BĐS khu Nam Hà Nội vẫn còn nỗi lo ở khâu hạ tầng
Hiện nay, các dự án nhà đất ở khu Nam Hà Nội có mức giá trung bình thấp hơn so với với khu Tây, nguyên nhân là do hạ tầng của khu vực này vẫn chưa thật sự hoàn thiện.
Hàng loạt dự án tại khu Nam Hà Nội được xây dựng mới
Trên thực tế, từ cuối năm 2014 tới nay, cuộc đua của những dự án chung cư phía Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc với sự xuất hiện của hàng loạt dự án như: New Horizon City – 87 Lĩnh Nam, Helios Tower – 75 Tam Trinh, Đồng Phát Park View Tower Hoàng Mai, Star AD1 Lĩnh Nam, South Tower Hoàng Liệt, CT36 Định Công… Hay hàng loạt dự án căn hộ giá rẻ như CP4, VP5, VP6, 12 khối nhà cao từ 36-41 tầng thuộc HH1 tới HH4 khu vực Linh Đàm.
Tuy nhiên, đỉnh điểm của cuộc đua có lẽ chỉ xuất hiện khi có sự góp phần của các ông lớn với những dự án khủng như Gamuda Land với Khu đô thị Gamuda, Khu đô thị Times City của Vingroup… Những dự án này đã gây “tiếng vang” trên thị trường địa ốc phía Nam nói riêng và thị trường căn hộ Hà Nội nói chung.
Thống kế của CBRE cho thấy, lượng mở bán mới trong quý III/2015 tại khu vực phía Nam (quận Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng) chiếm khoảng 48% tổng số lượng mở bán mới. Con số này cho thấy nhà đất khu vực phía Nam Thủ đô đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong quý III/2015, khu vực Nam và Nam trung tâm Hà Nội
chiếm tới 48% lượng mở bán. Nguồn: CBRE
Các chuyên gia đánh giá, nguyên nhân khiến thời gian gần đây khu vực phía Nam thu hút số lượng lớn dự án nhà ở là do khả năng phát triển của thị trường địa ốc phía Nam vẫn còn nhiều cơ hội trong khi khu vực phía Tây đã có sự chững lại sau nhiều năm tăng trưởng nóng. So với các quận khác như Cầu Giấy, Đống Đa, mật độ dân cư ở khu vực phía Nam hiện hữu chưa cao… Ngoài ra, điều quan trọng là những dự án ở khu Nam có mức giá trung bình thấp hơn so với khu vực trung tâm và khu Tây nếu cùng phân khúc.
Tuy nhiên, điểm trừ của các dự án ở khu Nam Hà Nội chính là cơ sở hạ tầng. Mặc dù khu vực này có tốc độ đô thị hóa rất nhanh nhưng hạ tầng giao thông lại đang là một rào cản. Quản lý cấp cao của CBRE Nguyễn Hoài An cho hay, cơ sở hạ tầng giao thông tại đây không thuận tiện bằng khu vực phía Tây hay những khu vực trung tâm. Thời gian tới, tình trạng quá tải sẽ xảy ra khi dân cư chuyển về các dự án.
Phóng viên ghi nhận, hiện nay các tuyến đường như Lĩnh Nam, Minh Khai, Tam Trinh là các tuyến đường được xem là huyết mạch của quận Hoàng Mai. Tuy nhiên, những tuyến đường này vì nhỏ hẹp nên thường xuyên xuống cấp, ùn tắc.
Do đường nhỏ mật độ phương tiện lưu thông lớn, nhiều tuyến đường (màu đỏ) ở khu Nam
thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm
Đặc biệt, một số khu vực phía Nam xuất hiện tình trạng khi những dự án ồ ạt tung hàng đã làm mật độ dân số gia tăng đột biết, phá vỡ về quy hoạch, cảnh quan kiến trúc. Tiêu biểu có thể kể tới những tòa nhà ở Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm của Công ty Xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên như VP4, VP5, VP6 đã được đưa vào sử dụng hoặc 12 khối nhà cao từ 36-41 tầng thuộc HH1 tới HH4 đã và đang được hoàn thanh bàn giao có mật độ xây dựng dày đặc..
Mặc dù hạ tầng nhiều khu vực vẫn chưa có sự hoàn thành nhưng gần đây, hạ tầng giao thông khu vực phía Nam cũng đang ngày càng được cải thiện với một số công trình được xây mới và đưa vào sử dụng như tuyến đường Tân Mai mới, cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, tuyến cao tốc trên cao… Một số chủ đầu tư đã triển khai xây dựng những công trình dịch vụ tiện ích công cộng như Gamuda Land Việt Nam xây dựng công viên Yên Sở và nhà máy xử lý nước thải Yên Sở theo hình thức BT.
Về khía cạnh dài hạn, Quản lý cấp cao của CBRE Nguyễn Hoài An, vấn đề giải quyết giao thông đã được chính quyền quan tâm đến và xúc tiến trong tương lai từ 5-10 năm tới. Đơn cử như hệ thống đường sắt đô thị từ Ngọc Hồi – Yên Viên đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và phân kỳ đầu tư, quy hoạch tuyến đường trên cao từ cầu Vĩnh Tuy tới Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở và tuyến đường vành đai 2.
(Theo Trí thức trẻ)
Leave a Reply