Doanh nghiệp đại ốc ồ ạt ra đời, liệu chất lượng có đảm bảo ?
Ngay sau tết âm lịch (thời điểm tháng Giêng), dư luận không khỏi ngỡ ngàng trước nhiều thông tin liên quan tới số lượng doanh nghiệp bất động sản mới thành lập cũng như thanh khoản thị trường. Gần hết tháng 10 năm nay, một lần nữa trạng thái ‘trăm hoa đua nở’ của doanh nghiệp địa ốc lại được ghi nhận.
Theo số liệu thống kê mới đây của Bộ Xây dựng, lượng giao dịch trong tháng 3 và quý I năm nay đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2014. Riêng tại thị trường Hà Nội, trong tháng 3 đã có khoảng 1.500 giao dịch thành công, tăng khoảng 25% so với tháng trước đó. Cả quý I năm nay, Hà Nội đã có 4.250 giao dịch thành công, cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2014.
Tăng đột biến
Theo thông tin từ Cục quản lý đăng ký kinh doanh, trong quý I/2015, số doanh nghiệp được thành lập mới trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc đã tăng tới 50% so với cùng kỳ năm 2014. Đáng chú ý, riêng 2 tháng đầu năm đã có mức tăng mạnh lên đến 89% (trong khi đó, lĩnh vực tài chính ngân hàng và bảo hiểm chỉ tăng ở mức 55%).
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp địa ốc đăng ký giấy phép kinh doanh cũng tăng mạnh so với 2 tháng đầu năm 2014. Cụ thể, cả nước đã có tổng cộng khoảng 14.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 77,5 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng khoảng 23,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải thích hiện tượng gia tăng nhanh chóng của số doanh nghiệp BĐS đăng ký mới, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu tỏ ra đồng thuận ở lý do: thị trường đã ấm lên, giao dịch gia tăng, giá trị thanh khoản bất động sản cũng tốt hơn (ở một số dự án tiêu điểm tại Hà Nội) trong khoảng thời gian đầu năm 2015.
“Lúc suy thoái, nhiều doanh nghiệp bất động sản, thậm chí cả môi giới cũng phải giải tán, đóng cửa. Đến lúc nhận thấy thị trường ấm lên thì họ lại tái lập” – Ts. Phạm Sỹ Liêm, PCT Tổng hội Xây dựng bình luận.
Phải chăng ồ ạt lập mới doanh nghiệp BĐS là… pha việt vị?! Ảnh minh họa
Có cái nhìn ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM lại nêu quan điểm khá thận trọng về các con số thống kê. Theo đó, ông Đực phân tích: ‘Tôi không tin thời điểm này có nhiều doanh nghiệp bất động sản mới thành lập để đầu tư kinh doanh dự án mà chắc chỉ có sàn giao dịch, chủ yếu thực hiện mua đi bán lại hoặc bán hàng cho một dự án hoặc chủ đầu tư nào đó. Tuy nhiên điều đáng lưu ý là, con số doanh nghiệp mới nói chung mà Tổng Cục thống kê công bố là 14.000 doanh nghiệp, nhưng ngược lại số doanh nghiệp giải thể, phá sản cũng lên tới 16.000′.
Kể từ tháng 7, pháp luật bất động sản nói riêng và ngành xây dựng đã được bổ sung hàng loạt quy định, chế tài mới. Trong đó đáng chú ý nhất là những điều lệ về thành lập, quy chế hoạt động, quyền hạn, chức năng nhiệm vụ cũng như các loại hình lợi ích đến từ hoạt động dịch vụ trung gian, tư vấn.
Ngay lập tức nhiều thông tin “tiên đoán” rằng lượng sàn giao dịch bất động sản, trung tâm nhà đất sẽ sụt giảm nhanh chóng bởi các quy định mới cho thấy hàng rào pháp lý đã nghiêm ngặt, thực tế hơn thời gian trước.
