Nhà ở càng gần trường càng có giá ?
Bên cạnh các tiện ích trong quần thể, mỗi dự án (chung cư/tổ hợp thương mại – nhà ở) lại có những đặc điểm riêng về vị trí địa lý, hạ tầng kỹ thuật. Khi được đưa vào “thực đơn” cho khách hàng lựa chọn, hầu hết các dự án đều mô tả rất kỹ yếu tố tiện ích – xã hội: điện – đường – trường – trạm, gần siêu thị/chợ dân sinh.
Đối tượng khách hàng mua nhà (ở hoặc đầu tư) đang ngày càng trẻ hóa, trong xu thế này việc bất động sản gần các cơ sở đào tạo, cơ quan hành chính, giải trí là điều “không thể thiếu”. Khai thác tâm lý này, nhiều dự án đã trở nên long lanh hơn hoặc được làm cho long lanh hơn. Tuy nhiên, không ít cộng đồng cư dân đã sớm “vỡ mộng” về tiện ích xã hội ở các tổ hợp cao tầng, quần thể chung cư đã, đang đi vào hoạt động.
Tìm trường cho con còn lắm gian nan
Tại khu vực Trung Hòa – Nhân Chính, từ các tòa chung cư cao tầng nằm ngay mặt phố Hoàng Đạo Thúy đã có cộng đồng cư dân hiện hữu gần 10 năm qua, tới những dự án đình đám mới hoàn thiện như Mandarin Garden, đều dùng chung tiện ích giáo dục. Đơn cử, hệ thống trường học tiệm cận trong bán kính dưới 1km như trường tiểu học Ngôi sao Hà Nội, trường mầm non Trung Hòa, tiểu học Lý Thái Tổ, THPT Nhân Chính, trường Hà Nội-Amsterdam…
Điểm qua thì thấy, tới cuối năm ngoái, đã có tới hàng chục nghìn cư dân sinh sống tại Trung Hòa – Nhân Chính. Không chỉ quá tải hạ tầng, không gian bị bóp nghẹt bởi siêu thị, nhà hàng, bãi đỗ xe đã được dư luận phản ánh nhiều lần, đâu đó còn thấy những lời than thở của người dân về việc gian nan tìm trường học cho trẻ nhỏ.
Chị Hoa, một người dân mới dọn về căn hộ cao tầng gần 2 năm nay ngậm ngùi khi biết mình đã bị “hớ” vì nghe chủ nhà tô vẽ quá hào nhoáng về cuộc sống đầy đủ mọi tiện nghi hạ tầng nơi đây.
Các công trình tổ hợp chung cư mọc lên liên tiếp ở Hà Nội nhưng số dự án đáp ứng tốt các tiện ích xã hội cho người dân chỉ đếm trên đầu ngón tay
Giai đoạn 2008 – 2010, để được vào học tại các trường dân lập (Tiểu học Lý Thái Tổ được chủ đầu tư Vinaconex xây dựng, khai thác) đã rất khó khăn, vì quá đông học sinh đăng ký. Kể từ sau năm 2010, khi trường được công nhận trường chuẩn quốc gia, thì công cuộc đăng ký nhập học cho con càng gian nan hơn – chị Hoa nhớ lại thời gian xin đăng ký cho con vào lớp 1 học.
Hiện tại, lượng chung cư cao tầng chuẩn bị phục vụ cư dân đang gia tăng gấp bội. Mới nhất, có dự án Diamond Flower (Handico 6 làm chủ đầu tư), chung cư Golden Palace (mặt đường Lê Văn Lương) hay Golden West Lê Văn Thiêm. Còn trước đó không lâu là Hei Tower (Ngụy Như Kon Tum)..
Trong khi đó, cơ sở đào tạo giáo dục cấp phổ thông tại Hà Nội chủ yếu vẫn xoay quanh những cái tên đã “cũ”. Đặc biệt, khi trường chuyên Amsterdam chuyển về mặt đường Hoàng Minh Giám, nhiều dự án cao cấp càng trở nên có giá nhờ vị trí địa lý tiệm cận.
Những dự án như Mandarin Garden, CT4 Vimeco Phạm Hùng hay Eurowindow MultiComplex.. càng “đắt giá” trong mắt người mua. Cho dù, bước chân vào ngôi trường thuộc hàng đầu trong hệ thống giáo dục trung học công lập của Thủ đô là điều không phải con em nào cũng làm được.
