Thị trường địa ốc cạnh tranh nhau cả…tiền chênh
Người mua nhà ngày càng trở nên thông minh hơn trong các quyết định mua bán của mình. Do đó, ngoài tiến độ, chất lượng, uy tín, chủ đầu tư muốn tạo cạnh tranh cho dự án còn phải đảm bảo những yếu tố “râu ria” khác nữa, trong đó đáng chú ý là “tiền chênh”.
Người mua nhà ngày càng được nâng cao về hiểu biết, nhận thức nhờ sự hiệu quả của công tác phổ biến pháp luật. Các cơ quan truyền thông cũng không ngừng phản ánh chân thực bức tranh sinh động của thị trường bất động sản – góp phần minh bạch, chuyên nghiệp hóa nền địa ốc nước nhà, cũng như hạn chế rủi ro cho khách hàng so với thời gian “tranh sáng tranh tối” trước kia (giai đoạn 2009-2013). Tuy vâyh, thị trường địa ốc không phải đã dẹp bỏ được hết những bất cập vốn có. Chẳng hạn, để cạnh tranh hút khách, không ít dự án buộc phải tạo sức hấp dẫn riêng cho mình bằng giá bán, hậu mãi, lẫn so kè nhau cả về…tiền chênh.
Nhìn lại 7 tháng đầu năm nay, toàn thị trường địa ốc Hà Nội nhan nhản các dự án ra hàng, công bố mở bán. Từ những dự án xưa cũ (nằm thoi thóp, thi công cầm chừng từ năm 2014 trở về trước), hay tươi mới (khởi công, ký kết hợp tác phát triển và phân phối chính thức với nhiều đối tác khác nhau) cũng đều có chung một mẫu số: Giá thành cạnh tranh trong cùng một phân khúc sản phẩm; ưu đãi khuyến mãi phong phú (đặt cọc, thanh toán, tặng nội thất hay hỗ trợ vay tín dụng) và đủ loại thông tin màu hồng về tiến độ thi công, bàn giao hoàn thiện.
Từ mức “chênh thấp”
Tính đến nay, một trong những dự án nhà ở thương mại ăn khách nhất vẫn là cụm HH1, HH2A, HH2B Linh Đàm của Doanh nghiệp Xây dựng số 1 Điện Biên. Tháng 4 vừa qua, HH1 được hàng loạt đơn vị sàn giao dịch tranh đua phân phối sản phẩm với đủ… mức chênh suất căn hộ. Một trong những đơn vị đưa ra mức chênh “hấp dẫn” là Hưng Việt Land với thông báo: “Bán căn hộ tại chung cư HH1 Linh Đàm giá rẻ, tiền chênh chỉ từ 5-80 triệu đồng/căn”. Theo thông tin trên website của đơn vị này, giá gốc căn hộ của dự án cũng rất đa dạng: tầng từ 2-4, 12A (tầng 13), tầng từ 17-20 có giá gốc là 15 triệu đồng/m2; tầng từ 5-16 có giá 15,5 triệu đồng/m2; tầng từ 21-28 giá gốc là 14,5 triệu đồng/m2…
Thị phần môi giới bất động sản đang bước vào chu kỳ cạnh tranh bằng… sự minh bạch?! Ảnh: motthegioi
Tháng 8/2015, qua bàn tay của sàn giao dịch Âu Lạc, hơn 400 căn hộ và kiốt của các tòa HH2B, HH2C Linh Đàm đã được cộng thêm vài trăm triệu tiền chênh vào hóa đơn thanh toán gửi cho khách hàng. Theo đó, mức chênh thấp nhất là 40 triệu đồng/căn đối với căn penthouse HH2B diện tích mini (gần 46m2, tổng giá trị khoảng 632 triệu đồng). Trái ngược với căn penhouse “giá bèo” này, dòng sản phẩm kiốt ngay gần kề (tòa HH2C) có giá chênh lên tới 1,7 tỷ đồng (tại ô góc Đông Bắc; diện tích 40m2; giá gốc là 30,3 triệu đồng/m2). Không tự tin công khai như vậy, những dự án “vàng” lại được đội quân phân phối tư vấn một cách âm thầm tới từng khách hàng riêng lẻ (nhằm đảm bảo an toàn cho sàn lẫn chủ đầu tư? – PV). Trong khi đó, dự án 219 Trung Kính lại sẵn sàng “rỉ tai” khách mua về mức tiền chênh 3 triệu đồng/m2 nếu khách đồng ý khớp giao dịch. Còn dự án Pandora 53 Triều Khúc lại là những nét chấm phá thực tế nhất về kiểu tư vấn mới của các sàn, cá nhân môi giới về tiền chênh vốn dĩ là một thuật ngữ “nhạy cảm” với từng dự án giữa thời điểm bung hàng, huy động vốn.
