BĐS Tp.HCM sẽ “bứt phá” trong 5 năm tới

Theo dự kiến, Tp.HCM sẽ phát triển thêm 10 nghìn căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020. Riêng trong năm 2015, TP sẽ hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn xây dựng là 312.512m2 và quy mô 3.574 căn.

Đất vùng ven sẽ là lựa chọn của giới đầu tư BĐS

Sáng nay, Sở Xây dựng Tp.HCM đã tổ chức tọa đàm nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Đề án phát triển (BĐS) Tp.HCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn 2030. Tham gia tọa đàm, nhiều đại biểu là nhà đầu tư, chuyên gia nghiên cứu đều nhìn nhận, thị trường BĐS khu vực Tp.HCM đang phục hồi rất tốt và bước vào giai đoạn phát triển mạnh chưa từng có kể từ năm 1996 đến nay.

Cụ thể, TS. Phạm Thái Sơn, làm việc tại Đại học Việt Đức nhận xét, thị trường đang có rất nhiều điều kiện và thời cơ để bứt phá sang một giai đoạn mới. Hiện nay, ngành BĐS đang đóng góp khoảng 8,5% cho kinh tế TP và đây sẽ là một sung lực cho thị trường trong 5 năm tới.

Đồng thời, trong thời gian qua nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào lĩnh vực BĐS liên tục tăng. Riêng ngành BĐS tại Tp.HCM đang thu hút vốn FDI mạnh nhất so với các ngành kinh tế khác, nhiều doanh nghiệp FDI đã mang đến TP những dự án nhà ở và khu đô thị quy mô lớn.

Có thể thấy, điều này một phần nhờ nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang ồn định; lãi suất cho vay đã ở mức tương đối hợp lý hơn cho đầu tư và kinh doanh BĐS; nhiều chính sách riêng cho BĐS đã có hiệu lực thi hành; tăng trưởng đang tăng nhanh và khớp với chu trình phát triển của thị trường; hiện nay thu nhập đầu người tăng lên kéo theo nhu cầu về mua nhà tăng.

Theo báo cáo nghiên cứu của ông Sơn, một yếu tố sẽ tác động mạnh đến độ phát triển bền vững của ngành BĐS TP trong giai đoạn tới phải kể đến tốc độ tăng dân số cơ học hiện nay tại nhiều quận, huyện vùng ven. Kéo theo đó là nhu cầu thực về nhà ở tăng mạnh trong thời gian tới. Nhất là hàng năm TP đã chi đến 25% trong tổng nguồn thu ngân sách để đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông đối ngoại và kết nối TP với nhiều địa phương lân cận đã làm cho sự phát triển dự án BĐS tại các vùng ngoại thành tăng nhanh.

20150910141647 4e95 BĐS Tp.HCM sẽ bứt phá trong 5 năm tới

Tp.HCM sẽ phát triển thêm 10 nghìn căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020

Cũng theo ông Sơn, một vấn đề đáng lưu ý đó là cấu trúc phát triển đa trung tâm của TP đến nay vẫn còn chậm. Tuy tốc độ giãn dân ra vùng ngoại thành ngày càng mạnh, song việc đầu tư cho hệ thống xã hội như các khu tiện ích công cộng, siêu thị, trường học, bệnh viện vẫn chưa theo kịp. Đây là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến quá trình đầu tư và phát triển của thị trường BĐS.
Doanh nghiệp BĐS không còn là “con bò sữa”

Theo báo cáo nghiên cứu ban đầu của nhóm nghiên cứu đại học Việt Đức, doanh nghiệp ngành BĐS đang ở giai đoạn cực thịnh với lợi nhuận từ đầu tư dự án BĐS đang khá cao, vì nhiều yếu tố về chính sách hỗ trợ mang lại.

Nhìn nhận ở một góc độ khác, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, không còn cái thời nhà đầu tư địa ốc nắm quyền lực trên thị trường mà ở thời điểm này thị trường thuộc về người mua.

Cụ thể, có nhiều yếu tố chính tạo tác động lớn cho cộng đồng doanh nghiệp BĐS hiện nay vẫn là khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa được tập trung đẩy mạnh; quy mô dân số cho từng quận, huyện vẫn còn phân bổ theo mức trần và không sát với thực tế; quy định về chuyển nhượng dự án còn rườm rà mất thời gian; quan hệ cung, cầu chưa phù hợp với thị trường; thiếu các công cụ tài chính mới cho thị trường.

Ông Châu phân tích, cùng với đó quy định doanh nghiệp phải thực hiện đền bù đất theo giá thị trường đến từng m2 đất và cơ chế “2 giá đất” quả là một gánh nặng cho bất kỳ ai làm dự án BĐS. Do các quy định như thế mà lợi nhuận đầu tư BĐS của các doanh nghiệp đang teo tóp dần. Trên thực tế, trong hơn 1.500 dự án ngưng trệ trên địa bàn TP thì có đến hơn 600 dự án đang vướng đền bù giải phóng mặt bằng vì không thể thỏa thuận được mức giá phù hợp với người dân.

Từ những phân tích đó, các đại biểu đã đề nghị cần phải có các chính sách mới làm thế nào để phù hợp hơn với thị trường hướng đến sự minh bạch, bền vững và cạnh tranh lành mạnh. Đặc biệt, TP cần ưu tiên các cơ chế, chính sách và giải pháp để phát triển các dự án căn hộ chung cư cho thuê.

Đồng thời, TP cần sớm ban hành bộ dữ liệu thông tin cơ sở về thị trường BĐS. Phải phân tích thật rõ các yếu tố về nguồn cung, cầu như nguồn cầu có khả năng thanh toán và có một phần khả năng thanh toán. Ngoài ra, bộ dữ liệu này cũng phải làm rõ các số liệu về nguồn cung ở từng phân khúc từ bình dân đến cao cấp, hay đất nền và chung cư cho thuê. Để từ đó giúp định hình được quá trình phát triển của thị trường. Đặc biệt, các quy định về giá BĐS cũng cần được hoạch định sao cho phù hợp với quy luật cạnh tranh và quan hệ cung cầu và quy luật về giá trị đất.

(Theo Trí thức trẻ)

Cùng Danh Mục :

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>