Câu chuyện “Cái cân thủy ngân”, 2,7 kg cua và 3 sợi dây vải
Ba phương pháp đó rất hay, nhưng cách xử lý vấn đề ở bề mặt sẽ không khiến cho con người ta thật tâm muốn thay đổi từ gốc rễ. Người bán cua sẽ “chỉ vì lợi” mà cột cua bằng nùi giẻ, và cũng “chỉ vì lợi” mà thôi không dùng nùi giẻ cột cua. Vậy thì có gì khác biệt? Vậy thì có gì tốt cho văn minh tinh thần của xã hội?
Ngày nay, chuyện gian lận vài lạng cho đến vài cân đã không còn là việc hiếm hoi khi đi chợ nữa… Phải chăng chúng ta “lớn rồi” mà vẫn còn chưa học được bài học của đứa trẻ lên ba?
“Hôm qua 8-1, tôi mua 6 con cua biển ở chợ Tân Sơn Nhất, Gò Vấp, TP.HCM để đãi khách đến nhà chơi. Tất cả là 2,7 kg. Lúc làm cua, tôi tháo ra một đống dây vải. Quá ngạc nhiên, tôi cân mớ dây vải lên, được tròn 1 kg… Cách đây 10 năm, chỉ có sợi dây nilon. Giờ là 3 sợi dây vải. Hai năm nữa sẽ là 5 sợi dây vải và bốn năm nữa sẽ là 7 sợi dây vải? Lúc đó, sợi dây nặng hơn con cua”, đó là lời chia sẻ rất thật của một cư dân mạng về nỗi bức xúc khi phát hiện ra mánh “tăng cân” cua để lấy lời.
Cái chuyện gian lận vài lạng cho đến vài cân đã không còn là “của hiếm”. Nào là 1 kg trái cây mua ở chợ về chỉ còn gần 7 lạng; nào là nhồi cám, cơm, cháo đặc cho căng diều gà vịt; nào là chuyện bơm nước bẩn cho heo, bò căng phồng; nào là nhồi chó ăn đến ngạt thở, nôn ọe trước khi đem bán…
Ngày xưa, những kẻ “thấy lợi quên nghĩa” đều bị người khác khinh bỉ, nhưng đó mới chỉ là lòng tham nhất thời mà thôi. Bây giờ, lòng tham của người ta không phải là nhất thời nữa, mà lòng tham đó là cái lòng tham “toan tính”. Từ cái lợi nhỏ như cái lợi mấy chục ngàn của một con gà, hay cái lợi vài trăm ngàn của mấy cân cua, tới cái lợi lớn như cái lợi hàng nghìn tỷ của những vụ đại án tham nhũng.
Nghĩ đến “lòng tham”, người ta không khỏi bùi ngùi nhớ tới chuyện “cái cân thủy ngân”, một câu chuyện cổ tích “xưa như trái đất” dành cho lũ trẻ… thò lò mũi xanh, nhưng lại xứng đáng để người lớn phải thực sự đọc lại và suy ngẫm:
Ngày xưa, có một nhà làm nghề buôn bán, gian tham chế ra một cái cân cán rỗng, trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết. Khi cân hàng bán cho người ta thì dốc cán về đằng móc, còn khi cân hàng mua của ai thì dốc cán cân về đằng quả. Như vậy một cái cân vừa nặng vừa nhẹ được, và bao giờ phần lợi cũng về mình.
Không bao lâu nhà ấy trở nên giàu có, vì buôn bán lọc lừa. Nhà này sinh ra được hai đứa con mặt mũi khôi ngô, học hành thông thạo. Thiên hạ ai nấy đều khen là nhà có đại hồng phúc. Một hôm hai vợ chồng ngồi bàn với nhau: “Nhà ta bây giờ đã giàu có nhiều, lại được hai đứa con khôn ngoan học giỏi. Bây giờ ta đem phá bỏ cái cân điên đảo kia đi, để dành đức lại cho con về sau”.
Bàn xong hai vợ chồng thuận tình làm lễ sám hối, trên thì cúng Phật, dưới cáo cùng tổ tiên, rồi đem cái cân ra chẻ. Khi chẻ ra, thì thấy trong cái cân có đọng một cục máu đỏ.
