Làm lại sổ đỏ, sổ hộ khẩu cho các hộ dân tại phường Nghĩa Tân
Hiện nay, người dân tại 10 tổ dân phố của phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang lo lắng, băn khoăn trước chủ trương chuyển 10 tổ dân phố này với tất cả 1.449 hộ dân về phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm).
Liên ngành thành phố cho biết, lý do chuyển giao vì 10 tổ dân phố nêu trên hiện đang cư trú trên địa giới hành chính phường Cổ Nhuế 1.
Chưa họp dân lần nào
Văn bản chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội cho thấy, vấn đề chuyển giao 10 tổ dân phố (các tổ 34, 35, 36, 38, 39, 40, 56, 59, 60, 61) phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) về phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) được ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao cho Công an Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng UBND các quận triển khai việc giao, nhận khu dân cư.
Do sự chồng chéo về thẩm quyền trong hoạt động quản lý cư trú, việc quản lý dân cư ngoài địa giới hành chính đã phải gặp không ít khó khăn. Hiện tại, toàn bộ những khu vực của phường Nghĩa Tân và phường Cổ Nhuế đều có cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng đều nên Sở Nội vụ mới kiến nghị chuyển 10 tổ dân phố của phường Nghĩa Tân về phường Cổ Nhuế 1 nhằm quản lý theo đúng địa giới hành chính.
Ông Phùng Văn Thệp, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu trong quá trình triển khai giao, nhận 10 tổ dân phố, Công an thành phố, UBND quận Bắc Từ Liêm, quận Cầu Giấy phải tạo mọi điều kiện cho người dân khi bổ sung, điều chỉnh sổ hộ khẩu và những loại giấy tờ khác có liên quan, bảo đảm thống nhất quản lý về giấy tờ, thủ tục theo đúng địa giới hành chính.
Nhưng trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hà Cự, bí thư chi bộ tổ 40 (phường Nghĩa Tân) cho hay, thời gian gần đây, người dân trong phường có nghe nói về việc chuyển giao 10 tổ dân phố về phường Cổ Nhuế 1. Tuy nhiên, thông tin nghe được cũng chỉ là do người này mách người nọ, vẫn chưa có thông báo chính thức từ những cơ quan chức năng.
Theo ông Cự, thông tin người dân nghe được thì chủ trương chuyển giao này nhằm quản lý theo đúng địa giới hành chính của quận Bắc Từ Liêm hiện tại.
Tuy nhiên, 10 tổ dân phố này mấy chục năm nay đã an cư lạc nghiệp trên giấy tờ là phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy). Từ sổ hộ khẩu, sổ đỏ tới việc học hành của con cái vẫn trên danh nghĩa của phường Nghĩa Tân nên chủ trương chuyển giao này làm người dân hết sức lo lắng, băn khoăn.
Hay tại những tổ dân phố khác trong 10 tổ dân phố của phường Nghĩa Tân phải chuyển giao về phường Cổ Nhuế 1, theo nhiều người dân, họ chưa một lần được dự họp phổ biến thông tin về chủ trương chuyển giao này.
Mặc dù chuyển sang phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) nhưng con cái của các hộ dân tại 10 tổ dân phố của phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) vẫn học ở các trường của phường Nghĩa Tân. Ảnh: Xuân Long
Nhiều hộ dân ở những tổ dân phố 35, 36, 38, 39, 40, 56 của phường Nghĩa Tân cho biết, người dân sẽ gặp hàng loạt khó khăn nếu chuyển giao về phường Cổ Nhuế 1. Đó là phải làm lại rất nhiều loại giấy tờ như sổ đỏ, chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu, thậm chí kể cả việc học hành của con cái.
Làm lại nhiều loại giấy tờ nhưng vẫn học tại phường Nghĩa Tân
Trước lo lắng, băn khoăn của nhiều hộ dân phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), trao đổi với phóng viên, phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Phùng Văn Thiệp cho hay, pháp luật quy định, công tác quản lý dân cư phải được tiến hành theo đúng địa giới hành chính. Do đó, việc chuyển giao quản lý cho đúng với địa giới hành chính là rất cần thiết và chỉ mang lại lợi ích cho người dân.
Ông Thiệp cho biết, do lịch sử để lại nên hiện tại, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy đang quản lý 10 tổ dân phố, bao gồm 1.449 hộ dân cư trú trên tổng diện tích 11,4 ha đất, nằm trong địa giới hành chính phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm.
Theo ông Thiệp, UBND TP. Hà Nội năm 2007 có quyết định tạm giao cho UBND phường Nghĩa Tân, UBND quận Cầu Giấy thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với 10 tổ dân phố. Tuy nhiên, 10 tổ dân phố này trên thực tế vẫn thuộc địa giới hành chính của quận Bắc Từ Liêm.
Ông Thiệp cho biết, khi tiến hành việc chuyển giao về phường Cổ Nhuế 1, người dân 10 tổ dân phố ở phường Nghĩa Tân hiện nay chắc chắn sẽ có tâm tư băn khoăn. Do đó, Sở đã đề nghị các cấp cần phải làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân.
Trước thắc mắc khi chuyển về phường Cổ Nhuế 1, những loại giấy tờ như sổ đỏ, chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu của người dân sẽ được giải quyết như thế nào, ông Thiệp cho hay, theo quy định của pháp luật thì các loại giấy tờ này sẽ phải cấp lại, làm lại.
Theo ông Thiệp, vấn đề này đã được chủ tịch TP. Hà Nội giao cho Công an thành phố chủ trì, phối hợp cùng UBND các quận tiến hành trong quá trình chuyển giao. Quá trình đổi lại, cấp lại phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân. “Trong đó, chúng tôi đã kiến nghị miễn các loại phí trong cấp đổi lại các loại giấy tờ”, ông Thiệp nói.
Còn về những lo lắng, băn khoăn phải thay đổi chỗ học của con cái của các hộ dân, ông Thiệp cho biết, liên ngành TP. Hà Nội đã có đánh giá về hạ tầng xã hội như trường học, nơi khám chữa bệnh của phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy khang trang hơn phường Cổ Nhuế 1 nên đã thống nhất đề nghị không thay đổi nơi học của con em 10 tổ dân phố sau chuyển giao.
Ông Thiệp khẳng định: “Chúng tôi đã kiến nghị và chủ tịch UBND thành phố đã có chỉ đạo đối với quận Cầu Giấy về việc này. Như vậy, chỗ học của con em người dân 10 tổ dân phố kể trên không thay đổi, không bị xáo trộn”.
(Theo Tuổi trẻ Online)
Leave a Reply