Sức ép cạnh tranh
Theo một kết quả thống kê mới nhất của VNREA thì thị trường bất động sản (tại Việt Nam) lại đi theo một diễn biến khác. Cụ thể, trong 10 tháng của năm 2015, số doanh nghiệp ‘khai sinh’ mới trong lĩnh vực địa ốc đã tăng vượt trội với 78,7% so cùng kỳ năm 2014. Tiếp theo, lượng doanh nghiệp BĐS giải thể cũng giảm 30% và doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm khoảng 7,2% so cùng kỳ năm 2014.
Mới đây, Khải Hoàn Land, một đơn vị phân phối có tiếng tại thị phần địa ốc Tp.HCMi, bất chợt đăng đàn trên một trang tin chuyên về thông tin nhà đất về công nghệ thành lập sàn giao dịch bất động sản.
Lãnh đạo của Khải Hoàn Land từng phát ngôn: ‘Về kế hoạch ngắn hạn, từ nay cho đến cuối năm 2015, Khải Hoàn Land đang tích cực chạy chỉ tiêu doanh thu về môi giới và kinh doanh là 1.500 tỷ, với 3.500 nhân viên”.
Nếu đơn vị phân phối này đạt được tham vọng kể trên thì có nghĩa thị phần phân phối địa ốc sẽ đón thêm một ông lớn mới – đối trọng đáng gườm của những đơn vị gạo cội như Siêu thị Dự án, Đất Xanh hay Liên minh sàn giao dịch G5…
Còn hiện tại, ở thị trường Hà Nội, lực lượng trung gian, dịch vụ bất động sản đều gật gù thừa nhận vai trò – tầm ảnh hưởng (chủ yếu tại một số dự án đắt khách nhờ giá trung cấp, tiến độ ít nhất xong móng hầm và hoàn thiện thô) mới nổi của một vài ‘thế lực’ như Hoàng Vương Land, Phú Quý, MaxLand hay Phú Tài, EZ Property, VUD…
Ngoài ra, dư luận cũng ngày càng tỏ ra… bớt tin tưởng hơn vào những ‘tượng đài’ trong làng phân phối sau khi có những sự cố pháp lý liên quan. Gần đây nhất, đó là hàng loạt nghi vấn liên quan một số dự án NOXH được phân phối qua sàn, nhận đặt cọc, tiền giữ suất (sự bắt tay giữa chủ đầu tư, thứ cấp và sàn).
Thậm chí, thị trường còn ghi nhận cả tình trạng môi giới đeo thẻ của sàn A nhưng lại “tranh thủ” bán thêm sản phẩm của sàn B (luật pháp không cấm) nhưng đáng nói là họ tự giới thiệu mình là người của sàn B.
Hay một trường hợp khác liên quan tới dự án nằm ngay mặt đường Lê Văn Lương, mặc dù vẫn đang tiếp tục đắp chiếu sau nhiều năm, nhưng lần lượt dự án này vẫn được ‘cò’ (giới thiệu thuộc sàn V., sàn E.,) chào mời sản phẩm chỉ có trong ‘tưởng tượng’ với khách hàng đầu tư.
Rồi tới chuyện không ít môi giới còn ‘gạ’ khách hàng vào hợp đồng đặt cọc kèm theo hợp đồng phí dịch vụ tư vấn lên tới hàng chục triệu đồng (một dự án tại Trung Kính), bất chấp pháp nhân bán hàng cũng như điều kiện được bán hàng của dự án vẫn chỉ là dấu hỏi.
Một vấn đề nữa, theo nguồn khai thác riêng của người viết, còn có tình trạng doanh nghiệp gặp phải ‘khủng hoảng truyền thông’ để xảy ra tình trạng quá nhiều cộng tác viên cùng tham gia bán sản phẩm địa ốc (khiến doanh nghiệp không thể … quản được hoạt động hành nghề của đội ngũ bán hàng thuộc cấp).
Như vậy, khi thị trường địa ốc ấm lên, thanh khoản thực sự tốt trở lại cũng chỉ mới dừng ở mức ‘dấu hiệu’, việc sàn giao dịch, doanh nghiệp bất động sản ào ào mọc lên thực chất để kỳ vọng lợi nhuận bán hàng.
(Theo Thời báo kinh doanh)
Leave a Reply