Từ đó hai vợ chồng bảo nhau ăn ở tu nhân tích đức, tránh điều dữ, làm điều lành. Nhưng cách đó hai tháng, bỗng một hôm một đứa con lăn ra chết, rồi không bao lâu, đứa con còn lại cũng lăn ra chết nốt. Hai vợ chồng kêu gào khóc lóc thảm thiết, nghĩ rằng mình đã có bụng cải ác vi thiện mà Trời Phật không chứng quả. Rồi hai vợ chồng rầu rĩ khổ sở, cứ ngồi than dài thở vắn, không buồn động đến việc gì nữa.
Xem thêm: Cổ nhân thường nói ‘tích đức, thất đức,’ vậy đức ấy là gì?
Một đêm, hai vợ chồng cùng nằm mơ có ông Bụt đến bảo rằng: “Vợ chồng hãy nên lo toan làm ăn tu tỉnh lại, chớ vội ngồi vậy mà trách Trời không có mắt. Trước Trời thấy chúng mày buôn bán lọc lừa, Trời đã sai hai con quỷ xuống đầu thai phá tan cho hết những của phi nghĩa chúng mày chắt bóp nhặt nhạnh bao nhiêu năm nay. May mà chúng mày sớm biết hối hận, cải tà quy chánh, tránh dữ làm lành, Trời mới sai bắt hai con quỷ ấy về. Đừng thương tiếc chúng nó làm chi nữa. Chúng mày cứ ăn ở ngay lành rồi Trời lại đền cho hai đứa con khác để ngày sau mà nhờ”.
Hai vợ chồng biết thế, không thương khóc con nữa, lại làm ăn như cũ, và lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm, cố gắng làm bao nhiêu điều từ thiện, phúc đức. Quả nhiên sau lại sinh được hai đứa con trai khác. Hai đứa con hiền lành tử tế, văn hay chữ tốt, rồi sau lớn lên, làm cho cha mẹ được vẻ vang sung sướng trong cảnh già.
Quay lại câu chuyện “2,7 kg cua 1 kg nùi giẻ” của chúng ta, cư dân mạng Trần Triều tâm sự: “Theo tôi, có ba giải pháp để loại bỏ điều đáng xấu hổ này: Một là, quản lý thị trường gặp ai bán cua cõng nùi giẻ là tịch thu. Hai là, nông dân, thương lái cần cảm thấy xấu hổ và mất lòng tự trọng khi cột nùi giẻ vào cua. Ba là, người tiêu dùng khi đi mua cua, thấy cua có nùi giẻ thì không mua hoặc bắt tháo nùi giẻ ra mới mua, đắt hơn cũng được. Cả ba phương pháp sẽ đẩy lùi được hiện tượng quái dị đó.”
Ba phương pháp đó rất hay, nhưng cách xử lý vấn đề ở bề mặt sẽ không khiến cho con người ta thật tâm muốn thay đổi từ gốc rễ. Người bán cua sẽ “chỉ vì lợi” mà cột cua bằng nùi giẻ, và cũng “chỉ vì lợi” mà thôi không dùng nùi giẻ cột cua. Vậy thì có gì khác biệt? Vậy thì có gì tốt cho văn minh tinh thần của xã hội?
Con người ta sống vì lợi ích thì cũng không tính là sai, cuộc sống của nhân loại vốn là như vậy. Nhưng mong rằng người ta sẽ “vì đạo đức” mà giữ gìn trách nhiệm, “vì lương tri” mà có thể cất lên tiếng nói chân thành trước cái ác, “vì thanh thản” mà không làm điều xấu, chứ đừng nên quá “trọng lợi”.
Quang Minh
Dự Án Kinh Doanh |
Tin Tức Giải Trí |
Nghề nghiệp Kinh Doanh |
Pháp luật Đời Sống |
Chính sách Kinh Tế |
BUSINESS – CỔNG THÔNG TIN VỀ VẤN ĐỀ KINH DOANH , THƯƠNG MẠI, KHỞI NGHIỆP MỚI NHẤT, GƯƠNG MẶT DOANH NHÂN VÀ NHỮNG BÀI HỌC TRONG THỰC TIỄN QUẢN TRỊ CỦA DOANH NHÂN
BUSINESS BY THIENMY.COM – THÔNG TIN KINH DOANH – KHỞI NGHIỆP – MARKETING – DOANH NHÂN
Leave a Reply