Phú Quốc cưỡng chế thu hồi đất của dân làm du lịch
Mới đây, cơ quan chức năng huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã cưỡng chế thu hồi đất của một số hộ dân ở khu vực Bãi Dài (xã Gành Dầu) để giao cho nhà đầu tư làm khu du lịch. Đây là diện tích đất được người dân dày công khai phá và đầu tư sản xuất từ mấy chục năm nay.
Sống ra sao khi mất đất?
Ông Mai Văn Hoàng (xã Gành Dầu) bị thu hồi 3.300 m2 đất, trong đơn khiếu nại gửi Huyện ủy Phú Quốc và các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang ông bày tỏ, cả gia đình ông sống nhờ mảnh đất này, bây giờ bị thu hồi gia đình ông sẽ sống ra sao?
Quê của ông Hoàng ở huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang), ông đến Phú Quốc khai phá đất lập nghiệp đã trên 20 năm. Ông cho biết, năm 2002 ông mua thêm đất của bà Đặng Thị Ngọc ở Bãi Dài (khai phá từ năm 1996). Trong những năm bám rừng, bám biển để mưu sinh ông Hoàng được công nhận là nông dân sản xuất giỏi. Thế nhưng, suốt 2 năm qua vợ chồng ông mất ăn mất ngủ khi đất của mình nằm trong quy hoạch khu du lịch sinh thái.
Theo ông Hoàng, vợ chồng ông rất hụt hẫng vì chính quyền địa phương cho rằng đất của gia đình thuộc diện đất rừng đặc dụng bị bao chiếm. Mới đây, đại diện nhà đầu tư đến gặp ông nói cho 200 triệu đồng để dời nhà đi nhưng ông không đồng ý và đã làm đơn khiếu nại.
Tương tự, từ năm 1995, vợ chồng ông Lê Văn Bé ở huyện Hòn Đất đã đến Bãi Dài sinh sống. Lúc đó ông Bé với nhiều cư dân đất liền ra đảo và được chính quyền xem như những người xung phong giữ rừng, giữ đất, giữ biển. Ông Bé cho hay, lúc mới ra đảo vùng Gành Dầu rất hoang vắng. Để mưu sinh, vợ chồng ông đã khai phá đất rồi trồng rau xanh gánh ra chợ “chồm hổm” gần nhà để bán. Suốt 20 năm nay, ông làm việc không ngơi nghỉ để có được trại nuôi chó, nuôi heo, vườn dừa,… Theo lời kể của ông Bé, với mảnh đất rộng 1,4 ha giáp biển và giáp rừng, trung bình mỗi tháng vợ chồng ông thu nhập khoảng 50 triệu đồng từ việc bán vật nuôivà nông sản. Cuối năm 2013, chính quyền địa phương ra thông báo thu hồi đất của ông Bé.
Phú Quốc thu hồi đất của người dân với mức hỗ trợ và bồi thường
thấp để giao cho nhà đầu tư làm khu du lịch sinh thái
Bồi thường đất với mức giá bèo bọt
Mặc dù biển Bãi Dài của xã Gành Dầu rất đẹp. Thế nhưng, bao năm qua không ai quan tâm, cho đến gần đây Phú Quốc rộ lên việc làm du lịch nên đất đai được săn lùng ráo riết. Do đó, Bãi Dài cũng được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái và chính quyền thu hồi đất giao cho nhà đầu tư.
Một người dân ở Bãi Dài bày tỏ, nhà đầu tư đến Phú Quốc để giúp nơi này phát triển người dân rất mừng và luôn ủng hộ. Nhưng họ được giao đất để đầu tư những dự án hàng ngàn tỷ đồng trong khi chúng tôi bị thu hồi đất với giá bồi thường quá rẻ thì thiệt cho chúng tôi quá.
Theo Quyết định cưỡng chế số 3939/QĐ-CC của UBND huyện Phú Quốc, gia đình ông Hoàng bị thu hồi trên 3.300 m2 đất. Sau đó, trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Quốc thông báo số tiền ông Hoàng được nhận là 226 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu người bị thu hồi đất không nhận thì số tiền này được tạm giữ tại kho bạc. Ông Hoàng cho biết, không riêng gì ông mà hơn 60 hộ khác ở Bãi Dài này cũng đang khổ sở với số tiền hỗ trợ quá thấp. Trong khi đất ông ở ổn định gần 20 năm nay, giá mỗi công (1 nghìn m2) trên 5 tỷ đồng mà giờ đây chỉ được nhận được có vài trăm triệu đồng thì lấy gì nuôi gia đình.
Còn trường hợp của hộ ông Bé, ông cũng chỉ được hỗ trợ chưa đến 600 triệu đồng cho 1,4 ha đất bị thu hồi. Theo ông Bé, với thị trường hiện nay thì mảnh đất của ông có giá vài chục tỷ đồng. Với số tiền nhà nước hỗ trợ chẳng thể giúp ông gầy dựng cuộc sống mới trong khi những mảnh đất này sau khi giao cho nhà đầu tư thì họ xây biệt thự bán với giá cả chục tỷ đồng/căn.
Cùng cảnh ngộ, ông Ngô Hiền Lương (37 tuổi, ngụ ấp Gành Dầu) bị thu hồi 1,3 ha đất trồng cây ăn trái và hoa màu cũng chỉ được hỗ trợ hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp khác như ông Dương Thanh Hùng, Trần Trung Hiếu,… sau khi nhận tiền hỗ trợ thu hồi đất đã không mua nổi một căn nhà nhỏ cho gia đình, hiện nay phải làm thuê sống qua ngày.
Thu đất trước, sau đó mới giải quyết khiếu nại
Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Đinh Khoa Toàn cho rằng, hầu hết diện tích đất ở khu vực Bãi Dài thuộc đất lâm nghiệp và do người dân tự lấn chiếm. Ông Toàn kiên quyết, trước mắt, huyện phải thực hiện việc giao đất cho doanh nghiệp để làm dự án vì đã có quyết định thu hồi rồi. Còn các thắc mắc hay khiếu nại của người dân sẽ được giải quyết sau.
(Theo Người lao động Online)
Leave a Reply