Đó là nội dung đáng chú ý trong văn bản đề xuất của Ban Quản lý (BQL) KĐTM Thủ Thiêm gửi tới UBND Tp.HCM.
Cần trách nhiệm bởi quá nhiều thuận lợi
Theo thông tin từ BQL, chi phí tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng KĐTM mới Thủ Thiêm đều từ nguồn vốn vay của những tổ chức tín dụng. Tổng số tiền lãi bình quân mỗi ngày thành phố phải trả cho khoản vay tín dụng này là 2,95 tỷ đồng.
Tờ trình của BQL nêu rõ, nhà đầu tư sẽ có nhiều thuận lợi khi có quỹ đất sạch như không phải huy động vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng, thời gian triển khai dự án ngắn vì không phải làm khâu này. Vì thế, cần phải có quy định về việc ký quỹ và biện pháp chế tài đối với những nhà đầu tư đăng ký tham gia đầu tư dự án ở KĐTM Thủ Thiêm nhưng không triển khai đúng cam kết.
Đề xuất cho thấy, các nhà đầu tư phải đóng tiền ký quỹ từ khi được đồng ý chủ trương cho phép nghiên cứu dự án tới khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cụ thể, tổng số tiền ký quỹ là 20% tiền sử dụng đất tạm tính, con số này được xác định dựa theo quy hoạch 1/2.000 và những chỉ đạo của thành phố về thẩm định giá các khu đất. Tiền ký quỹ được coi là khoản ứng trước của tiền thuê đất hoặc tiền sử dụng đất mà chủ đầu tư phải đóng sau này.
Một dự án nhà ở tại KĐTM Thủ Thiêm đang được thi công. Ảnh: HTD |
Chậm triển khai dự án sẽ tịch thu tiền ký quỹ
Số tiền ký quỹ sẽ đóng thành 3 đợt. Kể từ khi được thành phố cho phép tổ chức nghiên cứu dự án, chủ đầu tư phải đóng 3% tiền sử dụng đất tạm tính vào ngân sách thành phố trong vòng 5 ngày. Trường hợp các dự án chưa có giá tạm tính tính sẽ phải ký quỹ 20 tỷ đồng cho một lô đất.
Tới giai đoạn được thành phố có văn bản quyết định chỉ định hoặc công nhận chủ đầu tư, doanh nghiệp phải đóng tiếp lần 2 cho đủ 10% (trong vòng 5 ngày). Đợt 3 chủ đầu tư đóng thêm 10% sau khi được cấp giấy chứng nhận hoặc giấy chấp thuận đầu tư.
Những nhà đầu tư ngoại khi chưa có pháp nhân ở Việt Nam sẽ đóng tiền ký quỹ vào tài khoản phong tỏa ở một ngân hàng nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam hoặc ngân hàng Việt Nam. Sau đó, nộp lại giấy xác nhận của ngân hàng này cho BQL.
Đối với biện pháp chế tài, BQL đề xuất, nếu đã được thành phố chấp thuận cho nghiên cứu triển khai dự án mà trong 10 ngày chủ đầu tư không đóng 3% tiền ký quỹ ban đầu thì coi như văn bản này hết hiệu lực. Sau khi đã đóng 3% (hoặc 20 tỷ đồng/lô đất), trong vòng 30 ngày làm việc mà nhà đầu tư không trình lên đề xuất dự án hoặc đề xuất không được đồng ý thì văn bản này cũng hết hiệu lực. Lúc đó, nếu thành phố không cho phép gia hạn thời gian nghiên cứu đề xuất thì chủ đầu tư sẽ được hoàn trả số tiền ký quỹ đã đóng.
Bắt đầu từ giai đoạn này trở đi, nếu vi phạm thời hạn đóng tiền ký quỹ còn lại hoặc thời hạn tiến hành thủ tục đầu tư dự án tiếp theo thì chủ đầu tư sẽ bị tịch thu tất cả số tiền ký quỹ đã đóng và không được tiếp tục triển khai dự án.
BQL đề xuất, kể cả khi đã đóng đủ 20% mà chủ đầu tư không triển khai bước tiếp theo để xác định tiền thuê đất hoặc tiền sử dụng đất phải đóng thì cũng bị tịch thu tiền ký quỹ. Thành phố sẽ xem xét thu hồi giấy chấp thuận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho trường hợp trên.
Theo BQL, hiện nay, chưa có quy định cụ thể về việc ký quỹ ở các KĐTM. Nhưng có thể vận dụng những quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng dự án ở các Nghị định về bán đấu giá tài sản; Nghị định về đầu tư xây dựng; Nghị định 48/2010 về giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng; Luật Đầu tư năm 2014; Luật Đấu thầu năm 2013. Đó là những căn cứ để BQL tham khảo khi đề xuất mức tiền ký quỹ là 20% như trên. |
Leave a Reply