Cơ hội cho dịch vụ ăn theo
Với những gia đình trẻ, dù đang ở nhà trên cao hay nhà mặt đất thì việc con cái được gửi gắm vào các trường học, cơ sở học tập (công lập hoặc tư thục) có uy tín vẫn đóng vai trò rất quan trọng. Nhất là với những gia đình chỉ có hai thế hệ (bố mẹ – con cái) dưới một mái nhà thì áp lực đến từ việc học, cũng như quá ít thời gian chăm sóc con cái càng lớn.
Qua chia sẻ của một cô giáo đang tất bật vì vừa học (nâng cao nghiệp vụ) vừa nhận dạy kèm học sinh tiểu học tại nhà, các cháu tham gia học bồi dưỡng chủ yếu là con em của các gia đìn sinh sống ở các khu chung cư trung – cao cấp. Trong đó, sức cầu lớn nhất tập trung ở địa bàn từ Mỹ Đình, Nam Trung Yên, Trung Hòa – Nhân Chính.
Thực tế cho thấy, trước đòi hỏi ngày càng lớn, nhiều cơ sở giáo dục tư nhân và cả quốc tế đã tìm tới khai thác. Những lớp mầm non tư thục mọc lên len lỏi ở các địa bàn kể trên cùng với sự hoàn thiện của các tòa chung cư mới.
Chẳng hạn, ở các con ngõ lớn/đường nhánh của các trục đường Trần Duy Hưng, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Quan Nhân, Chính Kinh hay Khương Trung, Bùi Xương Trạch hiện đã có hàng chục lớp mầm non tư thục mọc lên và hoạt động ổn định vài năm nay.
Hầu hết, những lớp tư thục kiểu này luôn trong tình trạng “học sinh xếp hàng chờ sắp lớp” bởi tiếng lành đồn xa trong cộng đồng cha mẹ. “Gia đình tôi sống ở khu vực ngay cạnh hệ thống trường quốc tế Brendon nhưng học phí quá đắt đỏ, chúng tôi buộc phải gửi tư thục. Từ Hoàng Minh Giám tới gần Ngã tư Sở cũng không quá xa, vả lại gửi cô giáo trông coi giúp luôn cũng tiện” – chị Mai, làm trong ngành chuyển phát nhanh than thở.
Tìm hiểu thực tế, việc tạo dựng một cơ sở giáo dục mầm non tư thục không quá khó khăn. Theo đó, công thức là: thuê nhà thổ cư xây 2-3 tầng mặt phố hoặc trong ngõ rộng, tổng mặt sàn sử dụng đạt từ 100-200m2, sau đó tuyển dụng những cô giáo đã qua đào tạo nghiệp vụ sư phạm liên quan (thậm chí chưa ra trường), và được cấp phép hoạt động của cơ quan chức năng…Những lớp mầm non đã ra đời như thế này và hoạt động hết công suất trước nguồn cầu ngày càng gia tăng mạnh.
Mặc dù thời gian qua, đã có rất nhiều sự cố liên quan tới năng lực, nghiệp vụ, đạo đức của một bộ phận giáo viên tại các tỉnh thành được đưa lên mặt báo khiến các bậc phụ huynh có con gửi mẫu giáo tư thục đôi khi lại “giật mình” thon thót.
Ở Hà Nội, tình trạng giáo viên “bạo hành” trẻ nhỏ đã bắt đầu nguội dần, nhưng mới đây lại xảy ra vụ giáo viên “hỗn chiến” tại trường mầm non ở phố Đông Các.
“Lo lắng thì có đấy, nhưng làm gì có lựa chọn nào khác cho con cái. Ở Hà Nội, đất chật mà người thì càng đông, không nhanh chân thì còn chẳng có lớp mà học anh ạ. Ở Hà Nội, những tổ hợp chung cư có hệ thống giáo dục liên cấp đạt chuẩn như Royal City quá hiếm hoi” – ông Đoàn, ngụ cư ở một tòa cao tầng vừa hoàn thiện tại khu vực Ngã tư Vọng, hiện đang có 2 con vào tiểu học, nhận xét.
(Theo Thời báo kinh doanh)
Leave a Reply