xí” với những ai kỳ vọng về một chốn an cư là nơi được tận hưởng, tái tạo tinh thần – sức khỏe. “Trên” thì chán là vậy, nhưng người bên “dưới” (nhà thổ cư) lại ao ước đánh đổi để trải nghiệm.
Mỗi mét vuông đất ở đô thị Hà Nội đã mặc nhiên được thừa nhận giá trị như một định lý. Bất kể đất xen kẹt, đất dịch vụ hay đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng, đất nằm trong “quy hoạch treo” nhiều năm, chẳng có loại nào bị bỏ trống không được khai thác.
Thổ cư: vừa quý vừa hiếm
Đồ án hạ tầng nào được rốt ráo phê duyệt, mời gọi đầu tư và triển khai, là ngay lập tức giá trị đất tại khu vực liên quan (thuộc hoặc tiệm cận địa bàn được lập quy hoạch) lên một lèo như diều gặp gió.
Còn nhớ hồi năm 2009 – 2010, sốt đất đã xảy ra ở Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh… Đến cuối năm 2013 đầu 2014, tới lượt nhiều xã, thôn ở huyện Từ Liêm (cũ) bỗng gặp cơn bão săn lùng từng ô đất của giới đầu tư nhỏ lẻ đến từ tứ xứ.
Nhà đất thổ cư không chỉ là sản phẩm quý trong mắt người thạo nghề kinh doanh địa ốc mà còn là món hàng “hiếm” với người lao động đang bám trụ ở thủ đô. Với mỗi mức giá thành (tùy vị trí và hạ tầng đi kèm), phân khúc này lại có phổ khách hàng riêng tương ứng.
Ở khu vực trung tâm như các quận nội thành, giá thổ cư có thể lên tới ngót nửa tỷ đồng/m2. Còn những nơi “hẻo lánh” như Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, giá đất thổ cư cũng có thời điểm đạt ngưỡng 30 – 50 triệu đồng/m2.
Quan sát thực tế thì thấy, người chỉ chuộng thổ cư thường có tâm lý và cơ sở lựa chọn như sau: mua được mảnh thổ cư, tự mình thiết kế xây dựng ngôi nhà theo ý thích và toàn quyền sử dụng, trong đó được thay đổi chuyển nhượng khi cần thiết là quan trọng nhất.
Nhà đất thổ cư dù vẫn được ưa chuộng nhưng vẫn có những bất cập nhất định
“Điều đó hoàn toàn khác với nhà chung cư cao tầng, từ cao cấp cho tới bình dân thì giờ giấc sinh hoạt, bạn bè người thân tới thăm bao giờ cũng bị giới hạn, kiểm soát. Thậm chí, nếu muốn thay đổi kết cấu, lắp đặt thiết bị… cũng phải xin phép. Trong khi vấn đề an ninh trong chung cư cũng chưa chắc đã tuyệt đối.
Bạn bè tôi nhiều người sống ở chung cư phải lắp thêm 2 – 3 khóa phụ mỗi khi có việc đi vắng dài ngày hoặc dịp lễ Tết đi chơi”, chủ nhân của căn nhà 2,5 tầng ở phố Gia Thụy (quận Long Biên) có chút tự đắc với lựa chọn của mình.
Bỏ ra khoản tiền suýt soát 2 tỷ đồng để trở thành ông chủ của căn nhà có tổng diện tích sử dụng 52m2 ở Gia Thụy, người này đã từng phải “bám sát” thông tin chủ nhà suốt hơn 2 năm qua.
Cái lý của chung cư
Cho dù thị trường bất động sản vẫn còn lượng hàng tồn dư lớn trong tổng cơ cấu nguồn cung nhưng nhiều dự án (cả cũ – mới) vẫn đang sắp sửa đồng loạt triển khai trong bối cảnh thị trường vừa mới chớm hồi phục thanh khoản.
Ngoài việc bám vào lý do sức cầu nhà ở ngày càng lớn, còn có một cơ sở khác giải thích cho “cơn sóng” rót tiền vào các dự án nhà ở thương mại đang nằm la liệt khắp Hà Nội, đó là: xu hướng chọn chung cư trở nên phổ cập.
Quan sát một số phiên mở bán dự án BĐS thời gian qua thì thấy cả khách hàng trẻ lẫn người có tuổi đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ về cuộc sống chung cư. Tại buổi lễ công bố một dự án mới đây, anh Hải, nhân viên hợp đồng của một công ty tư vấn luật đã đưa ra những phân tích rất kỹ ưu điểm của chung cư thời hiện tại.
Cụ thể là, chung cư rất dễ thiết kế nội thất, trang trí đồ đạc (tùy theo tình hình tài chính lẫn diện tích các phòng). Đương nhiên, nếu chủ nhà muốn thay đổi kết cấu không gian thì vẫn có nhiều cách không cần tác động tới tường – trụ (chẳng hạn như đặt vách kính, bình phong, tủ kệ…). Nhất là những gia đình trẻ muốn dùng ôtô, thì không phải lo lắng chỗ để xe.
PV có buổi khảo sát một số văn phòng nhà đất thuộc tốp “ăn nên làm ra” tại khu vực Đỗ Quang – Nguyễn Thị Định (Cầu Giấy) thì được nhiều môi giới khẳng định, kể cả thời điểm chung cư thương mại gặp nhiều sự cố về hỏa hoạn, mất nước sinh hoạt hay lùm xùm tranh chấp giữa cư dân và ban quản lý, thì lượng khách giao dịch thường xuyên vẫn rất ổn định.
Nếu bỏ qua yếu tố giá thành và tâm lý bất an khi chờ đợi chung cư hoàn thành (đúng tiến độ bàn giao) thì tỷ lệ khách hàng độ tuổi trung niên tìm mua chung cư đã gia tăng đáng kể so với giai đoạn năm 2013 – 2014.
Một nhân viên môi giới “cứng” tên Minh Huệ của sàn giao dịch nằm gần đường Lê Văn Lương, cho hay, tâm lý “sở hữu tấc đất để cắm dùi” giờ chỉ còn là dĩ vãng. Thay vào đó, rất nhiều người ở độ tuổi 55 đến dưới 60 (sở hữu nhà thổ cư ở Hà Nội) đã nhận thấy sự bất tiện của việc cùng chung sống giữa 2 – 3 thế hệ dưới một mái nhà.
“Nhiều người không ngại ngần bỏ ra tiền tỷ để mua căn hộ chung cư cho con cháu, hoặc trực tiếp cả gia đình cùng nhau tới xem căn hộ để lựa chọn tối ưu cuộc sống cho gia đình trẻ độc lập”, anh Long – Trưởng nhóm môi giới của đơn vị này cho biết.
(Theo Thời báo kinh doanh)
Leave a Reply