Khách hàng khó tiếp cận được gói tín dụng 30.000 tỷ đồng
Sau khi nới lỏng điều kiện cho vay cùng với việc tăng cường thêm nhiều ngân hàng tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, những người có thu nhập thấp ổn định đã có nhiều cơ hội hơn nếu muốn được vay gói tín dụng ưu đãi này để mua nhà, tuy nhiên thực tế lại không như kỳ vọng.
Tính đến nay, dư nợ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chỉ ở mức khiêm tốn. Ngoài việc nhiều ngân hàng không mặn mà cho cá nhân vay vốn vì lo ngại rủi ro nợ xấu, còn có hiện tượng các khách hàng bị “bắt chẹt” khi làm thủ tục vay nên khó tiếp cận được vốn.
Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng triển khai được khoảng hơn 1 năm, với sự tham gia giải ngân của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV và trước đó còn có cả MHB khi chưa sáp nhập vào BIDV), dư nợ tín dụng vẫn tăng khá chậm. Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đồng ý cho phép 14 ngân hàng thương mại cổ phần khác được tham gia giải ngân gói tín dụng trên, gồm có: BaoVietBank, PVComBank, Eximbank, SCB, TPBank, SHB, NamABank, SeABank, VPBank, OCB, ACB, VIB, VietBank và LienVietPostBank. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng thực ra cũng không được cải thiện là bao.
Tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ quá chậm vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các ngân hàng “bắt chẹt” người mua nhà
Một số cá nhân vay vốn gói hỗ trợ phản ánh, khi họ hỏi vay từ gói 30.000 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa nhà ở, nhiều ngân hàng đều lắc đầu, vì lo ngại nợ xấu. Ngoài ra, các nhân viên ngân hàng cũng khéo léo tìm cách “lái” khách hàng sang vay các gói tín dụng thương mại ưu đãi nhưng không có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Trong khi đó, một số ngân hàng được giải ngân gói 30.000 tỷ đồng lại cho khách hàng vay ở một hạn mức khá thấp, kèm theo điều kiện người vay phải mở một tài khoản tiết kiệm mới tại ngân hàng này và gửi vào một khoản tiền tương đương. Điển hình là trường hợp của một khách hàng tên Nguyễn Văn H. (ngụ tại Tp.HCM). Theo anh H., thu nhập của 2 vợ chồng anh vào khoảng 10 triệu đồng/người. Với nguyện vọng mua một căn nhà để ở, vợ chồng anh H. đã tham khảo những dự án chung cư có mức giá phù hợp và quan trọng nhất là phải được vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 5%/năm. Sau khi tìm kiếm, vợ chồng anh H. quyết định mua căn hộ 55m2, có giá khoảng 950 triệu đồng của Dự án Flora Anh Đào (Quận 9, Tp.HCM).
Dự án Flora Anh Đào của công ty Nam Long hiện được một số các ngân hàng liên kết tài trợ vốn, sẵn sàng cho người mua vay tiền để mua căn hộ thuộc dự án này. Trong đó, có ngân hàng Vietcombank và TPBank cam kết cho vay theo chương trình giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thu nhập của vợ chồng anh H. vượt quá 9 triệu đồng/tháng, không thuộc đối tượng thu nhập thấp theo quy định vay vốn gói hỗ trợ nên Vietcombank không chấp nhận hỗ trợ cho vay. Do đó, anh H đã tìm đến ngân hàng TPBank để nhờ được hỗ trợ tài chính từ gói ưu đãi này.
TPBank đồng ý tài trợ khoản vốn gần 400 triệu đồng cho vợ chồng anh H. trong thời hạn từ 10 – 15 năm. Tuy nhiên, ngân hàng này lại đưa thêm điều kiện để được giải ngân khoản vốn trên là ngoài số tiền anh H. phải đóng cho chủ đầu tư trong 2 đợt đầu, trị giá hơn 200 triệu đồng, còn phải có thêm khoản tiền gửi tiết kiệm được mở tại TPBank với trị giá 250 triệu đồng, lãi suất áp dụng theo bảng lãi suất hiện hành của Ngân hàng.
