Những bất cập thường gặp của chung cư bình dân
Nhiều dự án chung cư bình dân đã đi vào sử dụng được các cư dân phản ánh có nhiều bất cập như tường ngăn mỏng, không ngăn được tiếng ồn, quá tải cầu thang, hầm gửi xe…
1. Cầu thang máy quá tải, hầm gửi xe không đủ chỗ
Khu chung cư cao 40 tầng mà anh Hoàng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang sinh sống có hàng trăm hộ dân (mỗi tầng có khoảng 20 căn hộ). Thế nhưng, cả tòa nhà lại chỉ có duy nhất một hầm gửi xe khiến các hộ dân có ôtô đành phải phơi ngoài trời. Thậm chí ngay cả xe máy cũng không đủ chỗ để nên Ban quản lý đã phải dựng thêm bãi giữ xe có mái che ngoài trời. “Thỉnh thoảng tôi lấy thấy có vài vụ cãi cọ vì ai cũng muốn được để xe dưới hầm, đó là chưa kể người về sau để xe chiếm hết chỗ ra khiến sáng ra, những người đi sớm không thể lấy được xe”, anh Hoàng kể.
Không những vậy, số lượng cầu thang máy cũng khó đáp ứng được nhu cầu vào giờ cao điểm cho số lượng hơn 1.000 người dân. Vào giờ đi làm hay lúc tan tầm, chuyện chờ đợi từ 10-15 phút mới có thang và chen chúc là cảnh thường xuyên. Những lúc cầu thang máy phải sửa chữa đột xuất thì tình cảnh còn khốn khổ hơn.
Nhiều chung cư bình dân không đáp ứng tốt các tiêu chí chung về an ninh,
an toàn, chất lượng…khiến người mua thất vọng. Ảnh minh họa
2. Không đảm bảo an toàn cháy nổ
Cuối tuần qua, đến thăm một người quen đang sinh sống tại một chung cư bình dân có tiếng ở Hà Đông, Hà Nội, chị Hương đã phải tá hỏa bế con chạy từ tầng 10 xuống trong khói cháy mà tòa nhà không hề có chuông báo động. Một người bạn của chị Hương cũng tới tòa nhà này nhưng thấy cháy nên không lên được, đến lúc gọi điện lên, mọi người trong nhà còn tưởng chị này đùa, chỉ tới khi ngửi thấy mùi khét và mất điện, mọi người mới hốt hoảng. Vợ chồng chị Hương đành vội vàng bế con nhỏ chạy ra thang thoát hiểm, nhưng tới tầng 7 thì khói không chịu nổi đành phải chạy sang thang bộ của dãy nhà nối liền.
Ở nhiều cung cư, vì lo ngại vấn đề an ninh nên quản lý tòa nhà còn cho khóa bớt cửa dẫn vào lối thoát hiểm (do không có bảo vệ).
3. Cách âm kém
Nhiều dự án chung cư bình dân thường có tường ngăn giữa các căn rất mỏng (tường 10 cm) nên ban đêm, trẻ em nhà này khóc, nhà bên cạnh nghe rõ đến mức chói tai. Không chỉ vậy, phần sàn cũng được cách âm kém nên mỗi khi nhà tầng trên sửa chữa, khoan, đục, băm chặt, giã cua hoặc trẻ chạy nhảy trong nhà hay ngoài hành lang…thì ở tầng dưới thường nghe rất rõ.
4. Tường, trần nhà bị nứt, ngấm
Thường xuyên gặp các sự cố giống nhau của một vài chủ đầu tư, đến mức nhiều thợ thi công quen ở các khu nhà bình dân đã đúc kết ra hàng loạt giải pháp để đối phó với các căn nhà mới ở nhưng chất lượng thô kém.
5. Khu sinh hoạt chung ít được quan tâm
Anh Hoàng cho biết, dù mới nhận nhà chưa đầy một năm nhưng khu vực xung quanh chung cư chỗ anh ở đã rất lộn xộn. Chủ đầu tư dự án không quản lý chặt, cho mọi người tự phát bán trà nước quanh chân nhà, khiến choán hết diện tích lưu thông và gây nhếch nhác khu sinh hoạt chung. Tình trạng này cũng hay gặp ở một số khu chung cư giá rẻ hoặc bình dân khác.
6. Ý thức giữ vệ sinh chung của các hộ dân kém
Chị Hoa (sống trong một khu chung cư ở Mỹ Đình, Hà Nội) kể, khu nhà chị ở có họng đổ rác trong phòng đổ rác khép kín, thế nhưng nhiều gia đình đã không bỏ đúng vào họng rác này mà chất rác bầy bừa xung quanh. Thậm chí, có những gia đình còn bỏ luôn cả vàng mã đang cháy âm ỉ vào họng rác, gây khói và nguy cơ cháy nổ. Chuyện nhiều hộ dân vô tư bỏ nguyên cả cành đào, cành quất vào các họng rác chung cư sau mỗi dịp Tết cũng xảy ra như cơm bữa.
Theo VNE
Leave a Reply