Đến cam kết không thu phí bán hàng
Cách đây không lâu, nhiều sàn giao dịch dùng thuật ngữ “phí tư vấn” như một dạng thức mới để tạo doanh thu riêng cho đơn vị. Điển hình, như PV trang TBKD từng phản ánh, tại dự án căn hộ bình dân 89 Phùng Hưng, Hà Đông, đơn vị phân phối Phú Tài Land đã thu khoản tiền trị giá 30 triệu đồng/căn từ khách mua và được tính là phụ thu phí bán hàng (chưa VAT).
Tuy nhiên, theo anh Hoàng Huy, một nhà đầu tư nhìn nhận thì, “tính chất sản phẩm chưa thực sự thuyết phục người mua (chưa hoàn thiện dự án, hoặc quá khứ “bất tín” của chủ đầu tư, chênh cao) nên dự án có thanh khoản thấp – nhà phân phối cực chẳng đã mới phải dùng tới những hạ sách trên”.
Vào thời kỳ mới, đặc biệt là từ tháng 7/2015 cho tới nay, một số dự án (tầm trung, cao cấp) đã tránh đi vào vết xe đổ của thị trường phân phối. Thay vào đó, các doanh nghiệp đua nhau khẳng định độ chuyên nghiệp ngay khi trao quyền bán hàng cho các đơn vị phân phối trung gian.
Có thể điểm qua như, dự án Capital Garden 102 Trường Chinh (Kinh Đô TCI làm chủ đầu tư) hiện đang cấp tập bán số lượng căn hộ cao cấp còn lại của dự án mà theo chủ đầu tư là với giá gốc (27,94 triệu đồng/m2 đã bao gồm nội thất, chưa VAT).
Dự kiến đến tháng 12/2015 dự án sẽ bàn giao, bộ phận bán hàng của chủ đầu tư khẳng định: “Trước đây, dự án được giao cho G5 phân phối. Thế những hợp đồng với G5 đã kết thúc từ tháng 9/2014. Do đó, muốn mua sản phẩm thì khách hàng cần đến trực tiếp Kinh Đô TCI. Mức giá vừa nêu là giá vào hợp đồng, không có thêm bất cứ khoản phụ thu nào khác như phí tư vấn hay phí bán hàng”.
Một trường hợp khác là dự án GoldSilk Complex Vạn Phúc (Hà Đông). Dự án này mới ra mắt thị trường gần đây, do Siêu thị dự án và An Việt Hưng phân phối. Anh T, một nhân viên của sàn An Việt Hưng cho biết: “STDA hiện đang tạm ngừng tham gia phân phối nên bên em giờ trở thành sàn phân phối độc quyền dự án này. Anh yên tâm, sàn An Việt Hưng có cam kết bán đúng giá gốc của chủ đầu tư, không thu thêm phí môi giới hay bất kỳ loại phí nào khác đối với khách mua…”
Tương tự, dự án VPLand (do Imperia Garden phân phối trực tiếp) cũng quảng cáo về độ chuyên nghiệp của mình: “Cam kết không có giá chênh, không thu phí của khách hàng, hỗ trợ khách hàng làm các thủ tục vào tên hợp đồng mua bán trực tiếp”.
Ngay cả đơn vị trực thuộc của VPBank (bảo trợ tài chính cho dự án) cũng lên tiếng về cam kết “không chênh, không thu thêm phí của khách”.
Những động thái trên của doanh nghiệp đã cho thấy sự cần thiết của tính minh bạch, công khai trên thị trường bất động sản, thậm chí giờ đây nó còn lan tới cả… nhà băng.
(Theo Thời báo kinh doanh)
Leave a Reply