Thị trường bất động sản sẽ dậy sóng vào cuối năm do lượng kiều hối
TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo, thị trường bất động sản (BĐS) trong nước từ nay đến cuối năm 2015 sẽ “dậy sóng” vì nguồn vốn nước ngoài vào thị trường khá lớn. Nhất là thời điểm cuối năm cộng đồng kiều bào ở các nước muốn mua nhà ở tại các TP lớn sẽ không hề nhỏ.
Sáng 14/9, hội thảo chủ đề “Mở nút thắt cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam” được tổ chức tại Tp.HCM. Nhìn chung các ý kiến từ phía nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tham gia hội tháo đều nhận định, Luật Nhà ở 2014 có độ mở rất lớn để kích thích nguồn tiền nước ngoài chảy vào thị trường địa ốc.
BĐS cho người nước ngoài quá im ắng
Theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, thị trường hiện nay đang có sự chuyển dịch dòng vốn rất mạnh từ các kênh như vàng, chứng khoán sang đầu tư BĐS, bởi nhiều người vẫn cho rằng đây là một kênh đầu tư an toàn và sinh lợi nhất hiện nay tại Việt Nam. TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo, thị trường BĐS trong nước từ nay đến cuối năm 2015 sẽ “dậy sóng” vì nguồn vốn nước ngoài vào thị trường khá lớn. Nhất là thời điểm cuối năm cộng đồng kiều bào ở các nước muốn mua nhà ở tại các TP lớn sẽ không hề nhỏ.
Trên thực tế, hiện có khoảng 500 nghìn đến 1 triệu Việt kiều ở các nước thật sự muốn trở về quê hương sinh sống khi về già. Trong khi giá nhà tại Việt Nam vẫn tương đối rẻ hơn so với những TP khác trong khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, thu nhập của người Việt ở nước ngoài ngày một tăng cao và muốn đầu tư vào nhà ở tại quê nhà. Có thể thấy, đây sẽ là một cơ hội rất lớn cho thị trường BĐS trong nước kết hợp với những quy định mới cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở dài hạn tại Việt Nam.
Giám đốc dự án của công ty TNHH Savilss Việt Nam Sử Ngọc Khương cho rằng, Luật trên đang mở ra một xu hướng mới trên thị trường địa ốc, đó là các nhà đầu tư và định chế tài chính lớn trên thế giới đang muốn tham gia trực tiếp vào việc đầu tư các dự án BĐS tại Việt Nam mà không phải thông qua các đối tác trong nước.
Ông Khương cho biết, điều này cho thấy thời gian qua đã có nhiều đối tác nước ngoài mua lại cổ phần của các công ty niêm yết và chuẩn bị đầu tư dự án mới tại Tp.HCM. Vì các nhà đầu tư nước ngoài đã có một thời gian khá dài hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam, nên rất am hiểu chính sách, thị trường và doanh nghiệp nội địa. Đây chính là lý do vì sao họ muốn tung ra để chia thị phần BĐS trong thời gian gần đây.
Thị trường BĐS trong nước từ nay đến cuối năm 2015 sẽ “dậy sóng”
vì nguồn vốn nước ngoài vào thị trường khá lớn
Nhưng nói về độ bừng sáng của thị trường địa ốc dành riêng cho người nước ngoài hiện nay, nhiều chuyên gia khẳng định rằng, dù doanh nghiệp trong nước đang thực hiện nhiều chiến lược kinh doanh mới, song vẫn không thật sự “nóng”. Do thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật, nên người nước ngoài nói chung và Việt kiều nói riêng vẫn còn khá e dè khi muốn mua nhà, mà họ vẫn còn nhờ người thân tại Việt Nam đứng tên giống như hàng chục năm qua vẫn làm.
Bên cạnh đó, TS. Đinh Thế Hiển phân tích, Việt kiều rất muốn mua được nhà tại Việt Nam, đặc biệt những vị trí như khu Đông hay khu Nam của Tp.HCM vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của họ. Song, chúng ta đang thực hiện chính sách ưu tiên cho đối tượng này theo hướng nhã từng bước một mà chưa thực sự ổn định. Pháp lý về BĐS đối với người Việt Nam hiện nay đã rất chặt chẽ, nên nếu chúng ta càng siết chặt với người nước ngoài thì sẽ không thể thu hút được nguồn lực tài chính tiềm năng này.
