Đà Nẵng : Dân không mặn mà với nhà ở xã hội vì giá quá cao
Theo ông Trần Thọ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, các dự án chung cư cấp cho người nghèo thì có rất nhiều người dân nộp đơn, nhưng khi bán nhà ở xã hội thì cả công chức và người dân đều không mặn mà vì giá quá cao.
Chiều ngày 9/12 vừa qua, Đà Nẵng tổ chức kỳ họp thứ 15, HĐND TP Đà Nẵng. Trong nội dung báo cáo, ông Lê Quang Hùng – GĐ Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết mặc dù thí điểm bán nhà ở xã hội từ tháng 4 nhưng đến nay Đà Nẵng mới chỉ bán được 41 trong tổng số 286 căn hộ. Theo ông Hùng, số người mua ít ỏi này là do: chủ trương của TP là tạo điều kiện cho những hộ dân bức xúc vì nhà ở, nhưng người có nhu cầu lại không có đủ tiền, ngoài ra thủ tục vay vốn ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn.
Được biết, tại Đà Nẵng, giá bán nhà ở xã hội bình quân 1m2 sàn: 7.285.500 đồng/m2, có sử dụng hệ số K theo vị trí tầng. Như vậy mỗi căn hộ sẽ có giá dao động từ 350 – 450 triệu đồng, diện tích từ 51,4 – 57,6m2.
Các tiêu chí để người dân được mua nhà ở xã hội bao gồm: chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội; chưa được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức hoặc đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng nhà ở có diện tích bình quân hộ gia đình dưới 8m2 sàn một người. Đặc biệt, các hộ gia đình phải đảm bảo thanh toán (gồm cả vay vốn) ngay lần đầu 100%.
Chính phủ đã đồng ý chủ trương bán nhà ở xã hội mà Đà Nẵng đề xuất. Ảnh: Nguyễn Đông
Về bài toán chậm bán nhà ở xã hội, theo ông Hùng, thành phố đã mở rộng các đối tượng áp dụng được mua nhà ở xã hội, làm việc với các ngân hàng để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, thông tin rộng rãi cho người dân về việc thành phố bán nhà chung cư… Đến nay, thủ tục bán nhà đã có nhiều thuận lợi hơn, đã có 99 trường hợp nộp đơn đăng ký mua nhà, trong số này, 19 trường hợp không đáp ứng điều kiện ngân hàng cho vay nên đã chủ động rút hồ sơ.
Tại cuộc họp, ông Trần Thọ – Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nói: “Tôi phân vân không biết có phải do thành phố bán đắt quá nên người dân và cán bộ vẫn không thích mua. Bán nhà ở xã hội ít ra phải bằng và thấp hơn”.
Đặt giả thuyết liệu có phải do người dân không thích ở chung cư, ông Thọ cho rằng đây chỉ là một phần lý do, vì thực tế khi thành phố có chủ trương cho thuê nhà chung cư với người nghèo, đã có rất nhiều cán bộ công chức nộp đơn xin. Ông cũng đưa ra dẫn chứng về việc có hỏi một số người dân và nhận được phản ánh họ không mặn mà là do mức giá nhà ở xã hội quá cao.
“Họ nói giá bán nhà ở xã hội như vậy là cao quá vì với số tiền đó thà mua đất tự xây nhà ở còn thích hơn. Không có giải pháp thì các căn hộ đã phải bỏ tiền tỷ ra xây không có người sử dụng, lâu ngày sẽ xuống cấp, gây lãng phí. Do đó, Sở Xây dựng phải tham mưu cho UBND TP để có thể đẩy nhanh nghiên cứu điều này. Chứ không đến năm sau sẽ vẫn nói lại câu chuyện không bán được nhà ở xã hội”, ông Thọ phát biểu.
Về việc bán đấu giá 300 lô đất cho cán bộ công chức, theo ông Nguyễn Điểu, GĐ Sở Tài nguyên Môi trường, đây là một chủ trương tốt nhưng đến phút cuối lại không thực hiện được. Hiện Đà Nẵng mới chỉ bán được tất cả 142 lô đất, trong đó có tới 69 lô được mua bởi công chức.
“Chủ trương là bán đất cho các cán bộ công chức, nhưng giờ luật mới lại yêu cầu phải đấu giá công khai. Mà khi tổ chức đấu giá thì người dân cũng tham gia mua, người mua đi bán lại trà trộn vào đấu giá trúng sẽ khiến mục tiêu đề ra không đạt được. Một khi đã đấu giá công khai thì ai trúng phải bán cho người ta. Do đó, giờ phải tìm cách đấu giá khác phù hợp hơn”, ông Điểu phân tích.
Hiện nay TP Đà Nẵng đã hoàn thành và tổ chức bàn giao hàng nghìn căn hộ chung cư cho người dân, tuy nhiên mới chỉ có 48 trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất, chung cư (sổ đỏ). Theo Sở Xây dựng, TP đã kêu gọi 5 doanh nghiệp địa phương tham gia nhà ở xã hội, xây 37 khối nhà. Thế nhưng, nhà đã bàn giao cho người dân mà các chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện xong các thủ tục hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án, do đó Sở Tài nguyên Môi trường không có cơ sở để cấp sổ đỏ cho dân.
(Theo Vnexpress)
Leave a Reply