BĐS Tp.HCM có dấu hiệu trầm lắng
Những tháng gần đây, dù lượng dự án bất động sản từ trung đến cao cấp vẫn được các chủ đầu tư tích cực tung ra thị trường nhưng lượng tiêu thụ đã bắt đầu có dấu hiệu trầm lắng hơn so với hồi nửa đầu năm.
Báo cáo tổng kết quí III/2015 của Công ty CBRE Việt Nam cũng cho thấy, trong quý III, Tp.HCM có khoảng 10.000 căn hộ đã được chào bán ra thị trường. Đây là lượng căn hộ đến từ 26 dự án, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, lượng căn hộ giao dịch thành công trong quý này đạt khoảng 7.800 căn, giảm khoảng 2.200 căn so với quí II trước đó.
Kết quả khảo sát của trang TBKTSG Online tại các sàn cũng cho thấy, hiện tượng suy giảm diễn ra tương tự như kết nghiên cứu thị trường nêu trên của CBRE Việt Nam.
Cụ thể, theo đại diện một số sàn bất động sản Tp.HCM, trong 2 tháng gần đây (tháng 7, 8) lượng mua căn hộ cao cấp, trung cấp bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Đầu tiên phải kể đến tác động của yếu tố tâm linh vào tháng Bảy âm lịch, rơi vào tầm tháng 8 dương lịch gây ảnh hưởng đáng kể đến lượng người mua nhà. Nhưng nguyên nhân lớn hơn lại liên quan đến vấn đề pháp lý khi nhiều khách hàng không muốn đặt mua nhà hình thành trong tương lai vì chủ đầu tư không cung cấp được chứng thư bảo lãnh của ngân hàng theo như quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
Những vị khách nước ngoài đang tham quan, tìm hiểu một dự án căn hộ cao cấp tại Tp.HCM. Ảnh: Mạnh Tùng
Vị Phó TGĐ của một doanh nghiệp kiêm sàn giao dịch lớn tại Tp.HCM tiết lộ, giai đoạn sôi động nhất là hồi đầu năm nay, mỗi ngày sàn bán được 7-8 căn hộ còn thời điểm hiện tại họ chỉ bán được từ 3-4 căn. Cá biệt, theo tìm hiểu của PV, một số dự án căn hộ cao cấp tại quận 7 ế hàng không bán được.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA) cũng cho biết, dự kiến từ cuối năm nay đến 2017, nguồn cung trên thị trường bất động sản Tp.HCM sẽ tăng mạnh, thị trường có thể sẽ đón nhận thêm khoảng 59.200 căn hộ đến từ 90 dự án hiện có và các dự án dự kiến sẽ triển khai. Đáng chú ý, trong số những dự án tương lai có khá nhiều dự án thuộc phân khúc bất động sản cao cấp. Ông Châu dự báo, điều này sẽ khiến thời gian tới các doanh nghiệp có sự cạnh tranh rất quyết liệt.
Thực tế, trong một số hội thảo về bất động sản tổ chức gần đây, vấn đề này đã được nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo. Theo đó, các chuyên gia nghi ngại sự thừa thãi nguồn cung căn hộ cao cấp sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là sự “bão hòa” của thị trường. Khách hàng khi đó sẽ không vội xuống tiền mua căn hộ mà sẽ nghe ngóng, chờ đợi thị trường vì không còn sợ khan hiếm hàng.
GĐ Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu của CBRE Việt Nam – bà Dương Thùy Dung cho biết thêm, nếu chỉ xét theo khu vực thì trong quí III vừa qua, nguồn cung sản phẩm mới ở phía Nam (bao gồm các quận 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè) chiếm khoảng 36% trong tổng số nguồn cung mới, trong khi khu phía Đông đang khá sôi động trong thời gian gần đây lại chỉ chiếm 29% trong quí này.
Cũng theo bà Dung, nghiên cứu của CBRE Việt Nam trong quí III vừa qua còn ghi nhận tình trạng nhiều dự án đã bị trì hoãn lâu năm nay được tái khởi động bởi chủ đầu tư mới bằng cách rót thêm vốn hoặc thiết kế lại căn hộ và diện tích. Đơn cử như trường hợp của dự án City Gate Towers (Quận 8), dự án Linh Tây Tower (Quận Thủ Đức) hay dự án C.T. Plaza Nguyên Hồng (Quận Gò Vấp)…
Trong khi đó, một đại diện khác của CBRE Việt Nam là ông Marc Townsend thì nhận định, hiện tại, vẫn chưa có dấu hiệu nào thể hiện sự tăng trưởng rõ nét về lượng mua nhà từ người nước ngoài, do họ vẫn đang chờ các chi tiết hướng dẫn thi hành cụ thể. “Sự chuyên nghiệp, ngoại ngữ tốt, và tạo điều kiện thuận lợi khi thanh toán bằng thẻ tín dụng sẽ là vài trong số các yếu tố chủ chốt khi người hàng nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam”, ông Marc Townsend nói.
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online)
Leave a Reply