Cần tìm hiểu kỹ trước khi ký bảo lãnh với ngân hàng
Tham gia bảo lãnh về tiến độ và thời hạn hoàn thành đối với các dự án xây dựng vốn là vấn đề không còn xa lạ với các chủ đầu tư. Tuy nhiên, mỗi khi xảy ra tranh chấp, chứng thư bảo lãnh này thường bị “chối bỏ” với nhiều lý do có lợi cho một phía.
– Sắp tới, theo luật định, khách hàng mua nhà sẽ vững tâm hơn vì các chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh về tiến độ bàn giao nhà hình thành trong tương lai. Và chính các ngân hàng cũng coi đây như một dịch vụ làm gia tăng giá trị, tiện ích cho ngân hàng mình.
– Với “một trăm lẻ một” lý do đưa ra thì đến khi nhận được quyền lợi của mình thì các doanh nghiệp cũng thấm đòn, thậm chí đành ngậm ngùi tự trách mình đã không đọc kỹ cam kết bảo lãnh hoặc bất quá thì cũng đưa nhau ra tòa khởi kiện.
Theo một luật sư thuộc đoàn Luật sư Tp. HCM, thời gian qua nghiệp vụ bảo lãnh tại các tổ chức tài chính, ngân hàng được các doanh nghiêp BĐS tin tưởng sử dụng như một “cứu cánh” nhằm giúp phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra khi một trong hai bên vi phạm cam kết hợp đồng. Sắp tới, theo luật định, khách hàng mua nhà sẽ vững tâm hơn vì các chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh về tiến độ bàn giao nhà hình thành trong tương lai. Và chính các ngân hàng cũng coi đây như một dịch vụ làm gia tăng giá trị, tiện ích cho ngân hàng mình.
Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình cung cấp, không tránh khỏi những tranh chấp xảy ra giữa các bên khi tham gia và sự trông chờ vào giải pháp “phao cứu sinh” từ ngân hàng bỗng chốc lại trở thành gánh nặng phát sinh.
“Phần lớn, các vụ việc ngân hàng từ chối thanh toán bảo lãnh thường đi kèm với nhiều lý do đưa ra như bảo lãnh phát hành sai quy trình, quá thời hạn hiệu lực không được gia hạn, bên nhận bảo lãnh không chứng minh được vi phạm, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật…”, vị luật sư trên nói.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Nghiêm và Chính, cho biết thêm có những điều khoản trong chứng thư bảo lãnh của ngân hàng có thể “ hô biến” từ bảo lãnh có giá trị thành vô giá trị, hoặc không điều kiện thành có điều kiện kiểu như: “ chúng tôi cam kết vô điều kiện”, “không hủy ngang cho bên nhận bảo lãnh trong thời hạn hiệu lực”, “hồ sơ chứng minh không cần xác nhận của bên vi phạm hợp đồng”, “bảo lãnh có giá trị hết 150 ngày kể từ ngày ký… “
Nhưng khi tranh chấp xảy ra và có yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thì lập tức ngân hàng sẽ yêu cầu ngược trở lại đối với bên nhận bảo lãnh về các tài liệu chứng minh vi phạm, thời gian thương thuyết gặp gỡ giải quyết kéo dài, thậm chí đưa ra “con bài” bên được bảo lãnh có công văn yêu cầu ngân hàng chưa thực thi nghĩa vụ vì những lý do “abc” như vậy ngân hàng sẽ có lý do thoái thác.
Với “một trăm lẻ một” lý do đưa ra thì đến khi nhận được quyền lợi của mình thì các doanh nghiệp cũng thấm đòn, thậm chí đành ngậm ngùi tự trách mình đã không đọc kỹ cam kết bảo lãnh hoặc bất quá thì cũng đưa nhau ra tòa khởi kiện.
“Chính vì vậy, trước khi tham gia bảo lãnh, các DN cần tìm hiểu, đọc kỹ các quy định của pháp luật, luật các tổ chức tín dụng, quy định về nghiệp vụ cấp bảo lãnh, đến những điều kiện của từng ngân hàng, các khoản ghi trong chứng thư từ thời gian, từ ngữ… để không bị rơi vào tình cảnh “chờ được vạ thì má đã sưng” khi tham gia bảo lãnh ngân hàng”, Luật sư Nghiêm nhấn mạnh.
Một chuyên gia về lĩnh vực tài chính ngân hàng phân tích, việc các ngân hàng đặt nặng vấn đề quản trị rủi ro đối với nghiệp vụ bảo lãnh ở vấn đề phải thực hiện nghĩa vụ khi xảy ra tranh chấp dẫn đến việc đưa ra các điều kiện phức tạp, rối rắm, biến việc thực hiện nghĩa vụ một cách vô điều kiện thành có điều kiện phải đáp ứng, đã đẩy cái khó cho bên nhận bảo lãnh khi phát sinh tranh chấp là quan điểm sai lầm.
Theo đó, vấn đề chính ở chỗ, ngân hàng phải xác định rõ hướng quản trị rủi ro phải nằm ở khâu giải quyết cấp bảo lãnh và đảm bảo tiền vay đối với việc cấp bảo lãnh. Như vậy, ngoài việc hạn chế được tối đa rủi ro xảy ra do đã nắm rõ năng lực của bên được bảo lãnh, thậm chí khi sự việc xảy ra ngân hàng cũng yên tâm thực hiện nghĩa vụ vì đã “nắm đằng chuôi”.
Theo Trí thức trẻ
Leave a Reply