Cuối năm, hàng loạt BĐS độc và lạ được tung ra
Vào dịp cuối năm, thanh khoản trên thị trường bất động sản (BĐS) tại Hà Nội và Tp.HCM đang có dấu hiệu khởi sắc khi các chủ đầu tư đồng loạt tung ra thị trường những sản phẩm mới lạ, kết hợp với các lợi thế vốn có về vị trí của dự án.
Dịp cuối năm, các chủ đầu tư đồng loạt tung ra thị trường các sản phẩm độc đáo
Có thể nhận thấy, cuộc đua giành khách hàng để khép lại một năm tài chính thành công của các chủ đầu tư BĐS đang diễn ra vô cùng sôi động, trong đó hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều công bố những con số ấn tượng về lượng giao dịch, ngay cả với những dự án mới đang trong giai đoạn đầu khởi công.
Dự án BĐS đắt hàng nhờ “độc và lạ”
Trung tuần tháng 12 vừa qua, tại thị trường Hà Nội xuất hiện mô hình dự án nhà phố liền hề, mỗi căn chỉ cao 5 tầng nhưng chủ đầu tư đã đầu tư lắp đặt thang máy trong mỗi căn hộ để thuận tiện cho người mua sử dụng. Chính nhờ chi tiết này mà sản phẩm của dự án này đạt được lượng giao dịch rất tốt.
Trong khi đó, tại thị trường Tp.HCM, một số chủ đầu tư lại tung ra các sản phẩm cũng “lạ” và “độc” không kém, chẳng hạn gần đây có phong trào “shophouse”.
Đây là dòng sản phẩm hướng tới nhóm khách hàng có điều kiện vì giá mỗi sản phẩm có thể lên tới vài triệu USD. Đây là loại nhà phố thương mại kiểu mới nằm trong các khu mua sắm có quy mô lớn với nhiều tiện ích vượt trội, giáp mặt tiền đường của những khu đất “vàng”. Hiện khu vực phía Đông thành phố, đặc biệt là khu vực Thủ Thiêm có các dự án shophouse đắt giá đang được nhiều khách hàng quan tâm nhất.
Ngoài ra, thị trường Tp.HCM còn xuất hiện loại hình căn hộ officetel – loại căn hộ “lai” giữa nhà ở, khách sạn và văn phòng với đầy đủ tiện ích khép kín của khu dân cư và tính năng thương mại cao, không cứng nhắc như các khu văn phòng thuần túy.
Căn hộ officetel là sản phẩm được các nhà phát triển BĐS định vị là sản phẩm còn “non trẻ” trên thị trường Việt Nam, với diện tích nhỏ nhất là 25m2 và lớn nhất khoảng 200m2, có giá chào bán từ 900 triệu đến vài tỷ đồng một căn.
Trong khi đó, một số chủ đầu tư lại hướng vào tầng lớp trung lưu khi tung ra dự án nhà theo kiểu nông trại mini, thường nằm cách khu vực trung tâm thành phố vài chục km.
Mỗi lô đất của các dự án dạng này có diện tích khoảng 500 – 700 m2, gồm một căn nhà có diện tích khoảng 80m2, hồ bơi hoặc hồ cá được xây dựng hoàn thiện khoảng 25m2, nhà trồng rau sạch 100m2 cùng vườn cây ăn trái có hệ thống tưới nước tự động, có thể chăn nuôi theo quy mô nhỏ. Dù là sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường nhưng loại nhà ở này cũng nhanh chóng được các khách hàng quan tâm nhờ vào mức giá hợp lý chỉ từ 2 – 3 tỷ đồng.
Chung cư, BĐS nghỉ dưỡng cũng phải “lạ”
Không chỉ những dự án BĐS có quy mô nhỏ, có nhiều điểm mới lạ kể trên, thị trường BĐS cũng đang chứng kiến cuộc chạy đua giữa các chủ đầu tư tại phân khúc chung cư. Ngoại trừ những dự án có vị trí đắc địa của các chủ đầu tư đã có tên tuổi trên thị trường hiện nay như Vingroup, FLC… vẫn giữ được tính thanh khoản đều, một số dự án BĐS khác không có được lợi thế trên, buộc chủ đầu tư phải “tung” ra các chiêu “lạ” và “độc” để thu hút khách hàng.
Điển hình và cũng là cách được nhiều chủ đầu tư áp dụng nhất hiện nay là phương thức thanh toán khi mua căn hộ. Tại một số dự án, chỉ cần khách hàng đóng tiền khoảng 10 – 20% là đã có thể nhận nhà, hoặc khách có thể trả chậm trong vòng nhiều năm, trong đó được miễn tiền lãi trong 1 – 2 năm đầu.
Thậm chí có một số dự án còn miễn phí toàn bộ tiền mua một căn hộ chung cư, với điều kiện là khách hàng phải mua một căn liền kề trong cùng dự án. Đây là “chiêu” đã từng được chủ đầu tư Splendora áp dụng và mới đây nhất là Gamuda cũng thực hiện.
Trong khi đó, vì thanh khoản không được như kỳ vọng buộc một số chủ đầu tư phải giảm giá bán, đồng thời tặng thêm cho khách hàng một chiếc ôtô có giá trị khi mua căn hộ.
Tại phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, một số chủ đầu tư còn cam kết thuê lại hoặc cho thuê lại biệt thự của khách hàng với mức lợi nhuận lên tới 10 – 12%/năm, cao gần gấp hai lần lãi suất của ngân hàng. Một số chủ đầu tư khác còn tặng khách hàng một nửa diện tích lô đất với điều kiện khách phải đóng tiền một lần.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, các phương thức bán hàng “độc và lạ” của chủ đầu tư đều nhằm một mục đích là tăng thanh khoản cho dự án. Đây là một việc cần được khuyến khích vì thực chất của việc này là chia sẻ lợi ích giữa khách hàng và chủ đầu tư.
“Nếu một dự án mà chủ đầu tư cứ khăng khăng đòi lãi 20 – 30% mà không bán được thì không bằng dự án chỉ lãi 10 – 15% nhưng chưa làm xong đã hết hàng”, ông Nam nói.
(Theo Vneconomy)
Leave a Reply