Thắc mắc về điều này, phía nhân viên của TPBank giải thích, sở dĩ TPBank buộc khách hàng phải mở khoản tiền gửi tiết kiệm nói trên là để đảm bảo khách hàng có khả năng hoàn thành được việc góp vốn mua căn hộ, có như vậy, ngân hàng này mới cho vay phần vốn thiếu còn lại, trị giá khoảng 400 triệu đồng.
Điều đáng chú ý là lãi suất 5%/năm theo gói 30.000 tỷ đồng chỉ được ngân hàng này áp dụng trong khoảng thời gian giải ngân cho vợ chồng anh H., tức là từ giữa tháng 8/2015 đến hết năm nay. Phần lãi suất áp dụng cho thời hạn vay sau thời gian quy định sẽ do TPBank tự động điều chỉnh để phù hợp với lãi suất do NHNN công bố hàng năm, nhưng không vượt quá 6%/năm.
Trong khi đó, trả lời PV trang ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Tp.HCM cho biết, đối với gói hỗ trợ vay vốn 30.000 tỷ đồng giải ngân cho khách hàng cá nhân có thu nhập thấp mua nhà, mức lãi suất 5%/năm được áp dụng kể từ năm 2015 và các năm sau vẫn có thể thay đổi, nhưng tối đa không được quá 5%/năm.
Không chỉ gặp khó khăn về điều kiện cho vay hay lãi suất, nhiều khách hàng cá nhân muốn tiếp cận gói vốn ưu đãi nói trên còn gặp vô số khó khăn khác. Thực tế, đối tượng này rất khó tiếp cận được gói vốn ưu đãi mua nhà, bởi các ngân hàng bao giờ cũng thẩm định chặt chẽ khả năng trả nợ, trong khi đó, những người có thu nhập thấp lại không dễ để chứng minh khả năng trả nợ của mình, cho dù thu nhập ổn định. Mặt khác, vấn đều chứng minh được thực trạng khách hàng có nhà ở hay không cũng là một trong những điều nan giải, nhất là khi ủy ban phường, xã không mấy mặn mà.
Những lý do trên đã giúp lý giải phần nào cho việc tiến độ giải ngân khá chậm chạp. Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho biết, đến hết tháng 5/2015, chỉ có khoảng một nửa gói 30.000 tỷ đồng (khoảng 14.161 tỷ đồng) đã được cam kết cho khách hàng vay. Nhưng thực tế, tổng số tiền đã giải ngân chỉ ở con số 7.621 tỷ đồng (đạt khoảng 25,4%), trong đó, có 17.624 hộ gia đình, cá nhân được vay số tiền là 5.520 tỷ đồng, số còn lại là vốn để cấp cho 33 dự án bất động sản.
Ông Minh cũng thừa nhận, đến hết tháng 5 vừa qua, dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn Tp.HCM đối với gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng chỉ đạt 1.800 tỷ đồng. Tổng số vốn cam kết giải ngân là 3.100 tỷ đồng. Trong khi đó, có khoảng 4.100 hồ sơ khách hàng cá nhân tham gia vay gói vốn trên. Trong tổng số dư nợ 1.800 tỷ đồng nêu trên, có tất cả 3 khách hàng doanh nghiệp được vay với số dư nợ ngân hàng giải ngân chiếm trên 800 tỷ đồng.
Cơ quan quản lý cũng cho rằng, kết quả giải ngân gói hỗ trợ chưa đạt được như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân, trong đó, số lượng dự án nhà ở thương mại (có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc dưới 1,05 tỷ đồng/căn) hiện khá ít tại các địa phương trọng điểm, kể cả hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM. Trong khi thời gian qua, thị trường ghi nhận thực trạng một số doanh nghiệp đã lợi dụng gói hỗ trợ này để trục lợi khiến đối tượng chính của gói hỗ trợ là người thu nhập thấp gặp thêm khó khăn khi tiếp cận gói vay. Điều này cho thấy, cơ quan quản lý hiện vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn doanh nghiệp trục lợi, khiến người thu nhập tháp phải chịu thiệt thòi.
Hiện tại, NHNN đã có chỉ đạo rà soát kỹ quy trình cho vay, việc giải ngân vốn vay để đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng được vay theo quy định và sẽ phối hợp với các địa phương trong việc kiểm tra các dự án nhà ở xã hội trên từng địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nếu có.
(Theo Đầu tư chứng khoán)
Leave a Reply