Giảm dần sức hấp dẫn đối với người nước ngoài
Nhắc đến những khó khăn đang cản trở dòng chảy của dòng vốn kiều hối vào thị trường địa ốc Việt Nam, TS. Hiếu cho rằng chúng ta đang thiếu một công cụ lớn nhất trong việc tạo độ an toàn đối với người nước ngoài khi mua nhà trong nước, đó là không có bảo hiểm quyền tư hữu BĐS như một số nước đang làm. Vì theo Hiến pháp hiện nay, việc sở hữu đất là toàn dân và mọi người chỉ được quyền sở hữu nhà và mọi thứ được xây dựng trên phần đất đấy.
Ông Hiếu cho biết thêm, tại nhiều nước các ngân hàng đòi hỏi người mua nhà phải có bảo hiểm này mới được cho vay tiền mua nhà. Nhưng người nước ngoài hiện này vào Việt Nam mua nhà đều bằng tiền tự có chứ chưa được phép vay vốn ngân hàng thương mại.
Trong khi đó, Phó tổng Giám đốc công ty CP địa ốc Phú Long Vũ Hoài Nam nhìn nhận, nhờ chính sách mở cửa thông thoáng nên lượng kiều hối cũng đang chảy mạnh vào BĐS và chiếm khoảng 21,8% tổng số kiều hối chuyển về địa bàn Tp.HCM trong 7 tháng qua. Song, để dòng vốn này chảy mạnh hơn nữa thì Chính phủ cần sớm ban hành những Nghị Định và Thông tư hướng dẫn cụ thể để cơ hội sở hữu nhà cho người nước ngoài dễ dàng hơn; Có hướng dẫn cụ thể cho Việt kiều và người nước ngoài khi bán các BĐS tại Việt Nam và chuyển tiền về nước sở tại; Các ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi và thủ tục nhanh chóng cho Việt Kiều hoặc người nước ngoài.
Còn theo chuyên gia kinh tế và đầu tư Robert Trần, hiện nay rất nhiều công ty đầu tư và Việt kiều đang để mắt đến thị trường địa ốc Việt Nam bằng việc mua sỉ cả một dự án nhà ở hoặc nhà đất riêng lẻ. Nhưng thủ tục vẫn còn đang rối nên họ đành bỏ cuộc và tiếp tục chờ sự hướng dẫn tiếp theo. Các doanh nghiệp trong nước cần thay đổi mô hình kinh doanh, cách tiếp cận cũng như chiến lược bán hàng vì hiện nay cách giải thích về chính sách cho người nước ngoài không thống nhất, điều đó rất khó mà lôi kéo được họ mua nhà. Đặc biệt, ông Robert Trần nhất mạnh, các dịch vụ hậu bán nhà phải được chú trọng vì Việt kiều quan tâm đến yếu tố này trước tiên khi muốn mua nhà ở.
5 nút thắt lớn nhất cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam
– Một là, chậm triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014.
– Hai là, thủ tục hành chính chưa được đơn giãn hóa, tình trạng giấy này đòi phải đi kèm với các giấy “con” vẫn tồn tại.
– Ba là, chưa có quy định bảo vệ quyền lợi của các chủ đầu tư dự án BĐS là kiều bào.
– Bốn là, các quy định về mua bán nhà tại Việt Nam chưa được chuyển ngữ sang ngôn ngữ các nước trên thế giới.
– Năm là, cứng nhắc trong phương thức thanh toán. Người nước ngoài chỉ được chuyển tiền về nước mua nhà nhưng chưa được phép chuyển ra nước ngoài lại sau khi bán hoặc chuyển nhượng nhà ở. Đồng thời, người nước ngoài cũng chưa được vay tiền mua nhà ở từ các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước.
Ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Tp.HCM
(Theo Trí thức trẻ)
Leave a Reply